Nữ nhân viên ngân hàng tạo lập hồ sơ khống giúp sức cho kẻ lừa đảo

ANTD.VN - Là nhân viên tổ chức tín dụng nhưng Lý lại chủ động tạo lập hồ sơ khống, giúp sức cho đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền của chính cơ quan mình.

Khép lại phiên tòa sơ thẩm chiều 16-6, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Nguyễn Thị Trà Lý (SN 1965, cựu cán bộ ngân hàng) 11 năm tù và Lê Văn Mạnh (SN 1973, ở xã Văn Nhân, Phú Xuyên, Hà Nội) 7 năm tù, cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trước đó, vào tháng 7-2018, ông Lê Văn M (SN 1963, ở Phú Xuyên) tố cáo em họ ông này là bị cáo Lê Văn Mạnh có hành vi dùng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông để thế chấp, vay tiền ngân hàng.

Quá trình điều tra xác định, trong thời gian từ tháng  1-2007 đến tháng 9-2009, Nguyễn Thị Trà Lý là cán bộ tín dụng của chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) Phú Minh cùng Mạnh tạo lập hồ sơ để vay vốn dưới hình thức có tài sản bảo đảm của bên thứ ba, để cho Mạnh vay rồi chiếm đoạt tiền của ngân hàng nơi bà Lý làm việc.

Nguyễn Thị Trà Lý và đồng phạm bị đưa ra tòa xét xử.

Cụ thể, tháng 1-2007, do có nhu cầu vay vốn để làm ăn, Mạnh gặp ông M mượn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (“sổ đỏ”)của gia đình ông này và nói để làm tin vay tiền của người khác, không thế chấp vay vốn tại các tổ chức tín dụng.

Ông M đồng ý và giao cho Mạnh “sổ đỏ” của gia đình mình. Mượn được “sổ đỏ”, Mạnh đến Chi nhánh ngân hàng Agribank Phú Minh gặp bà Lý để nhờ làm thủ tục vay 90 triệu đồng. Bà Lý tiếp nhận thông tin và “sổ đỏ” đứng tên ông M, rồi lập giấy đề nghị vay vốn, phương án sản xuất kinh doanh, đơn yêu cầu đăng ký bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất... theo biểu mẫu.

Mạnh sau đó ký giả mạo chữ ký ông M vào bên bảo lãnh trong đơn yêu cầu đăng ký bảo lãnh và hợp đồng bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất rồi đưa cho vợ là Ngô Thị Hồng ký mục bên được bảo lãnh, rồi giao lại cho bà Lý.

Cán bộ ngân hàng không đến gặp ông M để kiểm tra xem ông này có đồng ý đưa quyền sử dụng đất của mình bảo lãnh khoản vay của Mạnh hay không, không tiến hành thẩm định tài sản thế chấp là nhà đất để xin xác nhận hồ sơ vay của Mạnh.

Thậm chí bà Lý còn nhờ người khác ký giả chữ ký của vợ ông M ở bên bảo lãnh rồi gặp chủ tịch xã xin xác nhận. Sau khi xong hồ sơ khống, bà Lý trình cấp trên phê duyệt hồ sơ vay vốn và ký hợp đồng tín dụng.

Sau lần được giải ngân 90 triệu đồng, Mạnh tiếp tục vay tiền ngân hàng thêm nhiều lần nữa. Lúc thì 100 triệu đồng, khi thì 500 triệu đồng. Mạnh dùng tiền vay lần sau để trả nợ gốc và lãi của khoản vay trước.

Ở lần vay 500 triệu đồng vào 3-2009, bà Lý tiếp tay cho Mạnh thông qua việc báo cáo với gám đốc, phó giám đốc phụ trách tín dụng về nhu cầu vay vốn, mục đích để xây dựng nhà xưởng và sản xuất kinh doanh của Mạnh.

Được lãnh đạo đồng ý cho lập hồ sơ vay vốn, bà Lý không lập lại đơn yêu cầu đăng ký bảo lãnh mà dùng đơn yêu cầu đăng ký bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liển với đất hồi 1-2007, có chữ ký giả mạo ông M và vợ.

Bà Lý soạn hợp đồng thế chấp bằng tài sản bên thứ ba ghi ngày 15-3-2009, biên bản xác định giá trị tài sản bảo đảm đưa cho Mạnh ký bên được bảo lãnh. Cũng như lần trước, cán bộ ngân hàng không xuống nhà ông M xác minh... Bà Lý lại nhờ người ký giả chữ ký của vợ chồng ông M vào bên bảo lãnh tại hợp đồng thế chấp bằng tài sản của bên thứ ba. Nhờ vậy, Mạnh được ngân hàng cho vay 500 triệu đồng.

Theo cáo buộc, toàn bộ 3 khoản vay trên dù có hành vi gian dối về mặt thủ tục nhưng đều đã tất toán nên không gây thiệt hại cho ngân hàng. Sau những lần trót lọt trên, tháng 9-2009, bà Lý và Mạnh tiếp tục lập hồ sơ để Mạnh vay 500 triệu đồng của Phòng giao dịch Phú Minh, thuộc chi nhánh Agribank Phú Xuyên.

Bị cáo Lý đã tạo dựng hợp đồng bảo lãnh, hợp đồng thế chấp gian dối. Biết khoản vay không có bảo đảm theo quy định nhưng cán bộ ngân hàng vẫn hoàn thiện hồ sơ có tài sản bảo đảm về mặt hình thức để làm căn cứ cấp tín dụng cho Lê Văn Mạnh vay 500 triệu đồng theo hợp đồng tín dụng ngày 15-9-2009.

Lần này, đến hạn nhưng Mạnh không thực hiện nghĩa vụ trả nợ mà chiếm đoạt toàn bộ số tiền trên của ngân hàng. Đến ngày 18-4-2019, phía ngân hàng có công văn yêu cầu Mạnh thanh toán số tiền hơn 1,4 tỷ đồng, gồm cả tiền gốc và lãi. Ngân hàng cũng đề nghị CQĐT làm rõ hành vi vi phạm của Mạnh và cá nhân liên quan.