Nữ y tá Mỹ “hành động pháp lý” sau khi bị giam cầm vì…Ebola

ANTĐ - Sau khi lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ cách đối xử với người làm công tác từ thiện trở về từ vùng dịch Ebola, nữ y tá Kaci Hickox tiếp tục tiến một bước xa hơn bằng việc “hành động pháp lý”.

Cô Hickox bị giữ cách ly ở New Jersey (Mỹ) sau khi trở về từ Tây Phi trong sứ mệnh điều trị cho các bệnh nhân Ebola. Cho rằng bị đối xử quá tệ bạc như “tội phạm nguy hiểm”, nữ y tá này đã quyết định sẽ đâm đơn kiện lên tòa án liên bang nhằm thay đổi chính sách hiện tại.

Quy định mới yêu cầu tất cả nhân viên chăm sóc sức khỏe từng làm việc với bệnh nhân Ebola ở Tây Phi phải bị cách ly bắt buộc trong 21 ngày và chỉ quay lại Mỹ.

                                                         

Nữ y tá Kaci Hickox

Luật sư Norman Siegel của cô Hickox khẳng định việc cách ly nữ y tá này làm ảnh hưởng tới tự do dân sự bởi cô Hickox không hề có triệu chứng nhiễm Ebola và kết quả xét nghiệm của cô là âm tính.

“Chúng tôi sẽ không tranh cãi rằng chính phủ có quyền ban hành lệnh cách ly trong những trường hợp nhất định hay không. Mà chính sách hiện nay là quá rộng khi áp dụng cho cô ấy”, luật sư Siegel cho hay.

Trong khi đó, Thống đốc bang New Jersey – Chris Christie – thì bảo vệ các biện pháp cách ly nghiêm ngặt mới, và cổ xúy rằng nó sẽ “trở thành một chính sách quốc gia càng sớm càng tốt”.

Nhưng Nhà Trắng và thị trưởng New York cũng tỏ ra lo ngại đối với các quy định cách ly và kiểm dịch ngặt nghèo mới ở một số bang của Mỹ.

Thị trưởng New York - Bill de Blasio – mô tả cô Hickox là “một anh hùng trở về” nhưng cô đã bị “đối xử thiếu tôn trọng” khi đặt trong chế độ cách ly.

Chính Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, cô Samantha Power, từng nói rằng tất cả nhân viên chăm sóc sức khỏe trở về Mỹ cần được “đối xử như những người hùng chinh phục khó khăn và không được kỳ thị đối với công việc to lớn mà họ đã làm”.

Hiện cô Power cũng đang có chuyến đi tới 3 nước Tây Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Ebola là Guinea, Liberia và Sierra Leone, nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế vào nỗ lực chống lại virus nguy hiểm.

Cho tới nay, Tổ chức Y tế Thế giới thống kê có hơn 10.000 người đã bị nhiễm Ebola, trong đó có 4.922 người tử vong.