Quảng Ngãi

"Nước mắm cũng xa xỉ, nói gì đến cá thịt"

ANTĐ -Khói bếp tỏa ra từ mớ củi chưa kịp khô khiến em nào cũng giàn giụa nước mắt: “Tụi em ở đây quen rồi, cứ học xong là mỗi đứa tự biết nhiệm vụ của mình. Đứa nấu cơm, đứa nhặt rau, đứa nấu canh... Ở đây nước mắm cũng xa xỉ, nói gì đến cá thịt”

Lều tạm giữa sân trường

Trong khuôn viên của trường THCS Trà Thọ (Tây Trà), 2 túp lều tạm đơn sơ được lợp bằng vải bạt là nơi ở của gần 40 học sinh. Mùa nắng, hơi nóng từ mái phả xuống khiến các em phải khổ sở chen chúc nhau trong căn lều tạm nóng bức. Nhưng khổ nhất là vào mùa mưa, lều tranh vách nứa không đủ sức che chắn nên các em lại phải rủ nhau gói ghém hết đồ đạc để chạy vào phòng học trú tạm.

Giữa cái nắng oi bức của  buổi trưa tháng 8, các em học sinh nơi đây sau giờ tan học lại tất bật lao vào nấu ăn. Chưa kịp cởi bỏ đồng phục học sinh, em Hồ Thị Diệu, học sinh lớp 8 của trường THCS Trà Thọ đã nhóm lửa để thổi cơm. Khói bếp tỏa ra từ mớ củi chưa kịp khô khiến em nào cũng giàn giụa nước mắt: “Tụi em ở đây quen rồi, cứ học xong là mỗi đứa tự biết nhiệm vụ của mình. Đứa nấu cơm, đứa nhặt rau, đứa nấu canh...”- Diệu chia sẻ.

Các em tự bảo ban nhau học tập

Bữa cơm của các em thiếu thốn đến thắt lòng, chỉ có cơm độn sắn và nồi canh rau rừng nghi ngút khói. Đối với các em, nước mắm cũng là một thứ xa xỉ chứ nói gì đến cá, thịt. Ngay cả chén dĩa cũng không đủ để dùng nên thành ra bữa cơm trưa cũng phải “chia ca”. Tốp này ăn xong lại đến tốp khác, lớp 6,7  thì được ăn trước, còn lớp 8, 9 thì ăn sau. Cuộc sống khó khăn lại phải sống xa nhà từ nhỏ đã rèn luyện cho các em học sinh nơi đây tính tự lập và nhường nhịn nhau.

Chiều thứ 7 hàng tuần, sau khi kết thúc một tuần học, các em học sinh sống trong lều tạm lại khăn gói băng rừng về nhà thăm gia đình và lấy thêm lương thực cho tuần học mới. Đường về thôn Nước Biếc, thôn Tre… đã xa xôi lại lắm đoạn đèo dốc gập ghềnh. Mùa mưa, đường núi trở nên nhão nhoét, trơn trợt còn nước suối thì dâng cao nhưng các em vẫn phải đều đặn về nhà “cõng” gạo lên lớp mỗi tuần. “Tụi em không có áo mưa để mặc đâu, nên phải dầm mưa đi bộ hơn 15 km mới về được tới nhà. Nhưng nếu không về thì tuần sau nhịn đói vì không có gạo ăn”, em Hồ Thị Bích thật thà bộc bạch.

Có nhà bán trú nhưng vẫn thiếu

Để tạo điều kiện cho học sinh đến trường, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, huyện Tây Trà đã tổ chức xây dựng các điểm trường lẻ tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa để học sinh được đi học gần nhà. Tuy nhiên, việc duy trì các điểm trường lẻ chỉ thực hiện đối với học sinh tiểu học. Khi học lên THCS, các em học sinh phải học ở các điểm trường chính. Vì khoảng cách từ nhà đến trường học khá xa nên tình trạng học sinh phải dựng lều tạm để tá túc không riêng gì ở trường THCS Trà Thọ mà còn tồn tại ở nhiều điểm trường khác của Tây Trà.

Ông Phạm Sơn, Phó trường Phòng giáo dục huyện Tây Trà cho biết: “Thời gian qua, huyện đã xây dựng và đưa vào sử dụng 4 nhà bán trú dân nuôi cho học sinh bậc THCS tại xã Trà Nham, Trà Xinh, Trà Thanh, Trà Khê. Còn ở các xã còn lại học sinh vẫn chưa có điều kiện được ở nhà bán trú.”

Học sinh sống trong lều tạm ở trường THCS Trà Thọ đang tự chuẩn bị cho bữa cơm trưa

Dù đã nỗ lực vượt khó để xây dựng nhà bán trú cho học sinh ở một số điểm trường, tuy nhiên do nguồn kinh phí còn hạn chế nên số lượng phòng ốc tại các nhà bán trú vẫn không đủ để phục vụ học sinh. “Nhà bán trú của trường chỉ có 4 phòng, mỗi phòng có diện tích chưa đầy 14m2 nên chỉ đủ chỗ ở cho tối đa 48 học sinh. Trong khi đó, số lượng học sinh có nhu cầu ở bán trú của nhà trường lại lên đến 110 học sinh. Vì vậy, nhà trường đang vận động phụ huynh học sinh dựng nhà tạm cho học sinh ở xa có thể ở lại” thầy  Phan Tấn Thanh, Hiệu trưởng trường THCS Trà Nham cho hay.

Bên những túp lều tạm, thầy và trò ở vùng cao Tây Trà vẫn đang mong ngóng từng ngày về những ngôi nhà bán trú tươm tất để học sinh có thể vơi đi bớt những nhọc nhằn trên con đường đến trường.