Núi đất thải hàng triệu mét khối đe dọa người dân

ANTD.VN - Nhiều năm nay, dự án khu đô thị Tây Nam Kim Giang (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) bỗng trở thành bãi tập kết các loại phế thải xây dựng cao tới hàng chục mét. Ngọn núi này vẫn được “tôn tạo” cao thêm bởi hàng trăm xe tải ngang nhiên vào đổ trộm mỗi ngày. Sau những trận mưa lớn do ảnh hưởng từ 2 cơn bão vừa qua, nguy cơ núi đất sạt lở vùi lấp khu dân cư liền kề đang ngày càng hiển hiện.

Ngọn núi cao hàng chục mét che khuất cả những cao ốc gần đó

Nơm nớp lo âu

Mặc dù, nằm trên đất của phường Đại Kim, nhưng núi đất thải nói trên lại chỉ cách trụ sở UBND xã Tân Triều, huyện Thanh Trì chưa tới 500m. Theo người dân của xã Tân Triều, từ chục năm nay, hàng ngày có đủ loại xe chở đất từ các công trình xây dựng gần đó đến đây đổ thải. Ban đầu mọi người tưởng rằng, việc đổ thải này là nhằm san lấp các khu vực trũng của dự án.

Thế nhưng ròng rã ngày qua ngày, các hố trũng đã đầy và núi đất cứ ngày một cao thêm mà việc đổ đất vẫn không dừng lại. “Bây giờ thì khủng khiếp lắm rồi. Núi đất còn cao hơn cả tòa nhà 5 tầng và trải rộng trên diện tích hàng nghìn m2 mà không biết đến bao giờ mới có thể dọn hết. Chúng tôi ước tính số đất thải tập kết ở đây phải tới hàng triệu m3 và nếu dọn được chắc cũng tốn vài chục tỷ đồng” - ông Đặng Ngọc Quyền, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều cho biết.

Suốt chừng ấy thời gian tồn tại, chỉ có người dân thôn Triều Khúc, xã Tân Triều là lĩnh đủ. Vốn nằm sát con mương tiêu nước của xã, cứ mỗi trận mưa là bùn đất từ quả núi thi nhau chảy xuống lấp kín dòng chảy. Nước bẩn từ con mương vì thế cũng dềnh lên ngập hết nhà dân.

Do bị bùn đất tràn xuống, con mương thoát nước vốn sâu 2m nay chỉ còn chưa tới 70cm

Chị Đỗ Tuyết Mai, ở số 15 xóm Lẻ tố khổ: “Xóm tôi cứ mưa xuống là bà con thi nhau bì bõm trong nước cống. Mùi hôi thối nồng nặc mà không biết phải làm thế nào bởi con mương tiêu nước thải duy nhất đã bị tắc. Cực nhất là khi cơn mưa diễn ra vào buổi đêm, nhiều gia đình ngủ say đến khi thấy lạnh lưng do nước ngập thành giường mới biết. Chúng tôi kêu liên tục hết từ tổ dân phố đến UBND xã. Nhưng kêu cũng chỉ là kêu thế thôi chứ lãnh đạo xã cũng bó tay”. 

Anh Triệu Thanh Minh, ở số 9 xóm Lẻ bức xúc: “Không riêng gì xóm Lẻ, thôn này còn 3 xóm khác là xóm Chùa, xóm Đình và xóm Án người dân cũng trong tình cảnh tương tự. Ai đời nằm giữa Thủ đô mà cứ mùa mưa  bà con lại phải hô hào nhau chạy lụt tới cả chục lần.

Nhà tôi bán tạp hóa mà đã mấy lần phải vứt bỏ hàng vì nước ngập đúng lúc đi vắng. Vừa rồi, nhiều gia đình ở đây bảo nhau tôn cao nền đến 70cm, nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế chứ ra đến ngoài đường thì ai cũng phải chấp nhận lội nước bẩn”.

Ai chịu trách nhiệm?

Để giúp người dân thoát cảnh ngập lụt, 2 năm trở lại đây UBND xã Tân Triều đã gửi công ăn yêu cầu Xí nghiệp thoát nước số 7 (thuộc Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội) cử công nhân thường xuyên túc trực nhằm khơi thông dòng chảy chống úng ngập.

Tuy nhiên, dù đã có một đội công nhân chuyên trách, nhưng xem ra việc chống úng ngập ở đây vẫn chẳng thấm vào đâu. Chị Nguyễn Thị Yến - Tổ trưởng tổ mương phẫn nộ: “Chúng tôi ròng rã nạo vét ở đây suốt 2 năm nay, đã xúc đi hàng trăm nghìn mét khối bùn, nhưng tất cả chỉ như “dã tràng xe cát”. Ngọn núi cao ngất như thế kia, lại nằm sát con mương nên mỗi khi mưa mọi chuyện lại đâu vào đó.

Thậm chí, chẳng cần mưa thì với lượng đất thải khổng lồ đè lên bề mặt con mương cũng khiến lòng mương tự đùn đất lên lấp kín dòng chảy. Không hiểu tại sao người ta cứ để tình trạng này tồn tại suốt chừng ấy năm mà không ai tính chuyện di dời núi đất thải này đi chỗ khác. Chỉ có như vậy thì tình trạng ô nhiễm vì nước cống của người dân nơi đây mới chấm dứt được”.

Ông Đặng Ngọc Quyền - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều cho biết: “Để vào đây đổ thải, các xe chở đất bắt buộc phải đi qua địa bàn xã. Vì thế, chúng tôi đã lập một barie để ngăn không cho họ vào. Nhưng họ cứ rình ban đêm mới lén lút đổ trộm hoặc tìm đường khác.

Có lần công an xã bắt quả tang các xe đổ thải, nhưng khổ nỗi núi đất này lại nằm trên địa bàn phường Đại Kim nên xã không cách gì phạt được. Chúng tôi cũng gửi văn bản lên cấp trên kiến nghị nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”.

Trong khi đó, bà Bùi Thị Kim Khuê - Phó Chủ tịch UBND phường Đại Kim lại cho rằng, núi đất thải nói trên nằm tại địa bàn giáp ranh và có một phần thuộc xã Tân Triều. Nhưng cơ bản là khu vực này thuộc dự án Tây Nam Kim Giang quản lý thì đơn vị này cũng phải có trách nhiệm.

Theo ghi nhận của phóng viên, ngọn núi đất thải đã cao tới mức nếu đứng trên đỉnh thì có thể bao quát cả thôn Triều Khúc và trụ sở UBND xã Tân Triều. Điều đáng lo ngại là, đỉnh núi đã xuất hiện những vết nứt xẻ chạy dọc theo con mương dài cả trăm mét và nguy cơ sạt lở đang ngày càng hiện rõ.

Có lẽ chỉ cần 1 - 2 trận mưa lớn nữa là hàng triệu mét khối đất thải sẽ tràn xuống vùi kín các hộ dân của xã Tân Triều. Nguy cơ đổ nhà, chết người sẽ xảy ra nếu UBND huyện Thanh Trì, UBND quận Hoàng Mai không có biện pháp phòng ngừa hoặc xử lý tình trạng này khẩn cấp.