NSND Lê Khanh: Day dứt nếu kịch dựng xong không bán được vé

ANTD.VN - Vở kịch nói “Sau lưng là cả bầu trời” vừa ra mắt tại Hà Nội đánh dấu sự trở lại của NSND Lê Khanh trong vai trò đạo diễn. Dù đã kinh qua vai trò đạo diễn và ít nhiều gặt hái được thành công, nhưng Lê Khanh rất ngại xuất hiện trong vai “bà đỡ”. Bởi đơn giản, dựng kịch mà không bán được vé thì buồn lắm.

NSND Lê Khanh: Day dứt nếu kịch dựng xong không bán được vé ảnh 1

Làm mới một kịch bản cũ

Đọc kịch bản “Sau lưng là cả bầu trời” của tác giả Lê Thu Hạnh cách đây 2 năm, NSND Lê Khanh bị thuyết phục ngay, bởi chủ đề xúc động và có ý nghĩa. Nhưng phải mất tới 2 năm sau Lê Khanh mới dựng vở  không phải chị không tìm được lối thể hiện của riêng mình, mà điều quan trọng hơn là phù hợp với thị hiếu khán giả ngày nay. Nếu chỉ làm một dòng nghệ thuật thuần túy thì số đông khán giả không thích và kịch dựng ra không bán được vé . Nhưng với “Sau lưng là cả bầu trời” đã khiến Lê Khanh nghĩ khác, sự trải nghiệm của chị với cuộc sống đã cho Lê Khanh thấy, mọi diễn biến của đời sống xã hội đều có trong kịch bản. Đó thực sự là một tác phẩm hay và chị cần làm mới nó.

Đây là kịch bản đã cũ và đương nhiên để làm mới nó hẳn là phải mất nhiều chất xám. Nếu lại sử dụng lối kể thông thường trên sân khấu thì cái cũ tăng lên gấp bội. Hơn thế, từ lâu, Lê Khanh luôn mong muốn sẽ dàn dựng một tác phẩm mà các thành tố tham gia vào xây dựng vở như ánh sáng, thiết kế, âm nhạc, biên đạo múa sẽ độc lập với diễn viên mà không dừng lại ở yếu tố minh họa. Chính vì thế  “Sau lưng là cả bầu trời” đã có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi như NSND Kiều Lê trong vai trò biên đạo múa, nhạc sỹ Giáng Son phụ trách âm nhạc, họa sỹ Doãn Bằng thiết kế sân khấu, đạo diễn Phạm Việt Thanh làm hình ảnh…

NSND Lê Khanh: Day dứt nếu kịch dựng xong không bán được vé ảnh 2Những người phụ nữ được sống với chính mình-Cái kết hướng đến tương lai của vở diễn

Hiệu ứng điện ảnh tinh tế

“Sau lưng là cả bầu trời” là câu chuyện về 4 người phụ nữ cùng sống trong một mái nhà nhưng luôn đóng cửa. Ở vở diễn này, điều ám ảnh người xem nhất chính là quá khứ của các thành viên trong gia đình. Và để giải quyết điều này, NSND Lê Khanh đã sử dụng hiệu ứng của điện ảnh một cách tinh tế. Bởi nếu màu trên màn hình không tối giản sẽ ảnh hưởng tới diễn xuất của diễn viên, khán giả sẽ chỉ tập trung vào hình chiếu mà quên mất mình đang đi xem kịch. Do vậy, màu được sử dụng ở đây chỉ là màu xanh cho ban đêm và màu vàng cho ban ngày. Và các cảnh quay đều tĩnh, chỉ có cảnh kết của vở kịch là sử dụng hình ảnh đang trôi. 

NSND Lê Khanh: Day dứt nếu kịch dựng xong không bán được vé ảnh 3Hiệu ứng điện ảnh được sử dụng tinh tế trong vở diễn

Mấy chục năm trong nghề diễn đã cho NSND Lê Khanh kinh nghiệm trong sử dụng lời thoại. Lời thoại ngắn và tự nhiên như cuộc sống sẽ hấp dẫn người xem hơn bất kể những câu nói rườm rà và sáo rỗng. Chính vì vậy, “Sau lưng là cả bầu trời” cũng hạn chế thấp nhất lời nói. Thay vào đó là các động tác về hình thể để rút ngắn thời lượng của vở diễn. Với 90 phút, vở kịch đã chuyển tải đầy đủ thông điệp: “Mỗi người đều có một quá khứ nhưng đừng để quá khứ đánh cắp đi cuộc sống của mình” và mang đến cảm giác nhẹ nhõm cho người xem, dù đây là một tác phẩm tâm lý xã hội. 

Đặc biệt, với cái kết của tác phẩm, NSND Lê Khanh đã bảo vệ chính kiến tới cùng trước các quan điểm trái chiều. Chị luôn mong, những người phụ nữ có đủ mạnh mẽ để vượt qua quá khứ, hướng tới tương lai bằng niềm lạc quan và hy vọng.  Đạo diễn Phạm Việt Thanh tâm sự, anh đã nhiều lần xúi vợ nên làm cái kết dữ dội và khốc liệt hơn khi đẩy nhân vật tới cái chết, vừa ám ảnh người xem vừa đúng trong thực tế. Nhưng anh biết, chị không bao giờ làm như vậy bởi “Khanh luôn hướng thiện”. Sau đêm diễn ra mắt, vở kịch “Sau lưng là cả bầu trời” sẽ tiếp tục được chỉnh sửa để có được hình thức thể hiện hấp dẫn nhất và sẽ lên danh mục biểu diễn định kỳ của Nhà hát Tuổi trẻ.