Nữ trọng tài – Đam mê không dành cho tất cả

(ANTĐ) - Khi nhắc đến nghề trọng tài bóng đá, người ta thường nghĩ đó là công việc chỉ dành cho nam giới. Tuy nhiên có không ít các cô gái cũng đam mê hình ảnh vị "vua sân cỏ". Với họ, nghề trọng tài vừa là một công việc, vừa là một cuộc chơi.

Kỳ 1: “Trọng tài cần nhạy cảm và nhanh trí”

Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, nhưng đối với Kiều Thị Thúy, bóng đá luôn có sức hấp dẫn kỳ lạ. Dù không thể theo nghiệp cầu thủ, nhưng để nuôi dưỡng niềm đam mê của mình, chị đã chọn con đường trở thành một trọng tài bóng đá. Cũng như những nữ đồng nghiệp khác, các chị đều coi nghề trọng tài là một cuộc chơi, nhưng muốn chơi tốt ở đó thì cần đòi hỏi một tinh thần trách nhiệm rất cao.   

Đa số các cô gái tham gia công tác trọng tài đều làm song song một công việc khác, chủ yếu là giáo viên phụ trách giáo dục thể chất ở các trường tiểu học, trung học cơ sở. Vì vậy thời gian của các chị luôn bị lấp đầy bởi công việc. Chị Thúy chia sẻ: “Bất lợi của nữ giới khi làm trọng tài bóng đá là phải sắp xếp được thời gian để cuộc chơi này được hoàn thiện hơn, phải bố trí thời gian luyện tập, thời gian làm những trận đấu về phong trào hoặc những trận đá giao hữu, và cả thời gian trau dồi kiến thức, ví dụ như học ngoại ngữ”.

 

Để làm công tác trọng tài cần phải có sức khỏe tốt, chính vì thế các chị phải luyện tập thường xuyên. Nếu các trọng tài nam phải tập luyện vất vả để hoàn thành tốt nhiệm vụ thì sự vất vả đối với các chị phải nâng lên gấp bội lần. Phải chuẩn bị thật kỹ về thể lực thì một cô gái mới có thể chạy suốt trong 90 phút, tỉnh táo theo dõi từng đường bóng của các cầu thủ hai đội để đưa ra các quyết định chính xác.  

Bên cạnh đó, các chị cũng phải dành thời gian học thêm ngoại ngữ để phục vụ cho việc điều khiển những trận cầu quốc tế. Trong một lần chia sẻ với báo giới, chị Thúy đã nói rằng chị không muốn hình ảnh các trọng tài nữ Việt Nam không đẹp trong mắt bạn bè thế giới chỉ vì yếu trong giao tiếp đơn thuần. 

Không chỉ tham gia điều khiển các trận đấu ở giải quốc gia, các chị còn bắt những trận giao hữu hay giải phong trào. Bận rộn là vậy nên thời gian dành cho gia đình hay bạn bè đều trở nên hiếm hoi. Trong số 24 nữ trọng tài quốc gia, gồm có 08 trọng tài chính và 16 trợ lý trọng tài, thì đa số các chị hiện nay chưa có chồng. Mặc dù mạnh mẽ và quyết đoán trên sân cỏ, nhưng ngoài giờ thi đấu, các chị vẫn là những cô gái trẻ trung, sôi nổi và đầy nữ tính.

 

“Là trọng tài, luôn cần sự nhạy cảm và nhanh trí”, đó là miêu tả của các chị khi được hỏi về nghề. Chỉ một giây không tập trung có thể dẫn đến quyết định sai lầm, ảnh hưởng đến tinh thần thi đấu của các cầu thủ. Hiểu rõ trách nhiệm của mình, chị Thúy nhấn mạnh: “Tất cả các trận đấu đều đòi hỏi trọng tài phải hết sức tập trung và đúng luật, có cái sự nhạy cảm và nhanh trí của một người trọng tài. Trong tích tắc thôi là mình phải quán xuyến được”.

Sau mỗi trận đấu, các chị luôn ghi chép lại những ưu khuyết điểm trong công việc mình vừa hoàn thành. Có những trận đấu các chị làm tốt, nhưng cũng có những lần chưa tròn nhiệm vụ, các chị đều lấy đó để rút ra kinh nghiệm từ bản thân rồi chia sẻ cùng đồng nghiệp. Giọng nói và ánh mắt của các chị luôn lấp lánh niềm tự hào mỗi khi kể về những lần đi làm giải trong nước và quốc tế. Đối với các chị, mỗi trận đấu lại là một kỷ niệm đáng nhớ.