Nước Mỹ thời Joe Biden (4): Ngăn chặn đại dịch Covid-19 trở thành ưu tiên hàng đầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Được báo chí mô tả là “Tổng thống xuất hiện giữa khủng hoảng”, ngay trong tuyên bố thắng cử, ông Joe Biden đã hé lộ kế hoạch gồm nhiều thay đổi lớn so với ông Donald Trump nhằm giúp nước Mỹ đối phó tốt hơn với cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 hiện đang ở giai đoạn đỉnh điểm.

Ông Joe Biden cam kết tăng cường xét nghiệm và truy vết để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19

Ông Joe Biden cam kết tăng cường xét nghiệm và truy vết để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19

Chiến lược mới của “Tổng thống thời khủng hoảng”

Khác với ông Donald Trump, người liên tục hạ thấp tầm quan trọng và hậu quả chết người của Covid-19, ông Joe Biden coi việc kiềm chế đại dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu sau khi thắng cử. Cáo buộc ông Donald Trump đã thất bại trong việc ngăn ngừa Covid-19 khiến hàng trăm nghìn người tử vong, cựu Phó Tổng thống cho rằng Tổng thống và Chính phủ liên bang tồn tại là để giải quyết những cuộc khủng hoảng như vậy.

LTS: Việc cựu Phó Tổng thống Joe Biden được truyền thông Mỹ “xướng tên” là ứng cử viên giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 với hơn 270 phiếu đại cử tri được cho sẽ dẫn tới sự thay đổi lớn, tác động nhiều chính sách đối nội và đối ngoại quan trọng của nước Mỹ sau khi Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ chính thức nhậm chức trưa 20-1-2021.

Thực tế, nước Mỹ đang đứng trước nguy cơ bùng phát “làn sóng thứ ba” Covid-19. Theo Hãng Fox News, 10 ngày đầu tháng 11 này đã ghi nhận khoảng 1 triệu ca nhiễm mới, con số cao nhất kể từ khi Covid-19 bùng phát tại Mỹ. Mức trung bình mỗi ngày là 105.600 ca nhiễm, tăng ít nhất 29%. Trong khi đó, theo Hãng Reuters và báo New York Times, cường quốc hàng đầu thế giới đã trở thành nước đầu tiên có tổng số ca mắc Covid-19 chạm mốc 10 triệu, trong đó gần 240 nghìn ca tử vong.

Trong bối cảnh đó, ông Joe Biden tuyên bố phải hành động khẩn cấp. Ngày 9-11, ông đã công bố lập Đội chuyên trách gồm 12 thành viên để ứng phó với đại dịch. Đội chuyên trách sẽ được giao nhiệm vụ phát triển một kế hoạch chi tiết về việc ngăn chặn dịch bệnh ngay sau khi ông Joe Biden nhậm chức vào ngày 20-1-2021.

Đội chuyên trách sẽ do cựu bác sĩ phẫu thuật Vivek Murthy, cựu Ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm David Kessler và Tiến sĩ Marcella Nunez-Smith, Giáo sư sức khỏe cộng đồng tại trường Đại học Yale, đồng chủ trì. Hai nhân vật quan trọng là Kessler và Murthy sẽ tham gia vào việc hướng dẫn các kế hoạch ứng phó với Covid-19, thường xuyên báo cáo cho ông Joe Biden, giúp phát triển chính sách và giúp các quan chức hàng đầu tổ chức các sự kiện chiến dịch an toàn.

Để xoay chuyển tình thế, ngăn không cho “làn sóng thứ ba” Covid-19 bùng phát mạnh, mà theo dự báo là vào thời điểm nhậm chức Tổng thống, ông Joe Biden đưa ra 6 tiêu chí chính của chiến dịch chống dịch, bao gồm: Thiết lập hướng dẫn phòng chống dịch bệnh nhằm làm chậm đi sự lan truyền dịch trong cộng đồng, Tăng cường kiểm tra nghiêm túc tình trạng dịch bệnh trong cộng đồng, Hỗ trợ người dân có bảo hiểm sức khoẻ, Xây dựng lực lượng chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, Đẩy mạnh việc phân phối vaccine và sản xuất các thiết bị bảo vệ sức khoẻ cá nhân...

Đảo ngược nhiều biện pháp chống dịch của ông Donald Trump

Như vậy, chính sách ngăn đại dịch của ông Joe Biden có sự tương phản rõ rệt so với Tổng thống Donald Trump. Đi vào cụ thể, ông Joe Biden kêu gọi trao quyền cho các nhà khoa học tại Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) để đưa ra các hướng dẫn có cơ sở khoa học ở quy mô quốc gia nhằm ngăn chặn dịch bệnh bùng phát. Ông cũng tán thành việc dùng ngân sách liên bang để giúp các doanh nghiệp và cá nhân, cùng với các chính quyền địa phương và tiểu bang, đồng thời hứa sẽ tích cực sử dụng Đạo luật sản xuất quốc phòng để gia tăng xét nghiệm và vật tư y tế.

Nhằm đối phó chủ động hơn với Covid-19, ông Joe Biden cam kết tăng cường xét nghiệm và truy vết. Giới chức y tế Mỹ cho biết, khoảng 40% số ca Covid-19 tại nước này là bệnh nhân không có triệu chứng. Do đó, việc xét nghiệm nhanh, cách ly sớm là “chìa khóa” quan trọng để ngăn chặn các ổ dịch lan rộng. Trong tương lai, người Mỹ sẽ được xét nghiệm thường xuyên, miễn phí và đáng tin cậy.

Khác với ông Donald Trump, ông Joe Biden sẽ tìm cách thông qua quy định bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng. Một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Y tế Nature cho thấy, nếu 95% người Mỹ đeo khẩu trang, số người tử vong vì Covid-19 tại nước này sẽ giảm hơn 100.000 ca. Vì thế, ông Joe Biden khẳng định: “Tôi sẽ tìm đến các thống đốc để kêu gọi họ ban hành quy định đeo khẩu trang ở các bang. Nếu họ từ chối, tôi sẽ tìm tới các thị trưởng, lãnh đạo các hạt để việc đeo khẩu trang có thể được thực hiện trên toàn quốc”.

Để giải quyết tận gốc Covid-19, ông Joe Biden sẽ ưu tiên tìm kiếm vaccine để đưa nước Mỹ trở lại trạng thái bình thường từ đầu năm tới. Ông hứa sẽ đầu tư 25 tỷ USD cho công tác nghiên cứu, sản xuất và phân phối vaccine Covid-19 miễn phí tới tay người dân Mỹ. Chính quyền mới của ông cũng sẽ công khai các dữ liệu lâm sàng của các loại vaccine được phê duyệt.

Trong vấn đề này, ông Joe Biden gặp thuận lợi hơn so với ông Donald Trump. Đúng vào thời điểm sau cuộc bầu cử Tổng thống, Hãng Pfizer của Mỹ và Hãng Biontech của Đức không biết có chủ ý hay không mà đã công bố chế tạo thành công vaccine ngừa Covid-19, khiến ông Donald Trump cho rằng sự chậm trễ này có mục đích chính trị, cụ thể là gây bất lợi cho cơ may của ông Donald Trump được tái cử.

Ông Joe Biden cũng dự kiến sẽ đảo ngược quyết định rút Mỹ ra khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mà chính quyền của ông Donald Trump tuyên bố hồi tháng 7-2020. Trong bối cảnh nước Mỹ đang phải gồng mình đối phó với số ca mắc Covid-19 gia tăng với mức độ kỷ lục, sắc lệnh dự kiến của ông Joe Biden sẽ cho phép Mỹ tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế trong khi tăng cường kiểm tra, giám sát ảnh hưởng của Trung Quốc đối với WHO.

Tình hình chính trị của nước Mỹ sẽ có nhiều thay đổi và nhiệm kỳ của ông Joe Biden sẽ tập trung vào những ưu tiên hoàn toàn khác biệt so với thời ông Donald Trump, trong đó có việc xử lý dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào việc Đảng Dân chủ có kiểm soát được Thượng viện hay không. Hiện Đảng Cộng hòa đã giành được 50 trong tổng số 100 ghế tại Thượng viện, chỉ còn 2 ghế của bang Georgia là chưa ngã ngũ. Nếu Đảng Dân chủ chiến thắng ở Georgia, Thượng viện sẽ chia đều cho mỗi đảng 50 ghế. Khi đó, Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris sẽ là người bỏ phiếu quyết định. Ngược lại, nếu Đảng Cộng hòa kiểm soát Thượng viện, đảng này có thể ngăn cản nhiều quyết sách của ông Joe Biden. Trong quá khứ, khi còn làm Phó Tổng thống, ông Joe Biden từng gặp nhiều khó khăn do sự bất hợp tác của Đảng Cộng hòa, dù nỗ lực tìm kiếm những điểm chung với đảng này.