Nuôi dưỡng tài năng khoa học dưới mái trường phổ thông

ANTD.VN - Nghiên cứu khoa học có phải là điều xa vời với trình độ một học sinh phổ thông? Hoàn toàn không, bởi nhiều em học sinh đã có những sáng chế đáng chú ý khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Nuôi dưỡng tài năng khoa học dưới mái trường phổ thông ảnh 1

Những phát minh từ ghế nhà trường 

Ở Mỹ, học sinh 15 tuổi đã tạo ra phần mềm “hướng dẫn” máy móc phát hiện các gene đột biến có khả năng gây ra ung thư vú với độ chính xác cao. Ở Singapore, học sinh tạo ra điện cực mới với nguyên liệu lấy từ quả cà tím và có thể ứng dụng vào chế tạo pin trong tương lai. Còn ở Việt Nam, những nhà phát minh nhỏ tuổi đang dần được biết ở khu vực và quốc tế.

Có thể kể ra hàng loạt nhà phát minh còn đang ngồi trên ghế nhà trường như Nguyễn Dương Kim Hảo, học lớp 6 trường THCS Nguyễn Gia Thiều, TP.HCM đã sáng chế ra mô hình bảng điều khiển thông minh giúp tắt mở các thiết bị điện trong gia đình tự động từ máy tính, ĐTDĐ. Hay Đậu Bá Kiên, nổi tiếng với thiết bị điều khiển chuột máy tính bằng mắt khi tham gia triển lãm quốc tế về sáng kiến, sáng chế kiểu dáng công nghiệp lần thứ 24 ở Malaysia. Ngoài ra, còn hàng loạt các sản phẩm khác của các nhà sáng chế nhỏ tuổi như “Máy xử lý rác thông minh”; “Quả cầu chữa cháy”… 

Bà Trần Hải Yến, Giám đốc Điều hành trường THCS Alpha cho biết: “Trường đã thành lập Câu lạc bộ “Chúng em yêu khoa học” từ hè năm 2016. Đây là nơi giải đáp hàng loạt câu hỏi như khoa học là gì? Liệu đó có phải là những thứ xa vời, là các phát kiến vĩ đại làm thay đổi thế giới?... Tham gia câu lạc bộ, các em sẽ hiểu rõ khoa học là sự quan sát, tìm tòi, khám phá, chứng minh, thử nghiệm để làm phong phú hơn nhận thức của loài người. Khoa học bắt nguồn từ những điều giản dị, gần gũi và thực tế nhất trong cuộc sống hàng ngày”. Đây cũng là hình thức được nhiều trường học ở Hà Nội và cả nước tích cực triển khai ở thời điểm này.

Vốn sống đặc biệt quan trọng

Ông Đỗ Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty Long Minh, từng là huấn luyện viên cho đội tuyển Việt Nam tham gia Cuộc thi ISEF Khoa học kỹ thuật quốc tế cho biết, ông và đồng nghiệp đã hỗ trợ thành lập hàng trăm câu lạc bộ khoa học trong trường học. “Việc thành lập những câu lạc bộ khoa học hiện đã được nhân rộng ra nhiều tỉnh như Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương… với gần 200 trường tham gia. Đây cũng là xu hướng phát triển của thế giới khi nuôi dưỡng những tài năng ngay từ trường phổ thông”, ông Đỗ Hoàng Sơn chia sẻ.

“Thời gian học hiện nay không đủ để các em có cơ hội thỏa sức sáng tạo và phát huy hết tiềm năng. Câu lạc bộ khoa học sẽ giúp học sinh được sáng tạo, trải nghiệm, xây dựng ý tưởng, báo cáo thành quả và thậm chí tiến xa hơn là cơ hội mang các sản phẩm khoa học đi giao lưu trong nước và quốc tế”, bà Trần Hải Yến cho biết.

Đại diện lãnh đạo trường THPT Tạ Quang Bửu cho hay, việc  đưa nghiên cứu khoa học vào trường học đã được trường triển khai khá thuận lợi. Ngay từ lớp 6 học sinh đã làm quen với môn khoa học như đọc sách khoa học, thực hành làm mô hình, thí nghiệm theo các hiện tượng vật lý, hiện tượng tự nhiên, tái chế sử dụng vật liệu đơn giản, giấy màu, chai lọ, bìa… Các em rất hào hứng khi được học những giờ nghiên cứu khoa học được tích hợp với kiến thức từ các môn học khác. 

“Nhiều phụ huynh chỉ muốn con học tiếng Anh, học Toán, Văn mà ít quan tâm đến việc học khoa học. Để thay đổi điều này cần có sự chung tay của cộng đồng. Các kỹ năng, kiến thức từ các môn khoa học sẽ là vốn sống, dù không làm nghiên cứu thì những kiến thức đó vẫn phát huy tốt trong nhiều lĩnh vực”, ông Đỗ Hoàng Sơn khẳng định.