"Nữ hoàng điệp viên đỏ" gây sốc cho cả nước Mỹ và Liên Xô

ANTD.VN - Đầu tháng 9-2019, truyền thông Mỹ đồng loạt khai thác thông tin về một vụ bê bối gián điệp cấp cao, trong đó nhắc đến điệp viên bí ẩn được cho là đã cài vào trong Chính phủ Nga và gửi những thông tin mật về Washington nhiều năm liền. Nhưng trong lịch sử quan hệ Nga - Mỹ, âm mưu gián điệp ghê gớm nhất có lẽ phải nhắc đến Elizabeth Bentley, người phụ nữ Mỹ nắm rõ về các hoạt động phản gián của Liên Xô tại Mỹ từ cuối những năm 1930 cho đến khi kết thúc Thế chiến II.

Điều trần trước FBI, Elizabeth Bentley tiết lộ từng nắm giữ một mạng lưới điệp viên lớn của Liên Xô tại Mỹ

Các gián điệp của Liên Xô thời ấy coi Elizabeth Bentley là người phụ nữ thông minh, Cục Điều tra Liên bang Mỹ đặt cho bà biệt danh Gregory, một tên gọi thuần túy Liên Xô, còn giới truyền thông lại ví bà như “Nữ hoàng điệp viên đỏ”. Nội dung chi tiết về đường dây gián điệp quy mô lớn của Liên Xô tại Mỹ trước và trong Thế chiến II phần lớn nằm ở bản khai dài 107 trang của Elizabeth Bentley khiến ngay cả Cục Điều tra Liên bang (FBI) cũng cảm thấy “chấn động”.

Những thông tin lạ

Khi Elizabeth Bentley lần đầu tiên bước vào văn phòng của FBI ở New Haven (Connecticut) vào tháng 8-1945 và úp mở về điều mà bà muốn kể, các nhân viên ở đây không biết phải làm gì. Thời điểm đó, Chiến tranh thế giới thứ hai vừa kết thúc và Liên Xô đã là đồng minh của Mỹ. Giám đốc FBI J. Edgar Hoover lúc đó có nắm được thông tin rằng có thành viên của Đảng Cộng sản Liên Xô xâm nhập vào chính phủ Mỹ, nhưng ông cứ nghĩ điều đó đã lỗi thời. Chừng nào chiến tranh với phát xít Đức và Nhật còn tiếp diễn, mối đe dọa của Liên Xô không phải là ưu tiên hàng đầu.

Vì vậy, tiết lộ ban đầu của Bentley khiến FBI nghi ngại. Tuy nhiên, vào tháng 10 năm đó, FBI thẩm vấn Bentley một lần nữa tại văn phòng ở New York, nhưng bà ta tỏ ra rất thận trọng và cố gắng tìm hiểu xem nhà chức trách đã biết gì về mình, liệu có cách nào tốt nhất để bà không phải ở tù. Cho đến thời điểm đó, FBI chưa hề biết Bentley là một nhà phiêu lưu mạo hiểm và là một cuốn bách khoa toàn thư về gián điệp của Liên Xô tại Mỹ.

Như Cục Tình báo Trung ương CIA đã lưu ý năm 2003, vụ gián điệp mà Bentley tham gia phải xếp hạng là một trong những âm mưu ghê gớm nhất từng được tung ra trên đất Mỹ. Cho đến nay, nước Mỹ đã phát hiện được một số đường dây gián điệp, nhưng có lẽ chưa có chiến dịch nào “vượt mặt” được mạng lưới phản gián của Bentley.

Người tình là điệp viên Liên Xô

Elizabeth Bentley sinh năm 1908 tại làng New Milford trên sông Housatonic thuộc bang Connecticut, giáp với New York. Bentley học xong trung học ở Rochester (New York), nơi cha bà làm tại một cửa hàng bách hóa còn mẹ làm giáo viên. Dù cha mẹ là những người nghiêm khắc, nhưng bước vào tuổi 20, Bentley nhận được học bổng đi học ở Vassar, New York, từ đó được tự do nếm trải nhiều thứ vốn bị cha mẹ cấm đoán. Sau khi tốt nghiệp đại học, Bentley đến dạy học ở trường Foxcroft (Virginia). Nhưng chỉ được 2 năm, sau khi mẹ mất, cô gái 25 tuổi này đã bỏ việc sang Ý để học cao học tại Đại học Florence. 

Phần lớn câu chuyện của Bentley có rất ít hoặc không có bằng chứng nào chứng minh, một phần vì cuộc sống cá nhân của bà khá bê bối, và người ta cho rằng Bentley phóng đại lên để được nổi tiếng. Mãi 50 năm sau, khi tài liệu về dự án Venona của Liên Xô được giải mật, các học giả mới xác định rằng, thực sự, hầu hết mọi thứ Bentley nói với FBI là sự thật và trí nhớ của bà thật phi thường. Bentley qua đời vì bệnh ung thư vào năm 1963 ở tuổi 55. 

Khi Bentley trở về Mỹ, cuộc khủng hoảng kinh tế lên đến đỉnh điểm và chủ nghĩa cộng sản trở thành lý tưởng cho nhiều người, đặc biệt là giới trí thức. Dù còn có ý kiến chỉ trích, nhưng khi đó chủ nghĩa cộng sản là lực lượng mạnh mẽ nhất chống lại chủ nghĩa phát xít lan rộng khắp châu Âu cũng như ủng hộ bình đẳng giới. Và Bentley đã tham gia Đảng Cộng sản Mỹ.

Năm 1938, khi đảm nhận một công việc ở New York, Bentley được giới thiệu với một người đàn ông tên là Timmy, tên khai sinh là Jacob Raisin, một người nhập cư từ Nga. Người này từng sống ở Mỹ một thời gian, sau đó trở lại Nga vào năm 1920 rồi trở thành một thành viên của OGPU, tiền thân của cơ quan tình báo Xô Viết KGB. Jacob Raisin - sau này đổi họ thành Golos - đã giúp xây dựng Đảng Cộng sản Mỹ vào những năm 1930 và hoạt động như một điệp viên độc lập của Liên Xô.

Bentley bí mật cộng tác với Golos rồi trở thành liên lạc viên cho mạng lưới. Người phụ nữ Mỹ này yêu Golos lúc nào không hay. Nhưng Golos bị bệnh xơ cứng động mạch và sức khỏe giảm sút. Ông qua đời vì một cơn đau tim vào ngày Lễ Tạ ơn năm 1943 sau khi bàn giao lại mạng lưới gián điệp quan trọng nhất của mình cho người tình Elizabeth Bentley. 

Bị tách khỏi “đứa con tinh thần”

Trong suốt năm 1944, Bentley đã gặp gỡ một loạt sĩ quan Liên Xô với biệt danh Bill, Jack, Al. Họ vừa vỗ về, vừa gây áp lực buộc Bentley phải bàn giao lại đầu mối các đặc vụ của Golos vốn đã thâm nhập sâu vào các cơ quan chính phủ như Bộ Tài chính hay Tổ chức Đặc vụ chiến lược (tiền thân của CIA). Dù Bentley liên tục từ chối nhưng đến cuối năm 1944, bà đành đầu hàng. Một phần công việc mà bà cố gắng giữ là quản lý một hãng du lịch và công ty vận chuyển giao dịch với Liên Xô. Golos từng coi đây là một mảng kinh doanh thực sự và cũng là vỏ bọc cho các hoạt động gián điệp. Với Bentley, các hoạt động này rất quan trọng về mặt tinh thần cũng như tài chính.

Như John Earl Haynes và Harvey Klehr đã viết trong cuốn sách “Venona: Giải mã gián điệp Xô Viết ở Mỹ” năm 1999, Bentley yêu Jacob Golos và đã rất đau khổ khi ông qua đời vào cuối năm 1943. Sau đó, bà đã tự mình tiếp tục công việc, nhưng đến cuối năm 1944, KGB đã lấy đi mọi thứ. Năm 1945, phía Liên Xô thúc giục bà từ bỏ Tập đoàn Dịch vụ và vận chuyển Mỹ, điều duy nhất còn lại mà cô có  với Golos. Cuối mùa hè năm 1945, Bentley được thuyết phục rằng FBI đã biết mọi chuyện. Dù không phải vậy, nhưng nỗi sợ bị bắt đã khiến bà quyết định quay lưng lại. 

Vào tháng 9-1945, khi Liên Xô ý thức được rằng họ sẽ sớm bị phương Tây coi như kẻ thù, Bentley đã có một cuộc chạm trán với Al - một sĩ quan tình báo hàng đầu của Liên Xô. Ông này tên thật là Anatoly Gorsky, quản lý nhóm “Cambridge 5” ở Anh, bao gồm cả siêu điệp viên Kim Philby và phụ trách mảng thông tin về bom nguyên tử.  Hai người xảy ra hục hoặc và AI đã đề nghị Bentley từ bỏ công việc của mình.

Đổi lại, Liên Xô có thể dựng cho bà một doanh nghiệp nhỏ, có thể là một cửa hàng bán mũ, quần áo, một công ty du lịch khác ở Baltimore hoặc đưa bà vào dạy tại một trường tiếng Nga ở Washington. Cuối cùng, Al đã sa thải Bentley. Trong lúc buồn chán bà tự nhủ, mình là người Mỹ và không thể bị “đá” như vậy. Sau đó, bà bắt đầu lo lắng cho sự an toàn của bản thân và cho rằng tổ chức sẽ “thanh toán” mình như một kẻ phản bội.

Lời thú nhận chấn động

Có một chi tiết đáng lưu ý, đó là sau khi gặp FBI và bị họ cho rằng có thể bà bị tâm thần, Bentley đã gặp lại Al. Lần này, ông ta đưa cho bà một phong bì 2.000 USD - đây là khoản tiền lớn mà không có sự ràng buộc nào vì theo chỉ thị cấp trên thì Bentley đang “cần một bờ vai để khóc và ít tiền để tiêu”. Những tuần sau đó, Bentley đã lưỡng lự dù FBI liên lạc lại nhưng bà lờ đi. Vào ngày 6-11-1945, FBI lại gọi điện đến và các cuộc thẩm vấn nghiêm túc bắt đầu. Kết thúc hơn 10 ngày làm việc liên tục, đến 30-11-1945, Bentley ký vào biên bản dài 107 trang. Chắt lọc lượng thông tin thu thập được từ Bentley, nhà chức trách Mỹ đã kết án quan chức Bộ Ngoại giao là Alger Hiss vì tội khai man và Julius Rosenberg vì tội gián điệp.

KGB muốn đẩy Bentley ra vì muốn có một hệ thống an toàn hơn, nhưng chính điều này làm cho sự thật được phơi bày và các mạng lưới gián điệp của Liên Xô khi đó bất ngờ bị vô hiệu hóa. Vào cuối những năm 1940, sự phản bội của Bentley đã khiến tình báo Liên Xô phải ngừng hoạt động gần như hoàn toàn trong ít nhất vài năm.

Cũng phải nói rằng, phần lớn câu chuyện của Bentley có rất ít hoặc không có bằng chứng nào chứng minh, một phần vì cuộc sống cá nhân của bà khá bê bối, và người ta cho rằng Bentley phóng đại lên để được nổi tiếng. Mãi 50 năm sau, khi tài liệu về dự án Venona của Liên Xô được giải mật, các học giả mới xác định rằng, thực sự, hầu hết mọi thứ          Bentley nói với FBI là sự thật và trí nhớ của  bà thật phi thường. Bentley qua đời vì bệnh ung thư vào năm 1963 ở tuổi 55.