Nữ văn sĩ người Mỹ khuấy lên "cơn bão" chính trị ở Pakistan

ANTD.VN - Trên các tài khoản truyền thông xã hội, Cynthia Ritchie tự nhận mình là một “giám đốc, nhà sản xuất, nhà văn tự do người Mỹ”. Người phụ nữ 44 tuổi này mới đây đã khuấy lên “cơn bão” chính trị Pakistan khi cáo buộc một cựu bộ trưởng nội vụ cưỡng bức bà.

Đầu tháng 6-2020 này, trên tài khoản mạng xã hội Facebook, Ritchie đã cáo buộc bị cựu Thủ tướng Pakistan Yousaf Raza Gilani quấy rối tình dục. Trong một vụ việc khác, bà bị cựu Bộ trưởng Nội vụ Rehman Malik chuốc rượu và cưỡng hiếp tại nhà riêng của ông này năm 2011. Các cáo buộc của Cynthia Ritchie đã tạo nên dư luận trái chiều ở Pakistan, còn “nóng” hơn cả đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành trên khắp đất nước này.

Cả 2 chính trị gia thuộc Đảng Nhân dân Pakistan (PPP), đảng của cựu Thủ tướng Benazir Bhutto, nhà lãnh đạo nữ đã bị sát hại trong một cuộc tấn công khủng bố năm 2007 tại thành phố Rawalpindi. Các quan chức này đã bác bỏ cáo buộc của Ritchie, nhưng nhà văn Mỹ nói rằng cô sẵn sàng bảo vệ các tuyên bố của mình trước tòa án. Quấy rối tình dục là một chủ đề cấm kỵ ở Pakistan. Vì thế, khi các cáo buộc của Ritchie liên quan đến các nhà lãnh đạo của một đảng chính trị nổi tiếng, nhiều người Pakistan đã buộc tội bà có “động cơ bí mật”. Nhưng trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Deutsche Welle của Đức, Ritchie giải thích lý do tại sao cần phải lên tiếng về việc này.

Sống ở Islamabad, Thủ đô Pakistan từ năm 2010, nữ tác giả Ritchie chia sẻ rằng, bà hiểu tại sao một số phụ nữ chọn mặc áo choàng kín như một cách để tự bảo vệ mình trước sự “săm soi” của người khác, đặc biệt là đàn ông. Trong đạo Hồi, người đàn ông được khuyên dạy hạ thấp ánh nhìn trước một phụ nữ, nhưng điều đó không xảy ra thường xuyên. Và theo người phụ nữ Mỹ này, vấn đề quấy rối cả trực tuyến lẫn gián tiếp hầu hết đến từ giới thượng lưu có học thức. “Tôi đã gặp nhiều người tốt được coi là tầng lớp tinh hoa. Tôi cũng chứng kiến trong tầng lớp ấy, cả phụ nữ và đàn ông ngược đãi người hầu, con của người hầu và la hét nạt nộ những người nghèo ở chợ. Ở Pakistan, việc lạm dụng không được thảo luận công khai như ở phương Tây. Lạm dụng dường như được chấp nhận nhiều hơn, miễn là người ta duy trì một lối sống xa xỉ”. Với Cynthia Ritchie, chưa bao giờ truyền thông xã hội lại phổ biến như bây giờ nên bà cảm thấy đây là cách tốt nhất để kể những câu chuyện có thực của mình lên mạng xã hội và bàn về nó. “Tôi sẵn sàng kể câu chuyện của mình và nếu không có gì khác xảy ra, tôi hy vọng những trải nghiệm của mình sẽ giúp những nạn nhân bị lạm dụng khác biết rằng họ không đơn độc”.

Tuy nhiên, những người ủng hộ đảng PPP cáo buộc, vì Cynthia Ritchie thân với quân đội Pakistan và đảng cầm quyền của Thủ tướng Imran Khan nên bà đang sử dụng các cáo buộc hãm hiếp để “dìm” phe đối lập. Người phụ nữ Mỹ này hiểu rằng, đó là phản ứng hiển nhiên của PPP. Đảng PPP đang vật lộn với những sai lầm do chính họ gây ra. Hình ảnh trước đây của họ là “ủng hộ dân chủ và nữ quyền” đã được phơi bày và chứng minh rằng chỉ là sự giả tạo. Vì thế, họ cần những nhà tư tưởng mới thực sự quan tâm đến sự phát triển của Pakistan.

Về khả năng minh chứng ở trước tòa, Cynthia Ritchie khẳng định: “Tôi có niềm tin. Nếu tôi không nhận được sự phán xử công bằng, tôi sẽ đưa vấn đề này ra ở nước Anh hay Mỹ, bởi các thành viên đảng PPP tiếp tục quấy rối tôi bằng hình thức trực tuyến và thông qua các phương pháp khác. Và tôi sẽ tiếp tục các chiến dịch trực tuyến của mình khi cần thiết”. 

Nếu tuyên bố của nhà văn nữ Cynthia Ritchie Ritchie là đúng, nó sẽ phơi bày mặt tối trong giới tinh hoa chính trị ở Pakistan. Có người cho rằng, chính quyền đương nhiệm sử dụng bê bối này để chuyển sự chú ý của mọi người khỏi vấn đề khủng hoảng kinh tế và sức khỏe hiện nay. Nhưng rõ ràng, vụ bê bối đã cho Thủ tướng Pakistan một cơ hội chống lại các đối thủ của mình.