Nữ "xe ôm" 8 năm tận tụy với nghề để đủ tiền cưới vợ cho con trai

ANTĐ - Quê ở Nam Định, chị vượt quãng đường xa lên Hà Nội tìm cách kiếm sống, mưu sinh. Và như duyên nợ, chị gắn bó với nghề "xe ôm" cũng đã 8 năm, thân quen hầu hết cánh "xe ôm", các chủ xe khách, xe hàng. Họ đã quá quen với cái tên dễ mến, thường gọi: “Chị Ngát! Chị Ngát!”

Đã tối muộn nhưng chị vẫn chở hàng


Giống như những phụ nữ khác làm nghề "xe ôm", dáng người chị nhìn mập mạp và chắc khỏe (dù đã ở tuổi 52). Điều ấn tượng nhất với tôi là khuôn mặt chị tròn trặn, càng nhìn càng thấy phúc hậu, không giống như nhiều người trong nghề này – ở họ có sự từng trải, sắc sảo và hiếm ai có thể “bắt nạt” được.

Trước khi đến với nghề "xe ôm", chị cũng từng đi bán rong hoa quả trên các con phố của Hà Nội, rồi bán nước ở bến xe này (ngày ấy, một cốc nước chè chỉ có giá 500 đồng, bây giờ đã lên 2.000 -3.000 đồng), công việc đều đặn từ 1 rưỡi đêm đến 7, 8 giờ tối. Cánh lái xe đường dài và những người "xe ôm" thường vào quán nước của chị, uống chén chè nóng, hút điếu thuốc lào, thuốc lá, rồi kể cho nhau nghe những câu chuyện diễn ra trong ngày, xung quanh cái nghề "xe ôm" của mình. Chị thấy nghề "xe ôm" vất vả hơn nhiều so với việc bán nước, vốn chỉ ngồi một chỗ, không sợ nắng mưa, tai nạn... Nếu là thân đàn bà con gái - mọi người vẫn thường ví “liễu yếu đào tơ”… thì khó khăn muôn phần, nhưng nghề này dễ kiếm tiền hơn và điều đó sẽ giúp trang trải cho cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của chị và con cái.

Nghĩ là làm, chị quyết định chuyển sang nghề mới. Những khó khăn chồng chất của buổi đầu như việc không biết đường, đi được một quãng phải dừng lại nhờ người chỉ giúp; sự phân biệt của người đi vì chị là nữ giới; sự phản đối của anh/chị em trong gia đình khi họ biết chuyện… không làm chị bỏ nghề.

Đến khi thuộc đường và chạy xe quen hơn, những chủ xe trước đây vẫn thường vào quán nước của chị lại gọi chị đến nhờ chuyển phong bì, mua thuốc men hay đồ ăn uống và giao hàng hóa cho họ đi các ngả trong nội, ngoại thành Hà Nội. Vậy là chị có thêm các mối khác để chở hàng. Chị nói: “Nhiều nhà xe tốt, họ cho mình các mối để chở. Có khi thu đến cả trăm triệu đồng cho chủ ở dưới Nam Định và các nhà xe ở Ninh Bình, Thái Bình. Liên lạc chủ yếu qua điện thoại và với nhà xe. Mấy năm cũng chưa biết mặt chủ. Họ thấy mình làm ăn uy tín, hiền lành, tử tế nên gọi đến bảo chở hàng, thu tiền và giao lại cho họ”.

Trong ngày, có hôm chị chạy xe từ 9h sáng đến 7h tối, còn thông thường là đến 5h giờ chiều về nấu cơm cho anh con trai lớn ăn, đi lái xe taxi ca đêm. Sau đó đi bộ thể dục khoảng tiếng rưỡi rồi về tắm giặt, nghỉ ngơi, mai lại bắt tay vào công việc của ngày mới. Chị cười giòn khi nhắc đến các con mình: “Anh con trai cả, sinh năm 1987 đã học xong và ra làm nghề lái taxi. Còn cậu thứ 2, sinh năm 1989 cũng đã là thợ hàn xì. Ba mẹ con cùng trọ ở trên này. May là hai con đều ngoan ngoãn, biết vâng lời mẹ, không chơi bời gì cả, nên dù cuộc sống có khó khăn đến mấy, mấy mẹ con cũng gắng vượt qua!”

Kể đến đây chị bỗng thoáng ngập ngừng, đôi mắt mơ hồ như đang hoài niệm về những gì đã qua trong cuộc đời mình. Chồng của chị cũng từng là bộ đội 9 năm rồi không may bị ung thư và qua đời cách đây mười mấy năm, để lại chị và 2 con nhỏ, lúc ấy mới chỉ học đến lớp 4, lớp 5. Quyết định ở vậy và nuôi con lên người, chị ra Hà Nội tìm kế sinh nhai. Lạ lẫm nơi xứ người, chị làm hết việc này đến việc kia, ai thuê gì làm ấy, miễn sao kiếm được tiền để nuôi con ăn học lên người. Từng làm nhiều việc khác nhau nhưng nghề "xe ôm" này là gắn bó với chị lâu nhất.

Chị bảo: “Mình nghĩ chạy "xe ôm" cần có uy tín, có tâm đức, lấy vừa phải thôi, không xiên xẹo tiền của chủ thì mới theo nghề được, mới làm được lâu dài”. 8 năm trong nghề nhưng chưa có ai tranh giành hay xảy ra chuyện cướp khách bởi chị tâm niệm mình phải sống vô tư, “dĩ hòa vi quý” với mọi người. “Bây giờ thì ngõ ngách nào trong thành phố Hà Nội mình cũng biết cả, giao hàng đến tận nơi cho các siêu thị. Chị sẽ làm nghề ít nhất là 5 năm nữa, đến khi nào mà tay không thể cầm lái được mới thôi bởi mình đang có sẵn mối để chở hàng, đa phần là các chủ xe họ gọi điện đến nói mình chở giúp. Làm ở đây thì không dám ăn tiêu bởi chi phí sinh hoạt tốn kém, đợi 2 anh con trai ổn định, có gia đình rồi mới cho phép mình... "nghỉ hưu"!".