NSƯT Quốc Tuấn: Phim ảnh là sự tái hiện cuộc sống một cách có chọn lọc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cách đây không lâu, NSƯT Quốc Tuấn (gương mặt thân quen qua hàng loạt bộ phim như “Người thổi tù và hàng tổng”, “Những người sống quanh tôi”, “12A và 4H”...) đã chính thức nhận quyết định nghỉ hưu. Những năm qua, dù không xuất hiện nhiều trên màn ảnh trong vai trò diễn viên nhưng NSƯT Quốc Tuấn vẫn được đông đảo khán giả mến mộ vì đã dệt nên câu chuyện đầy yêu thương về tình cha con. 

“Thèm” được đóng vai phản diện chất lượng

- Phóng viên: Chào NSƯT Quốc Tuấn, ai rồi cũng đến tuổi nghỉ hưu. Cảm xúc của anh khi rời xa nơi mình đã gắn bó nhiều năm thế nào?

- NSƯT Quốc Tuấn: Tôi gắn bó với phim ảnh từ trước khi về đầu quân cho Nhà hát Tuổi trẻ. Thời điểm đó, lứa diễn viên Khóa I, ngành Diễn viên sân khấu - điện ảnh của Đại học Sân khấu - Điện ảnh đa số đều đóng phim rồi mới diễn trên sân khấu. Tuy nhiên, sau mấy năm ở Nhà hát Tuổi trẻ, tôi nhận thấy môi trường này không có chỗ cho mình nên chuyển qua Hãng Phim truyện Việt Nam. Thực tế, thời điểm đó tôi được Hãng Phim truyện I của anh Tất Bình tha thiết mời về. Việc tôi chọn Hãng Phim truyện Việt Nam để gắn bó khiến ai cũng ngỡ ngàng. Thấm thoắt cũng đã 19 năm đồng hành với nơi được xem là “cái nôi” của điện ảnh cách mạng này. Ở đây, chúng tôi xem nhau như người thân và ai cũng hết mình với công việc. Việc nghỉ hưu chỉ là thủ tục hành chính thôi, còn tình cảm và sợi dây kết nối của chúng tôi vẫn như thế, không có gì khác.

- Nghỉ hưu chắc hẳn anh có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn. Liệu anh có định quay trở lại với phim ảnh không?

- Quả thật thời gian qua tôi nhận được khá nhiều lời mời của các đạo diễn cho những bộ phim truyền hình “bom tấn”. Tuy nhiên, sau khi đọc kịch bản, tôi thấy có nhiều điều chưa phù hợp lắm nên xin khất. Thẳng thắn mà nói, từ chối phim là từ chối cơ hội kiếm tiền, nhưng tôi nghĩ xa hơn một chút. Mình có hình ảnh trong lòng khán giả đã khó, để giữ được hình ảnh ấy còn khó nữa. Công sức gây dựng bao nhiêu năm, chỉ cần đóng một phim không ra gì thì khán giả quay lưng ngay.

Giống như đá bóng, đá thắng 10 trận không sao, chỉ cần thua một trận là có thể làm khán giả buồn rồi. Vả lại tôi cũng có lời mời vào miền Nam, nhưng phim thì dài tới hàng chục tập, tôi lại không thể đi xa con lâu đến vậy nên cũng không dám nhận lời. Hiện giờ tôi không còn nhiều hứng thú với phim ảnh như ngày xưa, bởi không đóng phim thì tôi vẫn có nhiều việc để làm. Tuy nhiên, nếu có kịch bản hay và hấp dẫn thì tôi vẫn sẽ nhận lời.

- Từng kinh qua cả vai trò diễn viên lẫn đạo diễn, anh nhìn nhận thế nào về việc làm phim truyền hình hiện nay?

- Công nghệ làm phim truyền hình bây giờ khác xưa nhiều lắm. Các bạn trẻ bây giờ rất năng động, bắt kịp thời đại, cập nhật các xu hướng của thế giới và nắm bắt tâm lý khán giả rất kỹ. Tốc độ làm phim cũng nhanh hơn nhiều so với trước. Tuy nhiên, cái thiếu là thiếu những kịch bản đúng nghĩa. Ngày xưa, các tác giả phải mất 3 năm mới ra được 1 kịch bản, khác với các bạn trẻ bây giờ, 3 ngày ra 1 tập. Có lẽ vì “làm nhanh, ăn vội” nên nhiều phim lời thoại khá dễ dãi, không có sự trau chuốt. Tôi thì lại không thích chứng kiến diễn viên nói những điều sáo rỗng hoặc mô phạm. Phim ảnh xét cho cùng, là sự tái hiện cuộc sống một cách có chọn lọc. Anh không thể thoát khỏi cuộc sống mà thành công được, có chăng chỉ là sự hiệu ứng trong giây lát.

- Vậy bây giờ, một vai diễn như thế nào sẽ lôi kéo được anh trở lại với màn ảnh?

- Tôi không quan trọng vai diễn, thậm chí cũng không quan trọng chính hay phụ, nhưng vấn đề đầu tiên phải là kịch bản. Kịch bản phim phải để khán giả bị hút vào, thích thú, sau đó mới đến chuyện vai nọ, vai kia. Tôi không đòi hỏi vai phải hay, phải thế này thế khác, mình được đóng góp cho một tác phẩm tốt đã là điều sung sướng rồi. Còn để nói về ước ao, tôi mong muốn được trải nghiệm một vai phản diện chất lượng. Người xấu mà xăm trổ, “hổ báo” là chuyện quá bình thường. Những kẻ gương mặt lương thiện, nhưng toan tính mưu mô mới thật sự thâm độc. Phim nước ngoài thường xây dựng rất nhiều mô típ nhân vật kiểu như vậy. Tôi cũng “thèm” được đóng một vai như thế.

- Cả cuộc đời làm nghệ thuật, nhìn lại những gì mình đang có, anh có bao giờ thấy thiệt thòi so với đồng nghiệp cùng trang lứa?

- Tôi cũng cảm thấy thua thiệt so với những gì mình làm, thật lòng đấy! Bởi tôi cho rằng, những gì mình làm ít nhiều đã ghi dấu ấn được với khán giả so với người khác. Nhưng tất cả là số phận, càng già tôi càng nghĩ, kể cả chuyện con cái, hôn nhân hay sự nghiệp, đều là sự sắp đặt của định mệnh. Định mệnh đã đưa cho tôi một con đường như thế, quan trọng là tôi đi thế nào. Tôi buông xuôi, bỏ cuộc hay cố gắng thay đổi để nó tốt hơn - đó là sự lựa chọn.

Vợ chồng có thể chia tay, nhưng con cái thì không bỏ được

- Nói một chút về Bôm - cậu con trai đặc biệt của anh, hình như đến giờ Bôm vẫn toàn gọi bố là “anh”?

- Bôm toàn gọi thế để trêu tôi đấy (cười). Cháu là đứa trẻ tình cảm, thân thiện và đáng yêu. Nghe Bôm gọi bố là “anh” bao năm nay, tôi cũng quen rồi. Con vui vẻ, hồn nhiên nên dù phải đối mặt với khó khăn đến mấy tôi cũng cảm thấy nhẹ lòng.

- Hiện tại sức khỏe của con trai anh thế nào rồi?

- Tôi rất hạnh phúc vì hiện tại Bôm đã tìm được niềm đam mê với piano, thành tích ổn định. Tôi luôn nhắc nhở con rằng, phải quyết liệt trong nghệ thuật, phải cố gắng bằng 5 bằng 10 các bạn. Bôm rất tự giác, càng ngày con cũng càng ý thức và nỗ lực hơn trong học hành lẫn cuộc sống. Trước kia Bôm rất thích đi chơi cùng bố, cứ khi nào tôi ra ngoài gặp bạn bè là cậu ta lại muốn đi cùng. Nhưng bây giờ thì không, Bôm nói, con ở nhà học. Đôi khi tôi vẫn phải lôi Bôm đi để tách con ra khỏi đàn, hòa nhập với thế giới bên ngoài. Trước mắt, tôi sẽ đồng hành cùng con học 7 năm hệ Trung cấp Jazz piano.

- Nhiều năm qua, anh luôn đồng hành và chăm sóc con trai như một người bạn lớn. Nghĩa là, anh cũng phải cập nhật rất nhiều kiến thức để chăm con theo một chế độ riêng?

- Lúc Bôm mắc bệnh, mọi thứ còn quá mới mẻ, bác sĩ tại Việt Nam khi ấy còn không biết là bệnh gì. Có lần đưa Bôm sang Australia điều trị, tôi gặp 8 bạn bị bệnh giống như vậy. So với những đứa trẻ đó, Bôm là người nhẹ nhất. Bố mẹ của các bạn đó đều cầm trên tay một sấp tài liệu. Nhìn thấy tôi, họ hỏi: “Ông đã có những thứ này chưa? Nếu chưa, tôi tặng ông một bộ”. Từ đó, tôi có những kiến thức đầu tiên để trang bị cho mình. Bây giờ, Bôm đi đâu tôi cũng đều mang thức ăn riêng cho con. Mỗi ngày Bôm ăn 3 bữa, buổi sáng ăn thịt, chiều ăn hải sản xay cùng rau, củ, cháo. Vợ chồng tôi đều tự nấu nướng, chế biến, bởi nếu gọi ở ngoài không thể hợp với khẩu phần và chế độ ăn con đang theo đuổi.

- Thay vì dành thời gian cho công việc và sự nghiệp, anh lại chọn dành phần lớn thời gian để ở bên chăm sóc con. Có bao giờ anh cảm thấy tiếc nuối về điều đó?

- Nhiều người rơi vào hoàn cảnh như tôi lắm, nhưng họ không phải nghệ sĩ nên không được nhiều người biết đến thôi. Tôi quan niệm, vợ chồng có thể chia tay nhau, nhưng con cái thì không bỏ được, nó còn quá bé nhỏ để phải gánh chịu mọi bất hạnh. Vả lại, mình sinh con ra thì phải có trách nhiệm, nên dành thời gian cho nó. Tôi đánh giá rất cao những ông bố, bà mẹ dành thời gian gắn bó với con và không đồng tình với những người biện minh lao vào công việc để lo cho con. Tôi vẫn nghĩ, với con cái mà không tử tế, tận tình thì không thể nào đối xử tốt với người xung quanh được.

- Thời gian vừa qua, ảnh hưởng của dịch Covid-19 với nhiều đợt giãn cách kéo dài có gây trở ngại gì cho việc chữa bệnh của Bôm?

- Do dịch kéo dài, các bác sĩ ở Anh - những người đã theo dõi sức khỏe Bôm từ nhiều ca phẫu thuật trước - chưa thể sang Việt Nam để trồng lại răng, tách các khớp ngón tay cho con. Trường hợp của Bôm rất đặc biệt nên chỉ những bác sĩ biết về kết cấu hàm của Bôm mới có thể làm được. Hiện tại Bôm đã phải nhổ hết răng hàm trên, chỉ còn 3 chiếc răng cửa, ăn được cháo, thức ăn nhuyễn.

- Có thể hiểu, ngày xưa, anh là niềm vui và chỗ dựa của Bôm, còn bây giờ, Bôm lại là niềm vui của anh?

- Đúng thế, Bôm cứ hồn nhiên, vui vẻ, điều đó cũng an ủi mình hơn. Bôm là niềm vui và nguồn sống của tôi. Nói thế thôi, mỗi ca mổ đều có những rủi ro nhất định. Và thực tế là đã có lần Bôm suýt chết khi có phản ứng với một loại thuốc. Vào phòng phẫu thuật, con mình đau đớn đã đành, nhưng ca mổ liệu có thành công không, ai từng đứng chờ phía ngoài mới hiểu được cảm giác kinh khủng đó.

- Cảm ơn anh về những chia sẻ!