NSƯT Chí Trung: Không có chuyện “bão hòa” trong làng hài

ANTĐ - Cho rằng khán giả vẫn dành rất nhiều tình yêu cho hài kịch, NSƯT Chí Trung khẳng định, không có chuyện “bão hoà” trong làng hài, vấn đề là có dám nghĩ, dám làm hay không thôi.

Trong lúc hài kịch đang rơi vào thoái trào, nhiều đơn vị nghệ thuật chuyển hướng sang những vở chính kịch kinh điển, hay kinh dị thì đầu tàu của sân khấu miền Bắc - Nhà hát Tuổi Trẻ vẫn dũng cảm thử nghiệm một chùm hài kịch mới: “Nụ cười chiến sĩ”. Chương trình là món quà các nghệ sĩ gửi tặng những người lính QĐND Việt Nam và đây cũng được coi là một hướng đi mới của Nhà hát trong việc “chọc cười” khán giả. PV đã có cuộc phỏng vấn NSƯT Chí Trung, đạo diễn chương trình xung quanh vấn đề này.

- Xin chào NSƯT Chí Trung. Nhiều ý kiến cho rằng hài kịch đã bão hòa và đang đi vào thoái trào, anh nhận xét gì về điều này?

Tạm gọi hài kịch như là hàng phở, hang miến, hàng bún ngan buổi sáng, đó là món ăn không thể thiếu trong đời sống hàng ngày, thì những hàng phở ngon, bún ngon vẫn đông khách và hàng không ngon vẫn vắng khách. Do đó nếu ngon là có người ăn, vấn đề là anh làm có ngon hay không thôi. Tôi chỉ nghĩ là hãy bắt tay vào làm, bởi những người làm là những người hiểu thị hiếu khán giả đang cần gì. Là những người làm nghệ thuật, chúng tôi thấy mong muốn của khán giả vô cùng lắm. Có những khán giả gọi cho tôi và hỏi “Chí Trung ơi, bao giờ có vở mới”? Điều đó nói lên rằng, họ yêu hài kịch lắm, họ đợi vô cùng. Đấy là sự thật và tất cả những điều đó làm chúng tôi thấy rằng phải cố gắng hơn nữa.
 
- Công chúng vẫn rất mong chờ những tác phẩm hài kịch có chất lượng, tuy nhiên có một thực tế là hài kịch đang đi theo lối mòn, vậy theo anh, phải làm gì để khắc phục điều này?
Theo như cảm nhận của cá nhân tôi bây giờ một tiếng cười, một tác phẩm nghệ thuật, một sản phẩm văn hóa không còn có giá trị giống nhau và đồng nhất của mọi mong muốn được nữa. Trước kia chúng ta là thời bao cấp, trước nữa là thời kỳ cả nước hướng về một mục đích chung là giải phóng đất nước nhưng bây giờ giữa thời bình và trong thời buổi kinh tế thị trường như thế này thì mỗi người có một nhu cầu giải trí riêng. 
Do đó chúng tôi phân mong muốn, sở thích của từng cụm khán giả khác nhau để phục vụ sản phẩm văn hóa phù hợp. Vì như những vở kinh điển chúng ta không thể phục vụ đông đảo khản giả được mà chỉ có thể phục vụ một bộ phận khán giả. Do đó chúng tôi phải “khoanh vùng” đối tượng khán giả, cụ thể đợt này là lính cười, sau là sinh viên cười, văn phòng cười... Chúng tôi cũng rất biết khán giả mong muốn gì. Tuy nhiên biết là một chuyện và làm để cho khán giả thấy hay là chuyện khác, đó là một sự nỗ lực.

- Như vậy “Nụ cười chiến sĩ” có phải là tác phẩm mở màn cho kế hoạch phân vùng khán giả của Nhà hát?

Cũng có thể coi như vậy. Tháng 8 vừa rồi tôi được Đinh Tiến Dũng (hay gọi vui là giáo sư Cù Trọng Xoay) mời đưa chương trình hài kịch của Nhà hát Tuổi Trẻ phục vụ chiến sĩ ở đảo Trường Sa. Lúc đó chúng tôi không nhiều chương trình về người lính lắm, mà chỉ có các chương trình hài kịch “Đời cười”. Sau đó, chúng tôi bàn nhau tại sao không làm một chương trình về lính và chúng tôi có đặt giáo sư Cù Trọng Xoay biên tập và ra một chương trình gồm 6 vở kịch ngắn với tên gọi là “Nụ cười chiến sĩ”.
 
- Anh có thể chia sẻ một số nội dung của “Nụ cười chiến sĩ”?

“Nụ cười chiến sĩ” gồm 6 kịch ngắn thời lượng từ 15 đến 25 phút. Đầu tiên là nói về chuyện vui nơi doanh trại, đó là không khí tập luyện, không khí ở nơi thao trường. Vở thứ hai có tên “Quê nhà” nói về tâm tư nguyện vọng của người chiến sĩ, nhất là những lực lượng bộ đội chuyên nghiệp, bộ đội huấn luyện, họ đã phải dành cả tuổi xuân cho môi trường quân đội. Thứ ba là vở “Thư tình lính biển” nói về anh chiến sĩ hải đảo, qua những bức thư để đi tìm… một cô gái nhưng lại nhầm với một bà lão…

Tôi tin chắc rằng với những vở hài kịch chất lượng, được tập luyện chu đáo, có tính công dân, mang thông điệp nhất định thì người lính sẽ cảm thấy rằng là những mong muốn, những sở thích của mình đã được giới nghệ sĩ đánh giá và ghi nhận bằng những tác phẩm, được nhìn nhận trên một lăng kính nghệ thuật. Có thể có những cái đúng, những cái hay hơn cuộc sống của họ, hay cũng có những cái không bằng được cuộc sống kham khổ mà họ trải qua nhưng mà dẫu sao điều đó cũng là một sự sẻ chia với những người đang ngày đêm bảo vệ Tổ quốc.

- Được kỳ vọng là “món ăn mới”, khác lạ của hài kịch, vậy đặc sản của “Nụ cười chiến sĩ” là gì?

Tôi đọc ở đâu đó có một câu nói: Một giọt nước mắt rơi đúng lúc còn có tác dụng thanh lọc cơ thể hơn hàng vạn tiếng cười không đúng lúc. Chương trình của chúng tôi tên là “Nụ cười chiến sĩ” nhưng chỉ có 4 vở là hài kịch, còn 2 vở là chính kịch. Đó là màu sắc của chương trình. Nụ cười nhưng giọt lệ rưng rưng rơi. Cũng là cười nhưng chắc chắn là không giống như các chương trình “Đời cười” của chúng tôi. Tôi tin rằng chương trình sẽ hấp dẫn khán giả ở góc nhất định.