Nữ bệnh nhân tử vong bất thường sau hơn 3 giờ nhập viện

ANTĐ -Nghi ngờ về cái chết của chị Nguyễn Thị Hoàng Anh (29 tuổi, trú đường Lê Hồng Phong, TP. Nha Trang, Khánh Hòa) có nhiều khuất tất, người thân trong gia đình đã gửi đơn đến cơ quan chức năng đề nghị điều tra, làm rõ.


Ngày 4-7, anh Nguyễn Thành Quốc - em ruột chị Anh, cho biết cơ quan chức năng đã tiến hành mổ tử thi, lấy mẫu đưa đi xét nghiệm để tiến hành điều tra nguyên nhân dẫn đến chị gái mình tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa hôm 2-7 vừa qua.

Theo trình bày của anh Quốc, thì vào khoảng gần 2 giờ sáng ngày 2-7, chị Anh thấy trong người hơi khó thở, nên sau đó gia đình có gọi điện nói anh Quốc chở bằng xe máy đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa, vào khu vực cấp cứu để các bác sĩ tiến hành kiểm tra bệnh tình. Khi dừng xe, chị Anh tự đi đến khu vực cấp cứu, cung cấp tên, tuổi địa chỉ cho bác sĩ trực. Sau đó, bác sĩ tiến hành đo huyết áp, điện tim cho chị Anh. Cùng lúc này, anh Quốc được các bác sĩ hướng dẫn làm các thủ tục nhập viện cho chị Anh.

Ít phút sau, chị Anh được bác sĩ cho truyền nước tại Khoa cấp cứu. Khoảng hơn 30 phút sau, bệnh nhân này được bệnh viện chuyển đến Khoa Tim mạch, lão học để tiếp tục theo dõi, điều trị.

Tại Khoa Tim mạch, lão học, theo trình bày của anh Quốc, chị Anh được hai sinh viên thực tập đo điện tim, huyết áp. Thời điểm này, chị Anh vẫn bình thường. “Khoảng 15 phút sau, chị tôi được một bác sĩ, tôi đoán là bác sĩ thôi vì họ không đeo bảng tên, cùng với 1 nhân viên và 1 sinh viên thực tập đến thăm khám. Bác sĩ nam này dùng ống thở để nghe nhịp tim. Sau đó có hỏi chị tôi có tiểu sử bệnh gì không, thì chị chị tôi trả lời rõ ràng là có bị bệnh bướu cổ. Bác sĩ hỏi tiếp đã điều trị như thế nào,  thì chị tôi có trả lời là có đi khám ở bệnh viện khác và được người ta cho thuốc uống, sức khỏe bình thường nhưng hôm nay tự nhiên thấy khó thở nên mới đến bệnh viện” – anh Quốc cho biết. Sau khi hỏi tiền sử bệnh của chị Anh, bác sĩ tiến hành đo lại nhịp tim lại một lần nữa cho bệnh nhân này.

Sau khi bác sĩ khám cho chị Anh, khoảng 15 phút sau đó, có 1 nhân viên điều dưỡng đến và tiêm cho bệnh nhân này một liều thuốc vào tay trái. Sau liều thuốc đầu tiên, khoảng 5 phút sau đó, vẫn nhân viên này lại đi đến và tiêm cho chị Anh liều thuốc thứ hai. Tuy nhiên, chỉ chưa đến 10 phút sau đó, anh Quốc thấy chị Anh có biểu hiện buồn nôn, khó thở nhiều hơn, toát mồ hôi, mắt hơi trợn lên. “Tôi có cảm giác chị tôi bị suy sụp sức khỏe rất nhanh. Thấy có biểu hiện khác thường, chị tôi hỏi bác sĩ tại sao tiêm xong lại mệt hơn lúc chưa nhập viện. Lúc này bác sĩ ở trong phòng nhưng không nói gì. Lúc này là vào khoảng hơn 3 giờ sáng cùng ngày” - anh Quốc trình bày.

Khoảng 15 phút sau, một nhân viên điều dưỡng đi đến và đưa cho chị Anh uống 1 viên thuốc dạng nén. Tuy nhiên, sau khi chị Anh uống thuốc xong thì lại thấy mệt hơn, có cảm giác buồn nôn dữ dội. Sau đó, anh Quốc thấy chị anh ra mồ hôi rất nhiều, cơ thể hơi lạnh dần, mắt mở lờ đờ, gắng gượng sức và nói được vài câu.

Thấy diễn biến của bệnh nhân ngày càng xấy, ít phút sau một nhân viên thực tập, quay lại đưa 4 viên thuốc cho anh Quốc để cho chị Anh uống. Theo hướng dẫn của sinh viên thực tập này, anh Quốc cho chị Anh uống 3 viên, còn 1 viên đợi đến 6 giờ sáng thì uống tiếp. Sau khi uống thuốc xong, chị Anh được bác sĩ cho truyền nước.

Trong lúc truyền nước, anh Quốc thấy chị gái mình bắt đầu lịm dần đi. Lúc này là vào khoảng hơn 4 giờ sáng cùng ngày. Anh Quốc hỏi bác sĩ là tình trạng sức khỏe của chị mình thế nào? Bác sĩ có nói cho tình trạng bệnh lý của chị anh là rất yếu và yêu cầu anh Quốc ký vào một tờ giấy với nội dung là đã được nghe bác sĩ thông báo về vấn đề tình trạng bệnh của bệnh nhân. Một lúc sau bác sĩ cho chị Anh thở ô xi.

Đến khoảng 4 giờ 20 cùng ngày, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực, để các bác sĩ làm công tác cấp cứu tại chỗ. Quan sát qua cửa sổ, anh Quốc thấy chị Anh mắt đã trợn ngược. Bác sĩ cho tiêm thuốc để kích tim, nhưng sau đó khoảng 40 phút, thấy không hiệu quả nên bác sĩ ngừng cấp cứu, đồng thời thông báo cho anh Quốc là chị anh không qua khỏi. Lúc đó là 5 giờ 8 phút ngày 2-7.

Sau khi chị Anh qua đời, anh Quốc được bác sĩ thông báo nguyên nhân dẫn đến tử vong của chị Anh là do khối cường giáp dẫn đến cơn bão giáp, loạn nhịp tim.

Khi xuống nhà xác của bệnh viện nhận thi thể, anh Quốc thấy khuôn mặt chị Anh nổi những nốt đốm tím, tái bất thường. Do nghi ngờ cái chết của chị Anh có những bất thường nên gia đình có đơn gửi đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. Nha Trang đề nghị khám nghiệm tử thi, điều tra, làm rõ.

“Khi chị tôi nhập viện thì thấy tỉnh táo, nhưng chỉ sau hai liều thuốc thì sức khỏe của chị tôi lại xấu đi nhanh chóng chỉ trong một thời gian ngắn như thế. Tôi mong cơ quan điều tra nhanh chóng có kết quả chính xác về nguyên nhân dẫn đến tử vong của chị tôi” - anh Quốc nói trong nước mắt.

Cái chết của chị Anh đã khiến ai nấy đều bất ngờ, kể cả những người hàng xóm. Chị Anh mất đi để lại 3 đứa con thơ, bé đầu hiện mới 11 tuổi,  còn bé trai út mới 3 tuổi.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Văn Xáng, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa, cho biết, ệnh viện đã tiến hành họp cùng các khoa liên quan, đồng thời phân công cho Hội đồng khoa học và các bác sĩ chuyên khoa nghiên cứu hồ sơ để tổ chức kiểm thảo tử vong toàn viện. Công việc này sẽ được thực hiện trong tuần tới.

Khi được hỏi về nguy cơ của cơn bão giáp đối với người bệnh bị basedow, bác sĩ Xáng khẳng định đã lên cơn bão giáp thì nguy cơ tử vong là cao, trong khi đó kỳ vọng của người nhà luôn cao nhưng y học cũng có giới hạn.