Nước mắt “lão tướng”

ANTĐ - Gần 20 năm cống hiến cho màu áo đội tuyển bóng bàn quốc gia, song nay, khi đang bước sang bên kia sườn dốc sự nghiệp, tay vợt Đoàn Kiến Quốc không khỏi đau đáu khi nhìn về tương lai.
Để kiếm được tấm bằng huấn luyện, Kiến Quốc sẽ phải bỏ tiền túi gần 300 triệu đồng

Được coi là “công thần” của bóng bàn Việt Nam thời gian gần đây với nhiều chiến công lớn, Quốc có ưu thế hơn nhiều đồng nghiệp khi được tuyển thẳng vào trường ĐH TDTT Bắc Ninh và theo học lớp tại chức hệ 5 năm. Song bù lại, Kiến Quốc “phải” trở thành cái tên không thể thiếu trong mỗi lần đội tuyển bóng bàn tham dự các giải đấu lớn nhỏ, để rồi chẳng còn thời gian mà lo chuyện học hành.

Giờ đây, sau 6 năm theo học - khoảng thời gian đủ để các sinh viên khác kiếm cho mình 2 tấm bằng ĐH bước vào đời - Kiến Quốc mới chỉ học xong 2 trong tổng số gần 40 môn. Hơn lúc nào hết, Kiến Quốc muốn sống cho bản thân, muốn chuyên tâm học để kiếm bằng huấn luyện, để ít ra khi giải nghệ, có thể tự nuôi sống bản thân với tấm bằng đó. Song, ước mơ tưởng chừng như đơn giản với bao người khác sao giờ đây lại quá đỗi khó khăn với riêng mình anh.

Cống hiến cho thể thao là thế, nhưng sự đền đáp Quốc nhận được lại thật ít ỏi. Để có thể nhận bằng, Quốc phải học lại và thi lại gần 40 môn tại trường ĐH TDTT Bắc Ninh với số tiền phải trả gần 300 triệu đồng, số tiền có thể không “đáng kể” với các cầu thủ bóng đá, song lại là một gia tài lớn với các VĐV thể thao đỉnh cao như Quốc.

Song điều đáng nói ở đây là sau khi đã vắt kiệt sức Kiến Quốc để đổi lấy những huy chương, thành tích, ngành thể thao lại tỏ ra vô trách nhiệm với tương lai của VĐV này. Người ta vẫn thấy lãnh đạo ngành thể thao nói ra rả trên báo chí, nào là “luôn quan tâm chăm sóc cho các VĐV, đặc biệt là những VĐV trọng điểm”, nào là “sẽ có chế độ hậu đãi cao cho những VĐV có nhiều cống hiến khi giải nghệ”… Song với Quốc, điều đó dường như chỉ có… trong mơ.

TTK LĐ Bóng bàn Việt Nam, Phạm Đức Thành: Rất trăn trở, nhưng...

Không chỉ Kiến Quốc mà còn rất nhiều VĐV đỉnh cao khác gặp khó khăn trong học văn hóa do phải dồn thời gian cho tập luyện, thi đấu và cống hiến cho ĐTQG. Bản thân Liên đoàn cũng như bộ môn bóng bàn rất thông cảm và trăn trở, song việc hỗ trợ (tiền học) cho các trường hợp này là không thể bởi nguồn kinh phí hạn hẹp.

Hiệu trưởng trường ĐH TDTT Bắc Ninh, Nguyễn Đại Dương: Vẫn phải theo quy chế

Tôi có biết Đoàn Kiến Quốc là VĐV bóng bàn nổi tiếng song việc qua trình, kết quả học tập của sinh viên này thì không được nắm rõ. Song dù là VĐV nào thì vẫn phải vẫn phải đóng góp các khoản tiền học và tuân thủ theo quy chế chung của nhà trường. Hiện tại nhà trường vẫn chưa có chế độ riêng đặc biệt nào cho các VĐV có cống hiến như Đoàn Kiến Quốc.

Phó GĐ Công ty CP TTVH Dầu khí Việt Nam  Trương Thới Nhiệm (cơ quan chủ quản của VĐV Đoàn Kiến Quốc): Không thể “vắt chanh bỏ vỏ”

Một VĐV đã cống hiến gần 20 năm, mang về biết bao vinh quang cho bóng bàn nói riêng, thể thao Việt Nam nói chung vậy mà nay, muốn có tấm bằng HLV để tiếp tục cống hiến lại phải nộp gần 300 triệu đồng. Xét cho cùng, Kiến Quốc cũng chỉ là một trong hàng nghìn nạn nhân bị ngành thể thao đối xử theo kiểu “vắt chanh bỏ vỏ”. Và nếu lãnh đạo thể thao cứ thờ ơ, đùn đẩy “quả bóng trách nhiệm” cho cơ quan chủ quản thì không biết, liệu còn VĐV nào muốn theo đuổi nghiệp thể thao?