NSND Trịnh Thịnh qua đời: Tắt một tiếng cười

ANTĐ - Vậy là, người nghệ sĩ ấy đã trở về với đất mẹ sau bao nhiêu năm cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà. Cả cuộc đời mấy chục năm hoạt động nghệ thuật, ông để lại rất nhiều vai diễn mà khán giả không thể nào quên. 

Không chỉ nhớ đến ông qua gương mặt rất riêng, khán giả còn nhớ đến Trịnh Thịnh qua giọng nói trầm ấm, cùng rất nhiều vai diễn của ông từ thời kỳ đầu điện ảnh Việt.

Chuyến đi dài và vĩnh cửu này của NSND Trịnh Thịnh vốn được báo trước từ rất nhiều năm. Ông đau ốm liên miên và lại toàn bạo bệnh. Năm 2007, ông đã phải vào viện cắt bỏ túi mật. Năm 2010, ông bị ngã và gãy xương đùi. Năm 2012, ông bị nhồi máu cơ tim rồi nằm liệt giường từ đó. Hai năm không đi lại được, dù được vợ và các con tận tình chăm sóc nhưng sức khỏe của NSND ngày càng yếu đi. Và rồi, sáng 12-4, cái ngày không ai mong muốn ấy đã đến. Ông đã về với đất mẹ ở tuổi 88. Sự ra đi của ông không chỉ là nỗi buồn cho gia đình mà còn để lại niềm tiếc thương vô hạn cho những người yêu phim Việt. Nhìn lại chặng đường ông đã đi, những gì ông đã cống hiến cho nền điện ảnh nước nhà, khán giả càng cảm nhận rõ hơn về sự mất mát đó.

NSND Trịnh Thịnh tên thật là Trịnh Văn Thịnh, sinh năm 1926 tại Hà Nội. Ngay từ nhỏ, ông đã có niềm đam mê đặc biệt với điện ảnh. Tuy nhiên, phải đến năm 1956, Trịnh Thịnh mới bước chân vào lĩnh vực yêu thích khi trúng tuyển cuộc thi diễn viên lồng tiếng cho một hãng phim. Chính bộ phim đầu tiên của điện ảnh Cách mạng Việt Nam – “Chung một dòng sông”, với phần đóng góp của ông (dù không đảm nhận vai chính, chưa qua trường lớp đào tạo bài bản nào cũng được đánh giá khá cao) đã trở thành chiếc cầu, đưa ông bước vào với nghệ thuật thứ Bảy. Cũng từ đây, tên tuổi của người diễn viên tài hoa đã để lại những dấu ấn vô cùng đậm nét trong lòng nhiều thế hệ khán giả.

Hơn 40 năm theo nghề, NSND Trịnh Thịnh đã thủ vai chính trong rất nhiều phim ở các thể loại nhân vật khác nhau như bi, hài, tâm lý xã hội. Ông từng vào vai ông nội Bờm trong phim “Thằng Bờm”, ông Củng trong “Vợ chồng anh Lực”, người cha trong “Lá ngọc cành vàng”, lão thuyền chài trong “Lời nguyền một dòng sông”, ông chủ tịch huyện trong “Thị trấn yên tĩnh”...

Dù không phải là diễn viên được đào tạo bài bản nhưng diễn xuất của NSND Trịnh Thịnh luôn để lại ấn tượng mạnh mẽ với người xem. Ông say nghề, sống với nhân vật thật sự chứ không chỉ cố gắng làm sao cho giống nhất. “Nghề diễn viên không phải nghề bắt chước, không phải nghề diễn cho đúng với nhân vật mà phải hóa thân vào nhân vật bằng cả tâm hồn, tình cảm chân thực nhất của mình. Không được giả dối với cả chính nhân vật mình đang đóng. Theo tôi, đó là bản lĩnh đầu tiên cần có ở một người diễn viên”, ông từng chia sẻ.

Với vẻ bề ngoài và tính cách của mình, NSND Trịnh Thịnh thường được các đạo diễn gửi gắm vào những vai các cụ già nông dân hoặc những nhân vật mang đậm dấu ấn của nông thôn Việt Nam hiền hậu, mộc mạc. Dù đóng vai chính hay phụ, chính diện hay phản diện, dù ở thời điểm nào, ông đều được ghi nhận là một nghệ sĩ lao động nghiêm túc, đầy cống hiến, hết mình vì công việc. Ở những vai diễn hài, ông cũng khá thành công nhưng cái hài trong ông thường sâu sắc, thâm thúy, khai thác triệt để đời sống tâm lý nhân vật chứ không phải là cách khai thác tiếng cười tự nhiên chủ nghĩa, rẻ tiền.

Nghệ sĩ Trịnh Thịnh về nghỉ chế độ năm 1989. Năm 1997, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Năm 2002, ông tham gia bộ phim cuối cùng “Tết này ai đến xông nhà” của đạo diễn Trần Lực. Kể từ đó, sức khỏe của ông yếu dần và thường xuyên phải nhập viện trong sự lo lắng của những người thân trong gia đình.

Tang lễ nghệ sỹ Trịnh Thịnh sẽ được cử hành hồi 14 giờ 45 phút thứ ba, ngày 15-4 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.