Nuốt nước mắt cay đắng nhìn con lớn lên trong trại giam

ANTĐ - Những ngày cuối tuần được đón con về cùng ở, lòng người mẹ trẻ lại trào lên nỗi thương con vô hạn bởi lẽ cậu con trai lớn đã đến tuổi đi học nhưng chưa một lần được cắp sách tới trường.

Giấc mơ yêu tan vỡ

So với tuổi, Nguyễn Hải Yến sinh năm 1974 - phạm nhân ở Trại giam số 5 Bộ Công an trẻ hơn rất nhiều bởi dáng người nhỏ nhắn và nước da trắng hồng. Nhìn cô chơi với 2 đứa trẻ, đứa lớn đã 8 tuổi, chẳng ai nghĩ Yến chính là mẹ chúng, vậy mà mấy mẹ con cô ăn cơm tù đã 7 năm nay.

Yến không có tuổi thơ bởi vừa lọt lòng, cô đã mồ côi mẹ. Vợ mất sau cơn vượt cạn khó, bố Yến không chịu nổi tiếng khóc ngằn ngặt của đứa con khát sữa đã mang cô trả cho ông bà ngoại rồi bỏ đi không lời từ biệt. Yến trở thành đứa trẻ côi cút, sống được nhờ những thìa sữa ông Thọ mà phải chắt chiu lắm ông bà ngoại mới mua được cho cô. Mẹ Yến là con một nên đối với ông bà ngoại, Yến là giọt máu tiếp diễn cuộc sống của cặp vợ chồng già hiếm muộn sau cái chết quá trẻ của đứa con gái.

Ông bà bao bọc, chăm sóc Yến từ miếng cơm, giấc ngủ và dành hết cả tình yêu thương cho cháu. Dù nghèo song ông bà vẫn cố gắng cho đứa cháu côi cút đi học. Yến rất chăm học và năm nào cũng được giấy khen. Mỗi khi trái gió trở trời, nhìn ông bà đau yếu, cô lại ao ước học thật giỏi để sau này làm nghề bác sĩ chữa bệnh cho ông bà thế nhưng tuổi già đã không cho ông bà Yến theo cô đi hết đoạn đường tuổi thơ. Chưa kịp nhìn đứa cháu trưởng thành thì cả hai đã rủ nhau về bên kia thế giới. Giấc mơ trở thành bác sĩ của Yến bỗng trở nên xa vời bởi ông bà mất khi Yến chỉ vừa tốt nghiệp cấp ba.

Không còn chỗ dựa, căn nhà nhỏ bỗng trở nên thênh thang khiến một thiếu nữ như Yến nhiều đêm sợ hãi. Cô chưa biết phải xoay xở thế nào để tồn tại thì một người hàng xóm nói muốn làm mối cho một đám ra trò. Ban đầu Yến giãy nảy vì chưa hình dung cuộc sống gia đình sẽ thế nào nhưng khi nghe người hàng xóm hù dọa rằng sống một mình còn nhiều nguy cơ hơn, dễ bị bọn xấu mò tới làm chuyên bậy bạ khiến Yến thấy cuộc sống thật bất an. Cô chần chừ rồi tặc lưỡi.

Chồng cô là một thanh niên cùng khu phố, không đẹp trai lắm nhưng khéo ăn khéo nói. Bình thường anh ta đi suốt ngày, có khi vài ba ngày mới về nhưng lần nào về cũng tìm cách chiều lòng Yến khiến người vợ trẻ chẳng bao giờ giận được lâu. Có đôi lần Yến tò mò hỏi chồng làm gì thì anh nói đi phụ xe, đi áp tải hàng và bằng chứng là cũng vài lần anh ta cầm tiền về nên cô cũng không tìm hiểu kỹ. Với Yến, dẫu phải sống trong một gia đình toàn người lạ, phải làm quen với nếp sinh hoạt mới nhưng không phải nơm nớp lo sợ vì ở một mình thế là cũng ổn rồi.

Một thời gian sau, Yến có mang. Anh chồng trước đây đi tối ngày, đã có tối về thủ thỉ với vợ nhưng không phải những câu nói âu yếm về tương lai của một gia đình nhỏ mà chỉ là để xin những đồng tiền Yến dành dụm được từ số tiền mẹ chồng đưa cho đi chợ. Vừa sợ mẹ chồng biết sẽ đay nghiến, vừa muốn làm vui lòng chồng nên cô chẳng chần chừ, có bao nhiêu đưa hết. Cô đâu biết rằng chồng cô là tay cờ bạc có hạng nên dù biết cô không làm ra tiền nhưng vẫn hỏi. Sau vài lần như thế, Yến thấy phải có trách nhiệm với chồng nên bàn với mẹ chồng bán ngôi nhà chứa đầy kỷ niệm thơ ấu của mình, lấy tiền đầu tư mở cửa hàng. Và với cái bụng đã bắt đầu nhô ra dưới làn áo, Yến không còn là người ăn bám nữa, cô đã có một quán Internet để trông coi, tuy không kiếm được nhiều tiền như mẹ chồng nhưng ngày nào cũng có thu nhập. Còn một nửa tiền bán nhà, Yến để dành với ý định khi sinh nở sẽ dùng để chi tiêu song những trận đỏ đen của anh chồng đã không để cô thực hiện được điều đó.

Mỗi lần bị chồng tìm cách moi tiền, Yến lại than thở với mẹ chồng và cô nhận được lời khuyên ngọt ngào rằng hãy chấp nhận vì phận đàn bà vẫn khổ như thế. Trong khi cô thổn thức mỗi đêm, khóc ướt đẫm gối vì không có người tâm sự, chia sẻ những nỗi ấm ức thì anh chồng lại tìm đến ma túy để lấy sức cho những đêm đánh bạc của mình. Khi đã tiêu hết gói tiền để dành của Yến, vơi cả tiền hàng của mẹ thì cũng là lúc chồng Yến không thể rút chân khỏi ma túy. Cờ bạc và nghiện ngập đã biến chồng cô thành một con người cục cằn, thô lỗ. Anh ta ra điều kiện với Yến rằng không cần biết cô bán hàng thế nào, mỗi ngày anh ta thức dậy, trong túi phải có 500 ngàn đồng để mua ma túy hít.

Bụng chửa vượt mặt, Yến không còn thời gian nghỉ ngơi mà phải cắm mặt ở cửa hàng. Nếu hôm sau không đủ tiền “tô” cho chồng thì thế nào cũng nhận vài cái bạt tai. Dù Yến có chăm chỉ bao nhiêu, tằn tiện bao nhiêu cũng không đủ tiền cung cấp cho con nghiện. Nhìn cửa hàng mỗi ngày một lèo tèo vì máy móc bán dần lấy tiền cho chồng, Yến lặng lẽ khóc. Cô muốn vùng thoát ra khỏi cuộc sống tù túng của mình nhưng cô không biết nương tựa vào ai khi đứa bé trong bụng đã biết quẫy, đạp. Cô tìm cách động viên chồng, khuyên anh đi cai nghiện nhưng chồng Yến chỉ hứa khi thấy tiền trong túi để rồi sau đó lại khùng điên khi lên cơn thèm thuốc. Đã vài lần cô bị chồng đánh túi bụi chỉ vì không kịp kiếm tiền đưa cho gã.

Tài sản đã tiêu tan, cửa hàng thì đóng cửa, Yến theo chồng xuống Thanh Nhàn, xem anh ta mua ma túy ở đâu để mua về bán. Yến bảo ngày đầu xuống mua ma túy, cô cũng sợ lắm nhưng là sợ bị cướp tiền, sợ gặp phải con nghiện dính “ết” chứ không phải vì sợ công an bắt. Thế nhưng cô đã không (gặp trở ngại, có lẽ bởi thấy cô xanh rớt, gầy gò chẳng khác nào kẻ nghiện nên bọn bán lẻ ma túy đã không căn vặn gì khi cô hỏi mua 2 tép ma túy. Mỗi lần mua 2 tép, Yến để 1 tép cho chồng hít còn 1 tép bán đi, làm vốn hôm sau đi mua tiếp. Khi đã dạn dĩ hơn, Yến mua vài tép về bán, vừa có cái để chồng dùng, vừa có đồng ra đồng vào, chi tiêu cho bản thân. Cô còn chăm chỉ hơn con ong, ngày nào cũng cần mẫn đạp xe xuống Thanh Nhàn, lấy ma túy về Khâm Thiên bán, kể cả thời điểm sinh con cũng không nghỉ lấy một ngày. Gần một năm sống cảnh ăn đong, bán lẻ ma túy như thế, đến khi đứa con trai đầu lòng của Yến tròn 6 tháng thì cô bị bắt. Ngày ôm con hầu tòa, Yến sững sờ, hoảng hốt, đổ gục xuống đứa trẻ khi biết mình bị kết án 15 năm tù.

Ảnh minh hoạ

Mơ một ngày được thấy con đến trường

“Ngày vào trại 5, em phải ẵm theo con trai vì bố nó nghiện nặng quá, thân còn không lo nổi làm sao nuôi được cháu” -Yến xa xăm. Cô không trách mẹ chồng đã không mở rộng vòng tay cưu mang cháu nội bởi bà cũng vì con trai mà trở thành con nợ của rất nhiều bạn hàng. Những ngày trong tù, được ăn uống đầy đủ, đúng bữa, cô lại béo khỏe ra nên con của Yến không còn quặt quẹo như hồi ở nhà nữa. Nhìn con trai hồng hào, bắt đầu bi bô nói, cô chạnh lòng nghĩ tới tương lai của nó, nghĩ tới người chồng từ ngày cô vào trại, không biết sống chết thế nào. Yến bảo cô không yêu chồng nhưng rất thương bởi chỉ tại tính chồng mềm yếu quá, lại mắc bệnh hen nên được cả nhà nuông chiều thành ra hư hỏng. Cũng đã nhiều lần thấy con khóc ngằn ngặt vì khát sữa, chồng Yến đã khóc, đã hứa sẽ cai nghiện nhưng rồi lại không đủ nghị lực để vượt qua một cơn thèm thuốc.

“Vào trại giam em vẫn không biết là mình có thai, mãi tới khi thấy đạp bình bịch trong bụng thì đã muộn”, Yến giãi bày về sự mau mãn của mình. Hai đứa con trứng gà trứng vịt nên Yến được ưu ái hơn các phạm nhân khác. Cô được nghỉ chế độ thai sản, được trại cấp cho đường sữa để nuôi con và có những giờ nghĩ giữa ca lao động để về cho con bú. Tối đến, đứa trẻ về với mẹ đến khi không còn bú mẹ nữa thì sống với các cô bảo mẫu, chỉ 2 ngày cuối tuần mới được về ở với mẹ trong khu buồng giam. Khi con gái nhỏ Tạ Ngọc Ánh vừa biết cất tiếng gọi mẹ thì một tin đầy chua xót đến với Yến: Chồng cô sau một thời gian vạ vật, mua đi bán lại ma túy cũng theo gót vợ bị bắt vào trại giam với mức án 9 năm tù. Kể từ ngày đó, cứ cuối tuần, trước khi Yến đón hai con về phân trại của mình, chồng cô lại được ra thăm con và cái gia đình nho nhỏ của Yến lại được đoàn tụ dù chỉ là trong chốt lát. Được gặp vợ, gặp con, chồng cô chẳng nói được gì nhiều, cứ xoa đầu hai con rồi khóc. Yến cũng không kìm được nước mắt khi nhìn thấy cảnh ấy, lòng cô lại trào lên nỗi thương chồng, thương con và thương cho thân phận hẩm hiu của mình.

“Thấm thoắt vậy mà ba mẹ con em cũng 5 năm ở trại giam rồi đấy”, Yến mở lời, đôi mắt một mí chợt ánh lên cái nhìn chua chát. Ngày vào trại giam, bé Tạ Hoàng Anh con trai Yến mới được mấy tháng tuổi, còn ẵm ngửa trên tay, giờ đã chạy nhảy tung tăng. Nó đã biết nhường cho em gái đồ chơi đẹp và biết dỗ dành em mỗi khi cô bé nũng nịu. Hoàng Anh đã đến tuổi đi học nhưng vì ông bà nội không đón về nên cậu bé không được cắp sách tới trường.

Được các quản giáo dạy bảo, Hoàng Anh cũng biết đọc biết viết, biết làm tính. Những ngày cuối tuần, đón con về cùng ở với mình, nghe con bi bô đọc, trong lòng Yến quặn lên nỗi xót xa. Từ bé đã theo chân mẹ vào trại giam, cậu bé chỉ nhìn thấy những bộ quần áo kẻ sọc nên khi Yến ôm con vào lòng, hứa sẽ cho con tới trường để con được nô đùa với các bạn, được mặc những bộ đồng phục thì Hoàng Anh lắc đầu quầy quậy bảo không thích vì ghét quần áo kẻ sọc khiến các phạm cùng buồng ai cũng rơm rớm nước mắt.

Yến kể lại chuyện đó với chồng và cả hai cùng hứa cải tạo thật tốt để sớm cho con một mái nhà hạnh phúc. Cô dự định khi ra trại sẽ cùng chồng mở lại quán hàng khi xưa, kiếm tiền cho hai con ăn học. “Dù có túng thiếu thế nào thì chúng em sẽ cố gắng nhưng nhất định phải cho bọn trẻ tới trường. Chúng đã quá thiệt thòi vì bố mẹ rồi”, Yến quả quyết, khuôn mặt đanh lại, nhưng ánh mắt thì sáng rực nhìn về phía xa.