Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel chọn cách đối mặt với vấn đề sức khỏe riêng tư

ANTD.VN - Cuối tuần qua, Thủ tướng Đức  Angela Merkel đã đập tan các lo ngại về sức khỏe khi hoạt động liên tục tại lễ kỷ niệm Quốc khánh Pháp (14-7). Tuần này, bà sẽ bước sang tuổi 65 với gần 14 năm cầm quyền. Tuy nhiên, khi các lời đồn về sức khỏe của bà rộ lên thì cách nữ Thủ tướng đối mặt với dư luận cho thấy sự cởi mở của các chính trị gia Đức.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Lễ kỷ niệm Quốc khánh Pháp tại Paris hôm 14-7-2019

Theo Reuters, Thủ tướng Đức Merkel đã 3 lần run rẩy ngay tại các sự kiện chính thức trong vòng 1 tháng khiến dư luận Đức hết sức lo ngại. Kết quả thăm dò ý kiến độc giả của tờ Augsburger Allgemeine gần đây (với gần 5.000 người Đức tham gia) cho thấy, 59% cho rằng sức khỏe là vấn đề cá nhân của nữ Thủ tướng, trong khi 34% cho rằng bà cần phải công khai thông tin. 

Biểu hiện bất thường 

Sức khỏe của bà Merkel bắt đầu trở thành chủ đề được chú ý khi bà gặp phải hiện tượng người run bần bật trong buổi tiếp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 18-6. Nữ Thủ tướng Đức sau đó giải thích rằng bà bị mất nước và cảm thấy khỏe hơn khi uống 3 cốc nước sau đó. Ngày 27-6, bà lại run không thể kiểm soát khi đứng nghe Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier phát biểu.

Phát ngôn viên sau đó nói rằng, sức khỏe của Thủ tướng vẫn ổn và bà Merkel sẽ thực hiện chuyến công du đến Nhật Bản để dự Hội nghị thượng đỉnh G20. Tình trạng này lặp lại khi bà chủ trì lễ đón Thủ tướng Phần Lan Antti Rinne hôm 10-7. Có phải Thủ tướng không khỏe? Có phải bà ấy đang kiệt sức? Trang nhất của  báo Bild của Đức đã viết: “Điều đó không dừng lại”. 

Tuy nhiên, trạng thái run đó chỉ thoáng chốc và bà đã trở lại vẻ bình thường, đúng với hình ảnh mà nhiều người đã biết từ lâu: bình tĩnh, thực tế, kiềm chế cảm xúc với một nụ cười nhẹ. “Tôi đang làm tốt mọi việc. Như tôi đã nói gần đây, kể từ sau lễ duyệt đội danh dự cùng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, tôi đã bắt đầu quá trình trị liệu. Việc đó chưa xong, nhưng tình hình đã tiến triển. Thỉnh thoảng, tôi sẽ phải chung sống với nó. Tôi ổn” - bà Merkel khẳng định.

Chỉ sau đó 1 ngày, hôm 11-7, bà Merkel và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã cùng nhau cử hành nghi thức lễ đón ngoại giao. Tại buổi lễ, bà bình tĩnh dự lễ duyệt đội danh dự và nghe quốc ca của cả 2 nước. Gần đây nhất, nữ Thủ tướng Đức đã chứng tỏ sức khỏe hết sức bình thường khi cùng với một số nhà lãnh đạo châu Âu có mặt tại Paris dự Quốc khánh Pháp. Dưới nhiệt độ vào khoảng 20 độ C, bà đi bộ 10 phút tới Đại sứ quán Đức sau khi tham dự một cuộc diễu hành quân sự kéo dài 2 giờ đồng hồ. Trước đó, nữ chính trị gia Đức có cuộc dạo bộ ngắn cùng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để chào đón một số cựu chiến binh. 

Bà Angela Merkel đi ngược với nghi thức ngoại giao khi ngồi để cử hành lễ đón người đồng cấp Đan Mạch Mette Frederiksen

Nguyên nhân do tâm lý?

Bà Merkel từng run rẩy khi đứng dưới thời tiết nắng nóng trong chuyến thăm Mexico năm 2017 khi đang chứng kiến nghi lễ của đội danh dự. Các bác sĩ không phát hiện điều gì bất thường khi kiểm tra sức khỏe kỹ lưỡng cho bà, cũng không nhận thấy dấu hiệu  của bệnh Parkinson - căn bệnh vốn có triệu chứng các cơn run rẩy không thể kiểm soát. Khi bà Angela Merkel có những cơn run rẩy bất thường gần đây, cả nước Đức đã lo lắng. Trong buổi tiếp Tổng thống Ukraine, tuyên bố chính thức cho biết, bà Merkel bị mất nước. Tờ DW phân tích, nhiệt độ ở Berlin hôm đó nắng nóng cả ngày. Tuy nhiên, khi hiện tượng này xảy ra lần thứ hai, một số chuyên gia cho rằng nguyên nhân có thể có thể do tâm lý.

Trong khi nữ Thủ tướng Đức công khai thừa nhận phải sống chung với những cơn run thường xuyên thì Người phát ngôn của bà đã lên tiếng trấn an rằng, sức khỏe của Thủ tướng rất bình thường: “Trong 3 tuần qua, bà không chỉ tham dự tất cả các cuộc gặp gỡ mà còn đạt được những kết quả làm việc tốt”. Và sự thật là Thủ tướng Merkel đã không hủy một cuộc họp nào, bà đã đàm phán tốt cho đến đêm tại Hội nghị thượng đỉnh G20.

Bà Merkel lên nắm quyền từ năm 2005, trở thành nhà lãnh đạo phục vụ lâu nhất ở châu Âu. Dự kiến rời chính trường khi hết nhiệm kỳ vào năm 2021, đến giờ bà vẫn là người có sức làm việc đáng nể phục. Bà thường trụ lại lâu hơn tại các Hội nghị thượng đỉnh EU so với các lãnh đạo khác và có khả năng tập trung vào các chi tiết thảo luận phức tạp trong các cuộc họp về đêm. 

Vấn đề sức khỏe của chính trị gia

Trong quá khứ, báo cáo về sức khỏe của các Thủ tướng là “vùng cấm”. Vào những năm 1970, Thủ tướng của đảng Dân chủ Xã hội trung tả, Willy Brandt, đã trải qua thời gian dài bị trầm cảm mà công chúng không hề biết đến. Tương tự, vào năm 1989, ngay trước khi bức tường Berlin sụp đổ, cựu Thủ tướng Helmut Kohl đã chống chọi được âm mưu bị hạ bệ tại một hội nghị của đảng trong khi ông đang đau đớn vì bệnh tuyến tiền liệt. Không ai biết rằng ông Kohl đang trị bệnh vào thời điểm đó. 

Đề tài về sức khỏe của các chính trị gia vốn được coi là điều cấm kỵ ở Đức. Nhưng gần đây, các cuộc thảo luận thẳng thắn cũng như việc các nhà lãnh đạo nước Đức công khai nói về vấn đề sức khỏe là một dấu hiệu cho thấy sự cởi mở hơn. Đơn cử, Thủ hiến bang Rhineland-Palatinate của đảng Dân chủ xã hội - bà Malu Dreyer đã không hề giấu giếm về cuộc chiến đấu với bệnh đa xơ cứng. 

Ở Pháp, việc thảo luận về sức khỏe của Tổng thống không phải cấm kỵ. Tương tự như vậy, ở Mỹ báo chí thậm chí còn đưa tin về kết quả xét nghiệm máu của Tổng thống. Liên quan đến chuyện này, có thể kể đến sự kiện đáng chú ý hôm 16-1-2018, bác sĩ Nhà Trắng Ronny Jackson đã tổ chức cuộc họp báo kéo dài gần 1 giờ đồng hồ để công khai kết quả đợt khám sức khỏe đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Theo đó, kết quả cho thấy, sức khỏe của ông tốt và hoàn toàn có khả năng đảm nhiệm vai trò của người đứng đầu Chính phủ.

Tờ Politico cho hay, sự kiện diễn ra giữa lúc có nhiều đồn đoán lo ngại về sức khỏe của ông Trump. Thậm chí nhiều người lo ngại về vấn đề sức khỏe thần kinh của ông chủ Nhà Trắng khi ông nói năng không mạch lạc, phát ngôn mập mờ, tính khí thất thường. Điều này một phần giúp cho công chúng biết rõ, phần nào còn giải tỏa tâm lý cho Tổng thống Donald Trump, người vốn chịu rất nhiều áp lực khi mới lên cầm quyền.

Tuy nhiên, ở Mỹ, mức độ minh bạch đó không phải lúc nào cũng là chuẩn mực. Các cựu Tổng thống như Woodrow Wilson, Franklin D. Roosevelt và John F. Kennedy bị ốm nặng khi còn đương chức, nhưng công chúng được cung cấp rất ít thông tin.

“Một người phụ nữ ở độ tuổi 60 gánh vác trọng trách đứng đầu đất nước xuất hiện chứng run rẩy khi đang đứng dưới trời nóng. Có chuyện gì xảy ra với bà ấy vậy? Mất nước hay bệnh Parkinson? Nhiễm trùng hay đa xơ cứng, mất trí nhớ? Hàng loạt câu hỏi lố bịch này sẽ bị giới chuyên gia gạt đi vì bất kỳ bác sỹ nào cũng đòi hỏi phải có hồ sơ bệnh án, kết quả xét nghiệm và theo dõi thêm trước khi đưa ra chẩn đoán. Vậy tại sao lại vội vàng chẩn đoán bệnh của bà Merkel từ các cảnh quay trên truyền hình?

Bà Angela Merkel là một nhân vật nổi tiếng thế giới, nhưng bà cũng là con người đáng được tôn trọng và thông cảm. Nhất là những người chưa rõ bệnh gì, họ càng cần không gian để có thể đón nhận mọi thứ. Tốt nhất hãy chờ đợi những kết luận y khoa và đừng chia sẻ những tin đồn có thể ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư của bà”.

    Ranjana Srivastava (bác sỹ người Australia)