Nữ giới và nguy cơ viêm đường tiết niệu

ANTĐ - Theo Quỹ Thận quốc gia Hoa Kỳ, trung bình 5 phụ nữ có 1 người từng bị viêm đường tiết niệu với triệu chứng như tiểu buốt, tiểu rát, khó tiểu thậm chí tiểu ra máu. Phụ nữ rất dễ mắc bệnh này và có tỷ lệ tái phát cao hơn so với nam giới. Dưới đây là lý do phổ biến nhất khiến phụ nữ dễ mắc bệnh và một số lời khuyên hữu ích cho việc phòng ngừa.

Tiểu buốt - dấu hiệu thường gặp của bệnh viêm đường tiết niệu

Cấu tạo đường tiết niệu

Cấu tạo đường niệu ở nữ giới ngắn và thẳng, lại gần hậu môn nên vi khuẩn dễ dàng xâm nhập gây bệnh. E.Coli là loại vi khuẩn có hại thường trú trong đường ruột và rất dễ gây viêm khi sống trong đường niệu.

Quan hệ tình dục

Nhiều phụ nữ rất dễ nhiễm trùng đường tiết niệu sau khi quan hệ tình dục bởi có thể truyền vi khuẩn từ ruột hoặc khoang âm đạo vào niệu đạo. Để giảm nguy cơ bị nhiễm trùng, bạn nên đi tiểu trong vòng 30 phút sau khi quan hệ tình dục. Hiệp hội Tiết niệu Hoa Kỳ khuyên cả nam và nữ nên vệ sinh bộ phận sinh dục ngay trước và sau khi quan hệ tình dục để làm thay đổi hệ vi khuẩn và giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu.

Táo bón

Khi bị táo bón, vi khuẩn bị mắc kẹt trong bàng quang, tạo môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển và gây nhiễm trùng. Mặt khác, tiêu chảy cũng có thể làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng tiểu, vì vi khuẩn từ phân lỏng có thể dễ dàng xâm nhập vào âm đạo và niệu đạo. Một mẹo cần lưu ý là khi vệ sinh bộ phận sinh dục, nên lau từ trước ra sau để tránh vi khuẩn từ hậu môn di chuyển vào niệu đạo. 

Bệnh tiểu đường

Khi lượng đường trong máu cao, đường dư thừa được loại bỏ thông qua nước tiểu. Điều này sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Bạn đã từng nghe ăn quá nhiều đường có thể gây ra nhiễm trùng tiểu, thậm chí ngay cả khi bạn không mắc bệnh tiểu đường, tuy nhiên điều này là không đúng sự thật. Trừ khi bạn bị bệnh tiểu đường, lượng đồ ngọt tiêu thụ không phải là thủ phạm gây bệnh. 

Nhịn tiểu

Nếu bạn cố gắng nhịn tiểu trong 6 giờ hoặc hơn có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng tiểu, vì vi khuẩn không thoát ra khỏi bàng quang. Nhịn tiểu sẽ làm cho nước tiểu bị ngưng đọng, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn E.Coli phát triển.

Mất nước

Uống nhiều nước không chỉ giải khát mà còn phòng ngừa bệnh viêm đường tiết niệu trong ngày hè nắng nóng, khi cơ thể bị mất nhiều nước. Nếu uống nhiều nước sẽ loại bỏ vi khuẩn gây nhiễm trùng qua nước tiểu.

Biện pháp tránh thai

Sử dụng các biện pháp tránh thai làm thay đổi nội tiết tố có thể dẫn đến một sự thay đổi vi khuẩn bình thường trong âm đạo, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu. Sử dụng màng ngăn và chất diệt tinh trùng cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh.

Băng vệ sinh

Việc sử dụng băng vệ sinh trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc trong quá trình sinh nở cũng tạo ra môi trường vô cùng thuận lợi để vi khuẩn di chuyển từ hậu môn sang niệu đạo. Vì vậy, lời khuyên cho chị em là nên thay băng vệ sinh ít nhất 4 tiếng/ lần.

Sỏi thận

Sỏi thận tăng nguy cơ bị nhiễm trùng tiểu bởi chúng chặn đường tiết niệu và lưu giữ nước tiểu khiến vi khuẩn dễ dàng phát triển.