Nước giàu ‘chiếm’ hết vaccine, WHO kêu gọi sự công bằng trong phân phối toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hôm 14/5, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi chuyển vaccine phòng Covid-19 cho Chương trình Covax, để qua đó đạt được bình đẳng trong phân phối vaccine toàn cầu.

Phân hoá giàu- nghèo rất rõ trong tiêm phòng dịch

Hiện tại, khoảng 44% lượng vaccine đã được tiêm cho người dân các nước thu nhập cao, chiếm 16% dân số toàn cầu. Trong khi đó chỉ 0,3% vaccine được tiêm ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất, nơi sinh sống của 9% dân số thế giới.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các quốc gia chia sẻ vaccine cho chương trình vaccine toàn cầu Covax để đảm bảo sự bình đẳng
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các quốc gia chia sẻ vaccine cho chương trình vaccine toàn cầu Covax để đảm bảo sự bình đẳng

"Ngay lúc này, tôi kêu gọi các nước xem xét lại và chuyển vaccine cho chương trình Covax", ông Tedros cho biết.

Chương trình Covax được thành lập năm ngoái để đảm bảo các nước giàu và nghèo có thể tiếp cận với vaccine một cách công bằng. Đến nay, hơn 49 triệu liều vaccine đã được cung cấp qua chương trình Covax.

Covax được cùng điều động bởi WHO, Liên minh Vaccine Toàn cầu (Gavi) và Liên minh Đổi mới Sẵn sàng vì Dịch bệnh (Cepi), với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, Unicef, là đối tác triển khai chính.

"Ngay lúc này ở các nước thu nhập thấp và trung bình thấp, nguồn cung vaccine thậm chí không đủ để miễn dịch cho nhân viên y tế, những người ở tuyến đầu chống dịch", ông Tedros nói thêm, "Hồi tháng 1, tôi đã cảnh báo về nguy cơ thảm họa đạo đức xảy ra. Không may, chúng ta lúc này đang chứng kiến thảm kịch ấy. Những nước giàu đã mua phần lớn nguồn cung vaccine"

Thế giới hiện đã có 162.517.978 ca mắc Covid-19. Số ca tử vong vì đại dịch lên tới 3.370.738 ca.

Gót chân Achilles của virus corona đã lộ diện?

Tại Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi đã lên tiếng báo động về đại dịch hiện tại khi biến thể dễ lây lan B1617 dường như đang lây lan ra cả thế giới. Cuộc khủng hoảng y tế tiếp tục diễn ra khi số ca mắc tại đây tăng vọt. Các thiết bị y tế ở chợ đen tăng giá chóng mặt, tại New Delhi, những bình oxy y tế có thể lên tới giá 955 USD, gấp 20 lần so với giá thông thường. Tuy nhiên, Thủ tướng Ấn Độ khẳng định chính phủ vẫn đang nỗ lực trong cuộc chiến chống Covid-19 và tuyên bố Covid-19 sẽ bị đánh bại.

Tại Brazil, sau khi đạt đỉnh điểm với 4.249 ca tử vong một ngày vào 8/4, hiện vẫn có trung bình khoảng 2.000 ca tử vong mỗi ngày, chỉ thấp hơn Ấn Độ. Các chuyên gia cảnh báo nước này vẫn chưa rút được kinh nghiệm từ sai lầm của mình trong việc nới lỏng các hạn chế vào năm ngoái, dẫn đến mức tăng gây chết người vào năm nay. Covid-19 đã làm 430.000 người Brazil tử vong, chỉ đứng sau Mỹ.

Tại Malaysia, số ca mắc Covid-19 mỗi ngày có thể lên tới 8.000 nếu mọi người không tuân thủ các biện pháp an toàn. Bộ Y tế nước này cảnh báo, số ca Covid-19 sẽ tăng mạnh nếu mọi người bỏ qua các biện pháp chống dịch, có thể lên tới 5.000 ca mắc mỗi ngày vào tháng 6.

Malaysia đang trải qua đợt phong tỏa toàn quốc thứ 3 để chống lại làn sóng Covid-19. Hôm qua, nước này có 4.113 ca mắc mới, đưa tổng số ca mắc lên 462.190 ca. Số ca tử vong là 1.822 người, gồm 43 ca mới.

Tại Thụy Sĩ, các nhà nghiên cứu tại Viện công nghệ Liên bang ETH Zurich đã phát hiện ra một điểm yếu quan trọng của Covid-19: Nếu quá trình sản xuất protein quan trọng của nó bị gián đoạn, sự nhân lên của virus trong các tế bào bị nhiễm bệnh có thể giảm đáng kể. Khám phá này được họ mô tả là “gót chân Achilles của virus corona” và nó có thể dẫn đến việc phát triển các loại thuốc kháng virus có liên quan tới virus corona.