Nữ sinh quyết dấn thân vào nghề báo nhiều cám dỗ

ANTĐ - Để trở thành một nhà báo giỏi trong tương lai là cả một quá trình học tập và rèn luyện đầy khó khăn và vất vả ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Với những bạn trẻ có niềm đam mê với nghề báo, những sinh viên báo chí họ nghĩ gì về nghề báo? Về những khó khăn và thử thách mà họ phải đương đầu trong tương lai.

Nếu được chọn lại em vẫn sẽ chọn… nghề báo

Với em nghề báo là mơ ước từ ngày còn nhỏ, đó là lời tâm sự của bạn Hồ Thủy Tiên – sinh viên lớp Báo in K32A1 – Học viện BC&TT. Ngay từ khi còn bé, nếu người khác hỏi sau này lớn lên làm gì thì câu trả lời của em là chưa bao giờ khác là muốn “trở thành nhà báo”. Tại sao vậy? Lý do đầu tiên là vì truyền thống của gia đình. Lúc nhỏ khi nhìn thấy ba và anh trai làm báo thì niềm đam mê báo chí cũng dần lớn lên trong em. Hơn nưa khi học phổ thông em học các môn xã hội cũng khá hơn các môn tự nhiên. Một lý do đặc biệt quan trọng nữa chính là từ khi trở thành sinh viên năm thứ nhất của HVBC&TT, em nhận thấy rằng: nghề báo là một nghề rất cao quý và thiêng liêng. Nghề báo không chỉ phản ánh đời sống xã hội và định hướng dư luận xã hội mà nó còn luôn hướng con người đến những giá trị đích thực, cao đẹp của cuộc sống.

Khi được hỏi: “Nghề báo là một nghề khá đặc biệt, là con gái có bao giờ em cảm thấy chùn bước trước những khó khăn và thử thách, và nếu trở thành một nữ nhà báo trong tương lai em có mơ ước gì ?” Thủy Tiên chia sẻ: “Em thừa nhận nghề báo là một nghề vất vả, nhất là đối với con gái, bởi nghề báo đòi hỏi một cường độ làm việc rất lớn. Người làm báo phải đi nhiều, phải tiếp xúc với nhiều người, với nhiều tình huống nguy hiểm… Vì thế con gái muốn làm báo phải biết tự chăm sóc sức khỏe của mình và phân bố thời gian một cách hợp lý giữa gia đình và công việc. Nếu trở thành một nữ nhà báo em chỉ mong rằng mình sẽ hoàn thành tốt mọi công việc được giao, giữ vững đạo đức nghề nghiệp, đồng thời phân bố thời gian làm việc của mình với thời gian dành cho gia đình. Vì dù sao đối với em gia đình cũng là điều quan trọng nhất”.

Hồ Thủy Tiên - sinh viên lớp K32A1 - Khoa Báo chí - Học viện BC&TT

"Nếu được chọn lại em vẫn sẽ chọn nghề báo, bởi đối với em nghề báo thực sự là một đam mê. Nghề nào cũng vậy, muốn làm tốt công việc thì yếu tố say mê, tâm huyết với nghề là một điều rất quan trọng, đối với nghề báo thì đặc biệt quan trọng. Lòng yêu nghề chính là chất xúc tác đặc biệt giúp nhà báo có động lực trong quá trình” - Thuỷ Tiên cho biết.

Nghề báo không chỉ dành cho đàn ông

Bạn Phạm Bạch Tuyết – K55 Báo chí và Truyền thông – Đại học KHXH&NV chia sẻ: “Sẽ có nhiều người nghĩ rằng, nghề báo hợp với những người đàn ông hơn phụ nữ, bởi vì đàn ông có sức khỏe lại không vướng bận nhiều chuyện như người phụ nữ. Riêng mình nghĩ rằng, dù phụ nữ hay đàn ông khi đã có tình yêu với nghề báo thì họ sẽ đều làm tốt cả. Thực tế cũng cho thấy ở các cơ sở đào tạo báo chí số lượng nữ theo học nhiều hơn nam rất nhiều. Là một người con gái, cũng sẽ trở thành một nữ nhà báo trong tương lai, mình mong ước sẽ luôn giữ được tình yêu và niềm đam mê với nghề báo. Điều tất nhiên ai cũng mong mình sẽ trở thành một nhà báo giỏi, nhưng đó là cả một quá trình mà mỗi người phải tự phấn đấu nhưng việc đầu tiên là phải giữ được bầu nhiệt huyết và một cái tâm với nghề thật trong sạch, cũng giống như nhà báo Hữu Thọ từng nói: “Làm nghề này phải bút sắc, lòng trong thì mới nên nghề”".

Phạm Bạch Tuyết - K55 Khoa Báo chí Truyền thông - Đại học KHXH&NV


"Theo mình ghề nào cũng có những khó khăn, thử thách tuy nhiên với nghề báo việc đối diện với khó khăn và thử thách là điều không tránh khỏi, chuyện nhà báo bị thương, thậm chí nguy hiểm đến cả tính mạng đã từng xảy ra. Bởi dù thời bình hay thời chiến, các nhà báo vẫn rong ruổi trên khắp các nẻo đường, dùng ngòi bút của mình để ca ngợi những gương tốt việc tốt, vạch trần phơi bày những điều xấu xa. Với bản thân mình, một sinh viên năm ba đang theo học ngành báo chí, mình cũng cảm nhận được sự khắc nghiệt của nghề. Những chuyến đi công tác dài ngày, chuyện đi sớm về khuya… những nguy hiểm của nghề là điều không tránh khỏi khi mình bước chân khỏi ghế nhà trường và dấn thân vào nghề. Nhưng mình tin rằng, chỉ cần mỗi người luôn giữ trong mình niềm yêu nghề và tâm huyết với nghề, thì dù khó khăn đến đâu cũng không khiến bạn bỏ cuộc”.

Học đi đôi với hành

Khi được hỏi về cảm nghĩ của sinh viên vừa ra trường, về nghề báo, về những khó khăn thử thách đang chờ mình ở phía trước như thế nào?” Nguyễn Thị Thúy – Lớp Báo in K29A1 – Học viện BC&TT chia sẻ: “Theo mình, nghề báo không hề đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ, nhiều bạn trẻ hiện nay quá ảo tưởng về nghề, nghĩ rằng được ăn mặc đẹp và có rất nhiều tiền. Nhưng thật ra nghề báo gian nan lắm, thử thách ở phía trước rất nhiều lắm. Đối với một sinh viên mới ra trường, mới dấn thân vào nghề báo, việc bắt đầu viết và trải nghiệm với nghề, chỉ vài tác phẩm đăng báo là quá ít nhưng lại “tự nhận mình là nhà báo”. Trong khi các anh chị phóng viên, nhà báo để có được tác phẩm hay và ý nghĩa, phản ánh được mọi mặt của đời sống xã hội đã phải cố gắng rất nhiều và thậm chí phải đánh đổi bằng cả tính mạng của mình".

Nguyễn Thị Thúy chia sẻ: “Nghề báo là một nghề có nhiều cám dỗ, người làm báo phải luôn biết giữ mình, nhất là đối với phụ nữ, phải chiến thắng được chính bản thân mình, không để bị mua chuộc bởi tiền bạc, ái tình... Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường các bạn sinh viên nên chủ động tham gia cộng tác với các báo, đó không chỉ là sân chơi mà còn là nơi để các bạn rèn nghề, học hỏi những kinh nghiệm của các thế hệ đàn anh, đàn chị đi trước. Cố gắng học đi đôi với hành tạo ra nhiều tác phẩm xuất sắc như vậy đến khi ra trường mình sẽ không còn “bỡ ngỡ” nữa”.


Nguyễn Thị Thúy là một trong hai sinh viên có điểm khóa luận ra trường đạt điểm tối đa của khoa Báo chí, ngay từ những năm nhất bạn đã tham gia cộng tác với rất nhiều  báo, đặc biệt là Thanh niên. Khi được hỏi về mơ ước của mình bạn chia sẻ: "Giờ mình chỉ mong được trở thành phóng viên chính thức của Thanh niên, đó là điều hạnh phúc nhất với mình lúc này". 

Với các bạn sinh viên báo chí còn đang ngồi trên ghế nhà trường việc phấn đấu để trở thành những phóng viên, nhà báo trong tương lai là điều rất quan trọng. Để làm được điều đó cần trau dồi tri thức, học tập và học hỏi kinh nghiệm của các thế hệ đi trước, để tình yêu nghề luôn cháy bỏng. Nghề báo luôn đòi hỏi sự sáng tạo và ham học hỏi chính vì vậy ngay từ khi còn là sinh viên các bạn nên kết hợp phương pháp học đi đôi với hành để thử sức với nghề, để có thêm động lực và tình yêu phấn đấu cho nghề báo sau này.