NSƯT Thanh Ngoan: Đưa chèo đến gần các bạn trẻ

ANTĐ - “Chúng tôi diễn hay đến mấy nhưng nếu không có truyền thông thì không ai biết đến cái hay của nghệ thuật chèo”, đó là trăn trở của NSƯT Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam trước thềm tour diễn “Tiếng trống chèo” tái hiện 3 vở chèo kinh điển của Việt Nam. Dự án phối hợp với nhóm “Tôi xê dịch” thực hiện sẽ được khởi động vào đầu tháng 9 tới. 

NSƯT Thanh Ngoan: Đưa chèo đến gần các bạn trẻ ảnh 1                                        NSƯT Thanh Ngoan (Ảnh: Thu Hà)

- PV: Xin chào NSƯT Thanh Ngoan, hình như sau một thời gian hoạt động trầm lắng mới thấy Nhà hát Chèo Việt Nam quảng bá một cách rầm rộ cho tour diễn chèo như vậy?

- NSƯT Thanh Ngoan: Thực sự trong thời gian qua, tôi nhận thấy mảng truyền thông của chúng tôi chưa tốt. Dù diễn hay đến mấy, có cố công giữ nghệ thuật truyền thống như thế nào mà không có truyền thông thì không ai biết đến cái hay của nghệ thuật chèo. Chính vì vậy, khi nhận được lời đề nghị của nhóm Tôi xê dịch - dự án truyền thông văn hóa của các bạn trẻ, Nhà hát Chèo Việt Nam rất hoan nghênh. Chúng tôi muốn bằng cách này đưa nghệ thuật chèo đến với đông đảo các bạn trẻ. 

- Vậy lý do gì Nhà hát Chèo Việt Nam lại làm “phi lợi nhuận”?

 - Đa số nghệ sỹ  khi nhận được một lời đề nghị của những người trẻ yêu nghệ thuật truyền thống như vậy thì rất muốn ủng hộ. Ngược lại, trên thực tế có những người muốn đã diễn thì phải có một nguồn thù lao hợp lý. Nhưng khi trao đổi thì tôi thấy rằng, tại sao các bạn trẻ tâm huyết tổ chức một chương trình như vậy, chẳng có gì ngoài sự giúp đỡ từ cộng đồng thì cớ sao nghệ sỹ lại  đòi hỏi có thù lao thì mới diễn. Vậy nên chúng tôi nhận lời. Mặc dù chèo thì thường… nghèo hơn các loại hình nghệ thuật khác (cười). 

NSƯT Thanh Ngoan: Đưa chèo đến gần các bạn trẻ ảnh 2

 Đưa chèo trở lại sân đình là ước mơ của các nghệ sỹ (Ảnh: Họa sỹ Jeetz)

- Diễn ra tại 3 ngôi đình ở Hà Nội, tour diễn “Tiếng trống chèo” lần này có gì đặc biệt so với những chương trình khác?

- Không gian của 3 điểm diễn  đều tái hiện lại chiếu chèo sân đình - không gian của nghệ thuật chèo truyền thống. Ngoài một không gian để triển lãm, trưng bày thể hiện góc nhìn tuổi trẻ về nghệ thuật chèo, chúng tôi để người xem thử sắm vai 5 mô hình nhân vật trong chèo là Đào - Kép - Lão - Mụ và Hề. Ở đây, chúng tôi cũng sẽ trình diễn trích đoạn của 3 vở chèo kinh điển là “Quan Âm Thị Kính”, “Lưu Bình Dương Lễ” và “Kim Nham”.

- Có một hiện trạng là khi đưa chèo về không gian truyền thống là sân đình thì khán giả đến rất đông trong khi ở các nhà hát lại… vắng hoe. Chị có nhận định gì về việc này?

- Có một thực trạng là người Việt Nam gần như không đến rạp để thưởng thức nghệ thuật truyền thống. Nhưng phải nói rằng, không riêng gì Nhà hát Chèo Việt Nam, đặc biệt là vào dịp lễ hội, các nhà hát truyền thống đều được đình làng “nuôi” rất nhiều. Có người đặt câu hỏi tại sao không đưa chèo về sân đình nhiều hơn nữa, tôi có thể trả lời đó là mơ ước của chúng tôi. Nhưng hiện tại song song với đó, chúng tôi vẫn phải “giữ lửa” cho nhà hát. Đến năm 2018, nhà hát phải tự chủ kinh phí theo lộ trình của Nhà nước. Đó là một trong những cái khó của chúng tôi. 

- Để thu hút thêm khán giả, nhiều nhà hát truyền thống đã kết hợp với các công ty du lịch đưa khách đến với sân khấu. Chị đánh giá hiệu quả như thế nào? 

- Nhà hát Chèo Việt Nam có một bất lợi là không nằm trên tuyến phố cổ, nên dù có tour du lịch gửi khách đến nhà hát, nhưng số lượng vẫn chưa được như mong muốn. Năm nay chúng tôi hy vọng sẽ có nguồn kinh phí hỗ trợ để mở rộng quảng bá, trong đó Tổng cục Du lịch hỗ trợ chúng tôi đưa khách đến nhà hát. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ làm không gian văn hóa ở ngay tiền sảnh để không chỉ khán giả Việt Nam mà khán giả nước ngoài có sự tương tác trước khi bước vào trong để tìm hiểu về nghệ thuật chèo. Thời gian gần đây, chúng tôi nhận thấy một điều khởi sắc là mặc dù khách du lịch chưa nhiều nhưng khán giả Việt Nam đến xem rất đông. Với mức giá 150.000 đồng một đêm diễn, chưa thấy ai chê đắt và có người còn đặt vé xem 5 đêm liền. Đó là điều khích lệ rất lớn.