Nữ Giáo sư người Mỹ gốc Việt: “Cái đẹp của nghiên cứu khoa học là tự do, dũng cảm bước vào vùng mới”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Nữ Giáo sư người Mỹ gốc Việt Nguyễn Thục Quyên- Đại học California, Santa Barbara (Hoa Kỳ) tiết lộ, bà từng không nghĩ tới việc trở thành một nhà khoa học, nghiên cứu lĩnh vực vật lý, cho đến một ngày bà nhận ra bản thân đam mê với công việc này.
Giáo sư người Mỹ gốc Việt Nguyễn Thục Quyên khích lệ các bạn trẻ mạnh dạn nghiên cứu khoa học

Giáo sư người Mỹ gốc Việt Nguyễn Thục Quyên khích lệ các bạn trẻ mạnh dạn nghiên cứu khoa học

Nếu chỉ gặp qua hình ảnh tư liệu, ít người ngờ được bà là một Giáo sư nổi tiếng trên thế giới, bởi phong cách mạnh mẽ và phóng khoáng không thường thấy của những người làm công việc nghiên cứu học thuật. Tuy vậy, được gặp mặt, giao lưu với Giáo sư Nguyễn Thục Quyên mới thấy, bà mang vẻ đẹp đầy đặn, phúc hậu á đông và lối nói chuyện chân thành, hồn hậu.

Trở về Việt Nam trong vai trò đồng Chủ tịch Hội đồng sơ khảo giải thưởng VinFuture, Giáo sư Nguyễn Thục Quyên cho biết: “Tôi vô cùng hạnh phúc vì giải thưởng được cả thế giới biết đến. Đặc biệt, là một người Việt Nam, tôi thấy tự hào”.

Giáo sư Nguyễn Thục Quyên là Giáo sư khoa Hóa và Hóa sinh tại Đại học California, Santa Barbara (UCSB). Bà chính thức giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học California, Santa Barbara (UCSB) từ mùa hè năm 2004.

Bà từng cộng tác nghiên cứu tại khoa Hóa học và Trung tâm Nano tại Đại học Columbia, cùng Giáo sư Louis Brus and Colin Nuckolls nghiên cứu về quá trình tự lắp ráp phân tử, đặc tính kích thước nano và các thiết bị liên quan.

Bên cạnh đó, nữ Giáo sư người Mỹ gốc Việt này cũng dành thời gian tại Trung tâm Nghiên cứu IBM tại T. J. Watson (Yorktown Heights, New York) cộng tác với GS. Richard Martel và Phaedon Avouris về điện tử phân tử.

Các nghiên cứu của bà xoay quanh tính chất điện tử của polyelectrolytes liên hợp, giao diện trong các thiết bị quang điện tử, việc tạo và vận chuyển điện tích trong chất bán dẫn hữu cơ, vật liệu mới cho các ứng dụng pin mặt trời hữu cơ, tự lắp ráp phân tử, xử lý vật liệu, đặc tính kích thước nano của pin mặt trời hữu cơ và vật lý thiết bị .

Trong sự nghiệp khoa học của mình, Giáo sư Nguyễn Thục Quyên đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá, như: Giải thưởng Nhà nghiên cứu trẻ của Văn phòng nghiên cứu Hải quân (2005), Giải thưởng Quỹ Khoa học Quốc gia CAREER (2006), Giải thưởng Harold Plous (2007).

Năm 2008, GS. Quyên nhận Giải thưởng Học giả – Giáo viên Camille Dreyfus… Đặc biệt, bà được bình chọn là “Trí tuệ khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới” các năm từ 2015 đến 2018.

Giáo sư cũng nằm trong “Top 1%” các nhà nghiên cứu khoa học vật liệu được trích dẫn nhiều nhất thế giới của Thomson Reuters và Clarivate Analytics.

Nói về hành trình khoa học gian khó và vinh quang của mình, Giáo sư Nguyễn Thục Quyên cho biết, bà xuất thân từ ngôi làng mà 16 năm liền không có điện. Bà từng nghĩ, khoa học công nghệ ngoài kia thực sự chẳng có tác động gì đến người nghèo, người lao động.

“Trong cuộc đời tôi, có thời gian tôi không quan tâm đến việc trở thành một nhà khoa học. Ở tuổi 21, tôi quan tâm tới văn học, lịch sử, địa lý, đến tiếng Anh cũng rất tệ.

Một bước ngoặt đã đến với cuộc đời tôi. Tôi học 12 khóa về khoa học và thấy rất hấp dẫn. Sau đó, tôi tham gia học tập với giáo sư vật lý. Giáo sư đã cho tôi hiểu biết, kiến thức và đam mê theo đuổi khoa học. Khi ấy tôi 25 tuổi. Nếu bây giờ được làm lại, tôi vẫn làm chính xác như thế”.

Do đó, bà ủng hộ khoa học vì con người, có tính nhân văn sâu sắc. Giải thưởng VinFuture mang tính nhân văn sâu sắc, chạm đến trái tim của con người bởi giải thưởng có nhiều công trình nghiên cứu phục vụ đời sống con người, quan tâm đến các nhà khoa học nữ cũng như nhà khoa học ở các nước đang phát triển...

Truyền cảm hứng cho người trẻ nghiên cứu khoa học, Giáo sư Nguyễn Thục Quyên cho rằng, mỗi cá nhân cần tự vượt ra khỏi vùng an toàn để học hỏi cái mới.

“Cái đẹp của nghiên cứu khoa học là được tự do và dũng cảm theo đuổi, mạnh dạn bước vào vùng mới. Hãy cố gắng tiếp cận cái mới, vươn ra ngoài. Nếu ta không gõ vào cánh cửa nào thì không có cánh cửa nào mở ra cả. Không ai ngăn chúng ta ước mơ và vươn tới ước mơ ngoài chính chúng ta”- Giáo sư Nguyễn Thục Quyên chia sẻ.