NSND Xuân Huyền: “Người gác đền cuối cùng”

ANTĐ - Nói lời chia tay với khán giả bằng một chương trình nghệ thuật kéo dài tới 5 đêm diễn trên khắp các nhà hát của Thủ đô, nhiều người nói NSND - Đạo diễn Xuân Huyền đang “chơi trội”. Nhưng có lẽ, với Xuân Huyền, tên tuổi đã “bóng” đến mức không cần phải “đánh bóng” thêm.

Vở kịch “Nhà có 3 chị em gái” được NSND Xuân Huyền dàn dựng


Kiên định với chất chính luận

Tên tuổi của NSND Xuân Huyền gắn liền với những vở kịch nổi như cồn một thời như “Lời thề thứ 9” hay “Hồn vọng phu”, “Ông không phải bố tôi”… Và đó cũng là những vở kịch đã làm nên thời hoàng kim của sân khấu phía Bắc. Những vở kịch chính luận thể hiện một dấu ấn cá nhân rõ nét của NSND Xuân Huyền. Thể loại kịch chính luận đã được ông tôn thờ, kiên định theo đuổi đến cùng. Chất chính luận như ngấm vào máu ông. Đến ngay cả một vở hài kịch, khi dựng, “vị tướng” của sân khấu kịch vẫn cứ “cài cắm” vào đó vào đó chất chính luận. Và cũng vì thế, mà tiếng cười ông mang đến cho khán giả ý nghĩa hơn, chiêm nghiệm hơn, cười mà ngẫm, mà nhớ.

Có lẽ bởi sự trung thành này mà Xuân Huyền được bạn bè đồng nghiệp và cả khán giả đã gọi ông là “Người gác đền cuối cùng của sân khấu kịch chính luận”. Trong tình cảnh sân khấu như hiện nay, nhiều đạo diễn đã buộc phải đổi thể loại kịch để chiều theo thị hiếu nhất thời của khán giả. Nhưng với ông thì không, vẫn cứ chung thủy như những ngày đầu. Thở dài khi nghĩ đến tình cảnh của sân khấu hiện tại. Ông bảo, lý do để người xem thờ ơ với sân khấu thì nhiều. Song, nguyên nhân chủ yếu của cái sự kém mặn nồng kia là không có vở diễn hay, những vấn đề bức xúc của xã hội chỉ được đề cập hời hợt, nông cạn mà không đi sâu phân tích, mổ xẻ đến chân tơ kẽ tóc.

Sự kết hợp hoàn hảo

Khi nói chuyện với ai đó về sân khấu, về sự nổi tiếng của mình, Xuân Huyền vẫn cứ nói, thực ra ông là người may mắn. Ông được sống cùng thời và được dàn dựng kịch của Lưu Quang Vũ. Sự kết hợp này đã đưa 2 tên tuổi Xuân Huyền và Lưu Quang Vũ đến với nhau, trở thành cặp bài trùng của sân khấu kịch miền Bắc khi ấy. Kịch bản nào của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ ra đời là có ngay bàn tay dàn dựng của Xuân Huyền. Chỉ trong khoảng 3 năm làm việc cùng nhau, 2 ông đã mang đến cho khán giả những vở diễn đề cập thẳng thắn những vấn đề của cuộc sống, đặc biệt là phê bình trực diện nạn tham nhũng, đề tài mà không nhiều nghệ sĩ khi đó muốn dấn thân. Những vở kịch có sức nặng về tính chiến đấu, xung đột kịch mãnh liệt của cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới cũng như mọi mặt của xã hội đã làm nức lòng người xem. Khán giả rời rạp hát ra về trong tâm thế thổn thức và đầy suy ngẫm.


Làm nghệ thuật bằng tâm và tài

Trong mắt các diễn viên, Xuân Huyền nổi tiếng là người nghiêm khắc và thẳng thắn, kỷ luật. Ông quan niệm: Người nghệ sỹ tuân thủ kỷ luật còn hơn trong quân đội, làm nghệ thuật không phải để ra oai mà phải bằng cái tâm và cái tài. Vì thế, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, người thầy Xuân Huyền đã rèn luyện cho các sinh viên tính kỷ luật khắt khe. Nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương - một học trò của NSND Xuân Huyền tại trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội vẫn nhớ mãi một lần 2 thầy trò gặp nhau trên sân trường vừa đi vừa nói chuyện rất vui vẻ. Nhưng khi bước vào lớp, thầy Huyền yêu cầu anh ra ngoài lớp. Bởi thầy đã vào lớp là không sinh viên nào được đến sau thầy. Đây có lẽ cũng là điều hiếm gặp tại nơi đào tạo các nghệ sỹ tương lai, những người vẫn được biết đến với sự phóng khoáng, không thích gò bó.

70 tuổi, sau bao năm lăn lộn với nghệ thuật, NSND Xuân Huyền khẳng định, làm nghệ thuật cần nhất năng khiếu, nếu không có điều này thì chỉ khổ khán giả và khổ người cùng cộng tác. Đến nay, Xuân Huyền đã dàn dựng được 300 vở ở nhiều loại hình nghệ thuật. Và để tôn vinh một trong những đạo diễn gạo cội của sân khấu Việt, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam sẽ tổ chức một chương trình giới thiệu lại những vở diễn của ông tại Hà Nội trong dịp cuối năm. Ông là người đầu tiên trong giới sân khấu giới thiệu cả một chuỗi chương trình với tên gọi “NSND Xuân Huyền - Mùa xuân và sân khấu Kịch Việt Nam”, giới thiệu 5 vở kịch nói tiêu biểu của ông gồm “Một cây làm chẳng nên non”, “Cái chết chẳng dễ dàng gì”, “Cát bụi”, “Nhà có 3 chị em”. Bắt đầu từ tối nay, ngày 6-1 vở “Tiếng chuông” (tác giả kịch bản Hữu Ước) sẽ khai màn tại Nhà hát Tuổi trẻ.