Nước sinh hoạt khu vực ngoại thành nhiễm amoni khá cao

ANTĐ - So với 3 năm trước đây, nước sinh hoạt ở khu vực ngoại thành Hà Nội bị nhiễm amoni ngày càng cao.

Phần lớn người dân ở các huyện ngoại thành Hà Nội đều dùng nước giếng khoan

Đó là thông tin mà Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn (NSH&VSMTNT) Hà Nội vừa đưa ra.

Theo kết quả phân tích mẫu nước của Trung tâm NSH&VSMTNT Hà Nội, trên 50% mẫu nước sinh hoạt lấy tại các Trạm cấp nước tập trung ở 12 huyện ngoại thành bị nhiễm amoni vượt tiêu chuẩn từ 3 - 5 lần, thậm chí có nơi vượt tiêu chuẩn đến 8 lần.

Các huyện Thanh Trì, Từ Liêm, Ứng Hòa và Thường Tín có nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm amoni cao nhất. Ngoài ra chỉ số pecmanganat (độ ôxi hóa) trong, mẫu nước ở đây cũng vượt mức cho phép 1,5 - 2,5 lần (tiêu chuẩn 4mg/l)…

Cũng qua phân tích cho thấy, 3/10 chỉ tiêu của nước sinh hoạt ở  ngoại thành vượt mức an toàn khác là: Pecmanganat, Coliform, E.coli chịu nhiệt.

Theo Trung tâm NSH&VSMTNT Hà Nội, nguyên nhân chính dẫn đến nguồn nước ngầm ở các huyện ngoại thành nhiễm amoni cao là do cấu tạo địa chất khu vực này và do tích tụ từ cặn bã, chất thải sinh hoạt, phân bón...

Bên cạnh đó, việc khoan giếng thủ công dày đặc, thiếu khoa học ở các huyện ngoại thành cũng là nguyên nhân khiến cho nguồn nước ngầm dễ bị nhiễm amoni.

Trong khi đó, việc xử lý amoni trong nước ngầm hiện nay tại Hà Nội lại rất khó vì công nghệ xử lý amoni phải nhập ngoại, giá thành rất đắt.

Trước mắt để giảm thiểu lượng amoni trong nước sinh hoạt tại các huyện ngoại thành, ngoài việc các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường. Nên hỗ trợ nông dân chuyển chăn nuôi ra xa khu dân cư, xây dựng hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi.

Song song với việc trên, UBND TP cần sớm phê duyệt dự án hỗ trợ xây dựng các công trình xử lý nước qui mô hộ gia đình trên địa bàn ngoại thành…

Tin cùng chuyên mục