Nước mắt của một tướng cướp

ANTĐ - Bỏ lại vợ đẹp con ngoan, lao vào đỏ đen cờ bạc, nghiện ngập hút chích, sau đó là những tháng ngày đẫm máu giang hồ như bảo kê, chém giết, đòi nợ thuê... thậm chí khi thất thế còn dẫn đàn em đi cướp giật để có tiền hút chích qua ngày. Với từng ấy “chiến tích” bất hảo, cuộc đời người đàn ông này tưởng như đã bị bóng tối bao trùm và không ai nghĩ rằng có một ngày anh ta có thể bước ra chỗ sáng để làm lại cuộc đời.

Nước mắt của một tướng cướp  ảnh 1Anh Hội hạnh phúc bên vợ con

Lá thư cứu rỗi cuộc đời tướng cướp 

Người đàn ông ấy là Nguyễn Đình Hội (SN 1967), ở xã Nam Yang, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 9 anh chị em, mặc dù kinh tế khó khăn nhưng Nguyễn Đình Hội vẫn được cha mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn.

Học hết cấp III, Nguyễn Đình Hội thi trượt đại học nên anh về nhà học nghề sửa chữa xe máy rồi mở cửa hàng riêng ở quê. Năm 1989, anh kết hôn cùng cô thôn nữ xinh đẹp Trần Thị Hiệp (SN 1970). Sau khi lấy vợ, công việc sửa chữa xe máy của Nguyễn Đình Hội rất phát đạt. Tuy nhiên, Hội lãng quên tháng ngày trên các chiếu bạc nên cửa hàng của anh dần mất khách. Sau khi “nướng” cả cơ nghiệp vì trò đỏ đen, vợ của Hội giận dỗi tuyên bố: “Nếu anh không bỏ được cờ bạc thì chúng ta phải chia tay”. Thế là Hội đưa vợ con chuyển đi nơi khác để tránh xa đám bạn xấu. Hai vợ chồng chuyển đến Buôn Ma Thuột thuê một căn nhà trọ, vợ đi làm thuê, chồng chạy xe “ôm” lấy tiền sinh sống qua ngày.

Ở miền đất mới, người vợ cứ ngỡ chồng mình đã tránh xa tật cũ để bước vào con đường làm ăn chân chính, nào ngờ một ngày kia chị phát hiện ra chồng mình không chỉ “ngựa quen đường cũ” mà còn dính vào ma túy. Năm 1994, sau những lần khuyên giải chồng không thành, chị ôm bụng bầu, tay bồng tay bế 2 con nhỏ đứa 1 tuổi, đứa 4 tuổi về nhà ông bà ngoại sinh sống.   

Không còn người bên cạnh can ngăn, Nguyễn Đình Hội như con ngựa đứt cương, anh đánh quả liều đi ngược ra Nha Trang, Bình Định, Phú Yên... Cứ ở nơi nào có tụ điểm bài bạc, hút chích là tìm đến để học hỏi mánh khóe. Khi đã hội tụ đầy đủ bản lĩnh, những trò bịp bợm để giăng bẫy các con bạc thì Hội chọn TP.HCM làm miền đất thể hiện các “ngón nghề”. Nhờ đó, Nguyễn Đình Hội kiếm được bộn tiền nhưng hút hít ma túy cũng nhiều hơn, cao điểm anh ta “nướng” hết hơn 2 triệu đồng/ngày cho ma túy.

Nguyễn Đình Hội lê bước “oanh tạc” khắp các chiếu bạc ở TP.HCM và được không ít kẻ xu nịnh tán tụng là Hội “casino”, Hội “thần bạc”, Hội “đốt bạc”… Sau khi có chút tiếng tăm trong giới giang hồ, Hội còn làm bảo kê, đòi nợ thuê cho một số tụ điểm ăn chơi, nhà hàng, quán xá ở một số quận trong TP.HCM. Gặp thời, Hội làm “đại ca”, dưới trướng luôn có trên dưới 15 đàn em ưa máu me, chém giết. Khi việc “làm ăn” ở chiếu bạc và bảo kê ở quán xá gặp khó khăn, không có tiền đốt thuốc, Hội đã dẫn đàn em đi cướp giật để lấy tiền ăn chơi. “Đi đêm lắm có ngày gặp ma”, sau hàng loạt các vụ cướp giật trót lọt, cuối cùng Hội cũng bị cảnh sát bắt giữ. Ngày ra tòa, với vai trò là chủ mưu nhưng Hội khai báo thành khẩn nên chỉ bị tuyên phạt 5 năm tù giam về tội cướp tài sản.

Những ngày bị giam trong bốn bức tường lạnh lẽo, khi cơn đói thuốc đã bị khống chế, Hội mới chợt nhớ tới vợ và các con của mình. Một ngày kia, Hội nhận được lá thư của cô con gái cả với những lời lẽ thân tình, đẫm nước mắt. Hội đã khóc rất nhiều, anh ta cứ nghĩ chẳng bao giờ một người làm chồng, làm cha tồi tệ như mình lại được con gái dành cho nhiều niềm thương mến đến thế… Và rồi chính nỗi nhớ về vợ con cùng với tình cảm trong sáng thánh thiện của con gái đã giúp Hội tự xây dựng ước mơ trở về xã hội để làm lại cuộc đời. Từ đó, Hội tập trung tiếp thu những buổi học cải huấn và luôn cố gắng lao động thật tốt trong trại khiến ai cũng phải bất ngờ về sự thay đổi đột ngột của anh. Sau những nỗ lực của mình, Hội được hưởng lượng khoan hồng và ra tù trước thời hạn.

Nước mắt hoàn lương 

Cuối năm 2003, Hội được trả tự do. Bước ra khỏi cánh cửa trại giam, Hội muốn ngay lập tức “bay” về quê để được gặp vợ con. Nhưng trước khi thực hiện ước mơ này, Hội bình tĩnh vào TP.HCM tìm một phòng khám để khám tổng thể xem mình có bệnh tật gì không. Trong thâm tâm, anh muốn làm lại thật sự nhưng cũng không muốn mình gây thêm bất cứ gánh nặng, khổ đau nào cho vợ con nữa. Được các bác sĩ thông báo rằng mình hoàn toàn khỏe mạnh, Hội ra bến bắt xe thẳng về quê với vợ con. Về đến nhà, anh muốn ôm chầm lấy vợ cho thỏa nỗi nhớ nhưng nhưng sau đó đã kiềm chế được mình bởi anh biết, làm như thế có thể sẽ là sỗ sàng bởi 10 năm nay anh bỏ đi biền biệt như thế, hắt hủi vợ như thế... Thế là Hội chỉ dám cầm tay vợ và nói lời xin lỗi: “Em tha lỗi cho anh. Anh biết anh khốn nạn nhiều lắm! Hãy cho anh cơ hội, anh không để em và các con phải khổ nữa!”. Chị Trần Thị Hiệp giận anh nhiều lắm, muốn mắng anh thật nhiều và không muốn chấp nhận lời xin lỗi của anh, nhưng nghĩ lại 3 đứa con gái đã 9 năm sống trong cảnh thiếu thốn tình cảm của người cha, vì thế chị dằn lòng tha thứ.  

Trở về với hai bàn tay trắng, Hội rất nóng ruột vì không biết sẽ phải làm lại từ đâu, làm lại như thế nào. Giữa cơn khốn khó ấy thì may một người bạn thân bên Mỹ biết được hoàn cảnh đã cho anh vay 2.000 USD. Tin rằng con đã hồi tâm chuyển ý, bố của Hội sau đó cũng giao cho anh cho một mảnh rẫy rộng 1ha. Có vốn và có đất, Hội lên kế hoạch lập trang trại, trồng 100 trụ tiêu, nuôi 20 con lợn, trong đó có 2 con lợn nái, diện tích đất còn lại trồng hoa màu. Với kế hoạch lấy ngắn nuôi dài, tự sản xuất con giống nên chẳng mấy chốc Hội đã thu hồi được vốn. Sau một thời gian vất vả gây dựng, số tiêu đã được nâng lên 1.000 trụ, số lợn thịt lên 50 con. Nhìn chồng cần mẫn trên rẫy, miệt mài với những đám rau xanh tốt, những trụ tiêu xanh rờn, lúc này chị Hiệp mới tin rằng tình yêu thương của chị đã không trao gửi nhầm người.

Quyết tâm làm lại cuộc đời của Hội khiến cho nhiều người dân cũng cảm thấy ngỡ ngàng. Dù được gia đình đón nhận, vợ con tha thứ nhưng để hòa nhập được với cộng đồng thì đó là điều không dễ dàng chút nào đối với một kẻ vào tù ra tội như Hội. Nhận ra sự khinh bỉ trong con mắt của nhiều người, Hội càng chăm chỉ, cần mẫn làm lụng mong mọi người sẽ nhìn vào đó mà nhanh chóng thay đổi định kiến. Mấy năm sau, trang trại của Hội đã cho lãi từ 150-200 triệu đồng/năm. Dần dà, một số người dân địa phương bắt đầu tìm đến giao lưu với Hội để học hỏi kinh nghiệm. Anh không giấu giếm “bí kíp” nghề nghiệp mà còn chỉ dẫn nhiệt tình cho họ. Vì thế, chẳng bao lâu anh đã chiếm được cảm tình của bà con. Mọi sự cố gắng đều được đền đáp xứng đáng khi anh còn nhận được giải xuất sắc trong kỳ thi nông dân làm kinh tế giỏi của địa phương.

Nghe tin Hội trở về nhà đã làm ăn lương thiện, phát đạt nên một số đàn em trong giang hồ năm xưa đã tìm đến trang trại của anh nhờ giúp đỡ. Không ngần ngại, Hội đã giúp họ có công ăn việc làm hoặc bày cho họ cách làm trang trại hiệu quả. Có những lúc, trang trại của Hội tạo công ăn việc làm cho gần 20 công nhân. Hiện tại, con gái lớn của Hội đã tốt nghiệp một trường cao đẳng và đi làm, con gái thứ hai cũng học đại học trong TP.HCM. Sau đó vợ anh sinh thêm cho anh một bé trai kháu khỉnh và thông minh. Nguyễn Đình Hội cảm thấy hạnh phúc vì các con anh rất ngoan ngoãn và học giỏi. 

Vậy là, sau biết bao tháng ngày “lang bạt kỳ hồ” vùi dập đời mình bên chiếu bạc, khói thuốc ma túy, Hội đã tìm thấy cuộc sống hạnh phúc đích thực của một công dân lương thiện. Anh Nguyễn Đình Hội tâm sự: “Cả cuộc đời này, tôi nợ ân tình của vợ và con tôi. Tôi chỉ muốn nhắn nhủ với những người từng rơi vào hoàn cảnh như tôi rằng: Hãy trở về bên gia đình bạn, đó thực sự là nơi ấm áp và đầy tình người. Hãy làm lại cuộc đời vì điều đó không bao giờ là muộn cả!”.