NSND Trọng Trinh: Hôm nay trời đẹp thế…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tiếng là về nghỉ hưu, nhưng thật ra NSND Trọng Trịnh chẳng chịu nghỉ làm. Anh vẫn bận bịu đi đây đi đó, lúc làm đạo diễn, khi thì tranh thủ làm diễn viên cho đỡ nhớ nghề. Nhắc đến chuyện phim ảnh, nam nghệ sĩ thừa nhận “cái mặt mình chẳng dọa được ai”, thế nên trong gia tài diễn xuất của anh tới giờ chưa thấy vai nào được xếp vào dạng vai ác cả.

Khủng hoảng tinh thần để lại “vết sẹo” rất lớn

- Phóng viên: Chào NSND Trọng Trinh, dường như sau khi về nghỉ hưu, khán giả thấy anh còn bận rộn hơn trước?

- NSND Trọng Trinh: Quả thực là vậy. Trước khi nghỉ hưu, tôi đã dành nhiều thời gian cho công việc đạo diễn. Sau khi nghỉ rồi, tôi quay lại với công việc diễn xuất, làm diễn viên và tự thấy mình có rất nhiều thay đổi. Tôi có thêm nhiều trải nghiệm để làm phong phú hơn quá trình hoạt động nghệ thuật của mình. Quan trọng là khi được sống với đam mê, tôi cảm thấy thoải mái và hứng khởi hơn.

- Sắp tới khán giả sẽ gặp lại anh trong bộ phim truyền hình “Lửa ấm”. Anh có thể tiết lộ đôi điều về sự trở lại lần này của mình không?

- “Lửa ấm” là bộ phim làm về đề tài phòng cháy chữa cháy và y tế. Nghe có vẻ khá khô khan, nặng về chuyên môn đấy (cười), có lẽ vì thế nên phim này làm trong thời gian rất dài và làm rất khó. Anh em phải bàn bạc rất kỹ làm thế nào để phim nói được nội dung mà vẫn thu hút, “mềm mại” với người xem. Khi bắt tay vào dàn dựng bộ phim này, đạo diễn Đào Duy Phúc ngỏ lời mời tôi vào vai một bác sĩ, một người thầy thuốc tận tâm, hết mình với công việc, quên cả hạnh phúc riêng của mình.

- Nghe nói, sau khi đọc kịch bản anh còn gặp đạo diễn để “đòi” thêm phân đoạn diễn cho nhân vật của mình thì phải?

- Đúng là như vậy. Lần đầu tiên tôi đóng một vai mà phải “lên bàn thờ” sớm như vậy, nhưng trước khi nhân vật của mình chết, tôi phải xin đạo diễn cho diễn thêm mấy phân đoạn nữa (cười). Nhân vật Văn mà tôi đóng có nội tâm hết sức phức tạp. Khi đọc kịch bản xong, tôi đi gặp anh Đào Duy Phúc và đề nghị đạo diễn bổ sung thêm một số phân đoạn, khi nhân vật gặp trầm cảm sẽ có biểu hiện gì, nội tâm ra sao. Những cái đấy mình cũng phải tìm hiểu thực tế. Vì tôi muốn làm cho nhân vật có đặc trưng riêng.

- Nhân vật bác sĩ Văn được xây dựng là một tuýp người có tính cách khá cứng nhắc, nguyên tắc. Những nét tính cách này có điểm gì giống với anh ở ngoài đời thật không?

- Ngoại trừ “điểm rơi” là đều trải qua quãng thời gian bị trầm cảm thì tôi và nhân vật không giống nhau chút nào về tính cách. Tôi là con người tự do, thoải mái, làm việc với tôi phải vui vẻ, đầy tiếng cười. Ngoài đời tôi cũng thuộc tuýp người phóng khoáng, thoải mái và dễ tính. Tôi rất dễ hòa đồng với lớp trẻ. Khi đi đóng phim với mọi người cứ cười suốt là bởi tôi sống rất trẻ trung. Những cái gì thuộc về nguyên tắc truyền thống mình phải giữ, còn những cái khác nếu không bắt buộc thì mình không nên cứng nhắc. Có lẽ là do môi trường công việc đã tạo nên tính cách tôi như thế. Phòng tôi quản lý khi còn làm việc ở VFC toàn con em của đồng nghiệp thôi.

- Anh vừa nhắc đến việc bản thân từng rơi vào trầm cảm, anh có thể chia sẻ thêm về quãng thời gian đó không?

- Chuyện cũng cách đây hơn 10 năm rồi. Chỉ xin được chia sẻ là lúc ấy tôi gần như không biết đi đâu về đâu. Khủng hoảng kinh tế thì còn hồi lại được, chứ khủng hoảng tinh thần để lại trong mình “vết sẹo” rất lớn. Nhưng lúc ấy bên cạnh mình còn có người thân, bạn bè…

- Vậy anh vượt qua quãng thời gian khó khăn đó bằng cách nào?

- Chính là cuộc điện thoại của con trai đầu gọi cho tôi, lúc ấy cháu đang đi du học. Con khóc và gọi điện xin bố gửi tiền đóng học phí, tiền ăn. Tôi sực tỉnh và nhận ra rằng, nếu mình buông, mình lỡ, mình chán nản thì con cái sẽ bị ảnh hưởng. Điều ấy thức tỉnh tôi, bắt buộc tôi phải trở lại với công việc. Trước đó, dù có làm nhưng tôi không tập trung, không để tâm, rồi tối không ngủ được. Tôi phải xốc lại tinh thần, là chỗ dựa cho các con. Thế nên tôi mới nói, để vượt qua trầm cảm, phải có gì đó trong sâu thẳm mới đủ sức kéo họ lên được.

Tôi bản lĩnh nhưng không mạnh mẽ

- Vậy cuộc sống hiện giờ của anh thế nào khi trải qua biến cố hôn nhân?

- Vợ tôi hiện tại là người phụ nữ rất tận tụy, chăm sóc sức khỏe của tôi từng chút một. Cô ấy lo cả chuyện tôi đi đứng ra sao, sáng sáng nên ăn gì. Không chỉ khuyên bảo, cô ấy còn chuẩn bị sẵn đồ để tôi mang theo khi đi làm phim. Đã từ rất lâu rồi tôi mới có cảm giác được quan tâm như vậy. Tôi rất bản lĩnh nhưng thật ra không được mạnh mẽ lắm, thậm chí hơi có chút yếu đuối. Cứ nghe cô ấy mãi rồi tôi cũng mềm lòng và yêu lúc nào không biết.

- Bắt đầu một cuộc hôn nhân mới ở cái tuổi không còn trẻ có lẽ cũng là một trải nghiệm thú vị?

- Buồn cười lắm, nhiều hôm trời cũng bình thường, thậm chí mây mù xám xịt, nhưng tôi cũng có thể thốt lên: “Hôm nay trời đẹp thế”. Có lẽ là đẹp từ bên trong (cười). Thực ra tôi không cố tình nói thế mà cứ buột miệng ra như vậy. Lúc đó, mọi lời nói đều theo cảm xúc. Nhiều khi ngẫm lại, tôi lại thấy buồn cười vì không hiểu sao hồi đó mình lăng nhăng thế, hứng lên thì cũng tán ra trò.

- Khi quyết định đến với nhau, anh giới thiệu bạn gái với các con như thế nào?

- Tôi không biết nếu mình có con gái thì sẽ khó xử ra sao, nhưng với 2 con trai thì mọi chuyện diễn ra rất bình thường. Hôm đó tôi dẫn cô ấy về và giới thiệu với các con: “Đây là cô Phương”. Biết cô là bạn của bố và sẽ trở thành vợ của bố, chúng càng thêm quý mến. Dù chỉ chênh nhau hơn chục tuổi nhưng bà xã và các con tôi rất hòa hợp. Trước đó, các con thấy tôi đi làm nhiều quá mà chỉ có một mình nên cũng rất lo lắng. Tôi cảm thấy rất may mắn vì sau khi bà xã về sống cùng, mọi thứ trong gia đình mình đều rất thuận.

- Khác biệt về tuổi tác, anh và bà xã dung hòa như thế nào khi về chung một nhà?

- Tính cách chúng tôi trái ngược nhau. Tôi là người ít nói, còn cô ấy nói nhiều. Tôi mềm mại bao nhiêu thì cô ấy nóng tính bấy nhiêu. Đôi khi cô ấy gắt lên hỏi tôi: “Sao anh không nói, lúc nào cũng im im như thế?”, thì tôi chỉ biết trả lời: “Anh không nói được”. Tôi coi sự khác biệt giữa 2 vợ chồng như quy luật bù trừ của tạo hóa và chấp nhận điều đó. Là người đã đến giai đoạn “đằm” lại và ít nói hơn, tôi luôn luôn lắng nghe. Khi có tranh cãi, tôi không bao giờ mang những trải nghiệm của người hơn tuổi ra để khăng khăng mình đúng.

Tôi là người không thể nói những điều dối lòng mình. Kể cả khi khen một người phụ nữ xinh hơn so với thực tế, tôi cũng cảm thấy gai người. Tôi chỉ có thể nói “em không đẹp lắm, nhưng có duyên”. Nhiều khi người ta bảo tôi thật quá. Có người lại khuyên, đôi khi với phụ nữ tôi nên “uốn lưỡi” một chút để làm người ta vui, nhưng tôi không làm được. Bà xã từng nhiều lần giận dỗi vì tôi nói quá thật. Tôi thừa nhận đó là một cái dở.

- Ngoài cái đó ra, anh có phải thường xuyên “xuống nước” với vợ vì cô ấy trẻ hơn mình rất nhiều?

- Bên ngoài, nhiều người lấy vợ trẻ thì phải chiều, nhưng tôi chỉ chiều vợ tôi ở một mức độ nhất định thôi. Cái gì cảm thấy có thể chiều được thì chiều chứ không phải chiều trong mọi cái. Đó là cá tính của tôi chứ không phải vì tôi “cứng đầu” (cười).

- Cảm ơn NSND Trọng Trinh!

Đạo diễn Trọng Trinh sinh năm 1957, từng được nhiều người biết đến trong vai trò diễn viên qua các phim “Săn bắt cướp”, “Gió qua miền tối sáng”... Từ năm 1997, anh chuyển hướng sang công việc đạo diễn với hàng loạt phim thành công như “Sân tranh”, “Sang sông”, “Ban mai xanh”, “Cầu vồng tình yêu”, “Tình yêu không hẹn trước”, “Zippo, mù tạt và em”, “Cả một đời ân oán”... Sau đổ vỡ hôn nhân, tháng 1-2011, đạo diễn Trọng Trinh tái hôn. Bà xã của anh sinh năm 1973, tên Lan Phương, quê ở Đà Nẵng. Sau đám cưới, Lan Phương theo chồng ra Hà Nội và là hậu phương cho anh theo đuổi đam mê làm phim. Mới đây nhất, anh sẽ tái ngộ khán giả qua bộ phim “Lửa ấm”.