Nước Mỹ chia rẽ bởi chính sách nhập cư

ANTD.VN - Chính sách nhập cư cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục gặp phản ứng khi mới đây hàng trăm nghìn người đã tổ chức biểu tình trên khắp nước Mỹ để phản đối, còn các nhà hoạt động xã hội thì kêu gọi giải thể Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ (ICE), vốn bị chỉ trích là đã đối xử không công bằng với người nhập cư.

Biểu tình phản đối chính sách nhập cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Thủ đô Washington

Tại Washington, khoảng 30 nghìn người đã tụ tập biểu tình, bắt đầu ở Quảng trường Lafayette, gần Nhà Trắng, trước khi diễn ra một cuộc tuần hành hướng tới trụ sở Quốc hội Mỹ. Trong khi đó, hàng nghìn người biểu tình ở New York tuần hành qua cầu Brooklyn, mang theo các biểu ngữ “Hãy làm nước Mỹ nhân đạo trở lại”, “Người nhập cư được chào đón ở đây”. Tại Chicago, hàng nghìn người tập trung tuần hành đến các văn phòng địa phương của cơ quan nhập cư liên bang.

Kể từ khi lên cầm quyền, ông Donald Trump luôn tỏ ra cứng rắn trong các chính sách nhập cư. Theo lệnh của ông, hàng loạt các biện pháp đã được ban hành, từ cấm nhập cảnh đối với công dân của một số quốc gia có đa số người dân theo đạo Hồi, loại bỏ chương trình nhân đạo với trẻ em nhập cư trái phép, đến quyết định rút khỏi hiệp ước toàn cầu về người di cư, tách trẻ em với cha mẹ bị bắt vì nhập cư bất hợp pháp.

Nếu nhìn tổng thể, chính sách nhập cư ngặt nghèo của ông Donald Trump không đơn thuần chỉ là biện pháp trong chiến dịch tranh cử. Nhập cư bất hợp pháp đang là thách thức với nước Mỹ. Theo thống kê của Bộ An ninh nội địa Mỹ, trong năm 2017, giới chức Mỹ đã bắt giữ gần 150 nghìn lượt người nhập cư trái phép, tăng 30% so với năm trước đó. Trong tháng 5-2018, tổng cộng người nhập cư trái phép bị bắt là 51,9 nghìn, gần gấp 3 lần con số của tháng 5-2017.

Hàng loạt biện pháp ngăn chặn đã được ông Donald Trump đưa ra. Đứng đầu trong danh sách đó là dự án xây dựng bức tường lớn dọc biên giới phía Nam giữa Mỹ và Mexico. Ông Donald Trump cũng đề xuất tăng mạnh số nhân viên thực thi pháp luật, tuyển thêm 10 nghìn nhân viên và 1 nghìn luật sư cho Cơ quan di trú và hải quan Mỹ (ICE). Ông chủ Nhà Trắng cũng chủ trương ngăn những người nhập cư bảo lãnh các thành viên khác trong gia đình đến Mỹ…

Trong khi những người ủng hộ ông Donald Trump cho rằng những biện pháp này là cần thiết nhằm giảm thiểu các nguy cơ an ninh cho người dân nước Mỹ, thì cũng có không ít ý kiến phản đối với quan điểm những chính sách như vậy thể hiện sự phân biệt. Thậm chí nhiều đối tác của ông Donald Trump và chính khách đảng Cộng hòa cũng bày tỏ lo ngại rằng chính sách này có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế và đi ngược lại các giá trị mà lâu nay nước Mỹ theo đuổi.

Trên thực tế, nhiều “đại gia” công nghệ của Mỹ như Apple, Facebook, Microsoft hay Google lâu nay phụ thuộc khá nhiều vào lực lượng lao động trẻ đến từ nhiều nước theo con đường nhập cư bất hợp pháp cùng cha mẹ từ khi còn nhỏ và hiện hưởng chính sách gọi tắt là DACA. Tổng chưởng lý bang New York Eric T. Schneiderman thậm chí còn khẳng định người nhập cư là “nguồn sống” của bang này. Ông này nhấn mạnh những người thuộc diện DACA luôn tuân thủ pháp luật, đóng thuế đầy đủ và xứng đáng được ở lại nước Mỹ để cống hiến và thực hiện “giấc mơ Mỹ” của mình.

Cuộc tranh cãi pháp lý liên quan đến người nhập cư bất hợp pháp ở Mỹ sẽ còn kéo dài căng thẳng. Thậm chí theo Viện thăm dò dư luận Gallup, do cuộc tranh cãi này mà tỷ lệ ủng hộ ông Donald Trump hiện chỉ ở mức 41%, trong khi số người không ủng hộ ông lên tới 55%. Tuy nhiên, có thể dự đoán rằng ông Donald Trump chắc chắn sẽ không khoan nhượng.