Ồ ạt nhập viện do ăn uống mất kiểm soát

ANTĐ - Chiều 7-2, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong 3 ngày làm việc đầu tiên của năm mới, số bệnh nhân vào viện khám vì các bệnh liên quan đến tiêu hóa tăng đột biến. Tương tự, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đã có ca tử vong vì liên cầu khuẩn do ăn tiết canh “lấy đỏ” 
đầu năm.

Bệnh nhân đến điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai gia tăng sau Tết

Nguyên nhân tại “thả phanh”

Chiều 7-2, đại diện khoa Khám bệnh - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong 3 ngày làm việc đầu tiên sau Tết nguyên đán, số bệnh nhân đến khám do các bệnh lý huyết áp, tim mạch, gout tăng đột biến. Chẳng hạn như tại phòng khám chuyên khoa Tim mạch- huyết áp, chỉ riêng sáng 6-2 đã tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân đến khám, hầu hết là do huyết áp tăng, bệnh mạch vành, tai biến… Đây đều là những bệnh chuyển hóa ở những bệnh nhân mãn tính liên quan đến chế độ ăn uống, sinh hoạt trong ngày Tết không được kiểm soát chặt chẽ theo chỉ định. Đáng chú ý, nhóm bệnh nhân bị gout ngày càng trẻ hóa, chiếm đa số lượng bệnh nhân vào khám là nhóm thanh niên từ 25- 30 tuổi. 

Bên cạnh những bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch, huyết áp thì lượng bệnh nhân đến khám, điều trị các bệnh về gan, dạ dày cũng tăng rất cao trong những ngày đầu năm do nguyên nhân uống nhiều bia rượu trong ngày Tết. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chỉ trong 7 ngày Tết nguyên đán đã có 6 trường hợp tử vong do bệnh lý về gan trên tổng số hơn 30 bệnh nhân nhập viện điều trị xơ gan vào thời gian này. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, 6 ca tử vong do bệnh gan trong ngày Tết vừa qua đều là những bệnh nhân bị xơ gan mãn tính, đã điều trị ổn định tại bệnh viện và được cho xuất viện về ăn Tết. Tuy nhiên trong dịp Tết, những bệnh nhân này đã không kiểm soát được tình trạng uống rượu, ăn uống thiếu điều độ, điều trị không đến nơi đến chốn, hoặc bỏ điều trị nên bệnh tái phát.

Lại tử vong do ăn tiết canh

Không chỉ các bệnh tim mạch, huyết áp, xơ gan mà số bệnh nhân bị liên cầu khuẩn nhập viện đầu năm cũng gia tăng do nhiều người còn giữ thói quen ăn tiết canh đầu năm để “lấy đỏ”. Trên thực tế, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong vài ngày qua đã tiếp nhận gần chục ca nghi ngờ nhiễm liên cầu khuẩn, tất cả số bệnh nhân này đều đến từ các huyện của Hà Nội và có đặc điểm chung là đã ăn tiết canh trước khi khởi bệnh. Đặc biệt, ngay sáng mùng 1 Tết, bệnh viện đã tiếp nhận một bệnh nhân nhập viện do nhiễm liên cầu khuẩn rất nặng. Đây là một bệnh nhân nam, 48 tuổi, ở Thái Bình, nhập viện trong tình trạng nguy kịch và tử vong sau đó ít giờ. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân thì ngày 28 Tết, gia đình bệnh nhân mổ lợn làm cỗ tất niên, nghĩ lợn nhà nuôi là “lợn sạch” nên mọi người làm tiết canh ăn. 

TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, vi khuẩn liên cầu thường cư trú ở vùng họng con lợn nhưng không gây bệnh nên ngay cả con lợn khỏe mạnh hoàn toàn vẫn có nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn. Do đó, nếu người ăn phải thịt lợn chưa nấu chín, đặc biệt là ăn tiết canh lợn, nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn rất lớn. Những người thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với lợn, giết mổ lợn, chế biến thịt lợn sống… cũng có nguy cơ bị nhiễm liên cầu khuẩn. Qua nghiên cứu trên các bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn vào điều trị tại bệnh viện trong những năm gần đây, tỷ lệ tử vong và biến chứng nặng rất cao.

Vì thế, TS Nguyễn Văn Kính khuyến cáo, để phòng bệnh, người dân tuyệt đối không nên ăn tiết canh sống, không ăn các sản phẩm chưa được nấu chín từ thịt lợn. Khi có dấu hiệu sốt cao sau ăn tiết canh và các sản phẩm chưa được nấu chín từ lợn, người dân nên chủ động đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị sớm.