Nữ y tá gốc Việt được bác sĩ từng chiến thắng Ebola truyền máu

ANTĐ - Nữ y tá người Mỹ gốc Việt, Nina Pham nhiễm virus Ebola khi chăm sóc bệnh nhân Thomas Eric Duncan, người tử vong vì virus này hôm 8-10, đã được bác sĩ từng  chiến thắng virus Ebola truyền máu. 
Nữ y tá gốc Việt được bác sĩ từng chiến thắng Ebola truyền máu ảnh 1
Bác sĩ Kent Brantly và nữ y tá người Mỹ gốc Việt Nina Pham

Hãng tin ABC News dẫn các nguồn tin cho hay, bác sĩ Kent Brantly đã bay tới thành phố Dallas ở tiểu bang Texas hôm 12-10, 1 ngày sau khi Nina Pham được xác định dương tính với virus Ebola, để truyền máu cho nữ y tá này. Ông Jeremy Blume, phát ngôn viên của tổ chức y tế Samaritan’s Purse, xác nhận, bác sĩ Brantly, người đã khỏi bệnh sau khi nhiễm Ebola tại Liberia cách đây 2 tháng, đã truyền máu cho 3 người trong đó có Nina Pham. Gia đình cũng như bạn bè của Nina rất vui trước thông tin trên và hy vọng cô sẽ sớm khỏi bệnh.   

Theo ông Tom Frieden, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Liên bang Mỹ (CDC), Nina Pham hiện đang được điều trị cách ly tại Bệnh viện Texas Health Presbyterian ở Dallas, nơi cô làm việc. Sức khỏe nữ y tá 26 tuổi này hiện ổn định và cô giữ liên lạc với gia đình, bạn bè qua tin nhắn và thư điện tử. Theo CDC, đây là trường hợp nhiễm Ebola đầu tiên trên đất Mỹ và vụ việc phát sinh có thể do bệnh viện có sai sót trong quy trình chữa trị người bệnh. Hiện nay vẫn chưa làm rõ được vì sao Nina Pham bị lây nhiễm virus Ebola mặc dù cô sử dụng đầy đủ đồ bảo hộ. 

Theo AP, Nina Pham nằm trong số hơn 70 nhân viên y tế Bệnh viện Texas Health             Presbyterian tham gia điều trị cho bệnh nhân Duncan. Hiện giới chức y tế Mỹ đang tăng cường giám sát tất cả các nhân viên y tế  trên, đồng thời tiếp tục theo dõi 48 người khác từng tiếp xúc với bệnh nhân Duncan trước khi ông này phải nhập viện và điều trị cách ly. 

Cũng liên quan đến dịch bệnh Ebola, Bệnh viện St Georg ở thành phố Leipzig, miền Nam nước Đức, thông báo, một nhân viên Liên hợp quốc ngày 14-10 bị nhiễm virus Ebola tại Tây Phi đã tử vong sau khi tới bệnh viện này  điều trị hồi tuần trước. Đến nay, đã có hơn 4.000 người trên thế giới, hầu hết là tại các nước Tây Phi gồm Liberia, Guinea and Sierra Leone, tử vong vì dịch bệnh này.