NSND Hoàng Cúc: Hãy sống yêu thương và đừng tham ác

ANTĐ - Một cái tên “nam châm” với sân khấu và cả đời thường luôn khiến tôi trân trọng NSND Hoàng Cúc. Chị là Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội từ 2001 đến hè 2012. Hoàng Cúc, nhan sắc đẹp quý phái và lối diễn xuất thần đã vào tâm trí các thế hệ khán giả, đã lưu ảnh nơi tâm hồn tôi từ thơ bé, lại càng khiến tôi yêu mến bởi cách sống trong đời thường.

Lo cho đám cưới con trai xuân 2011 xong, NSND Hoàng Cúc mới phát hiện mình bạo bệnh. Hành trình thử thách bắt đầu. Hoàng Cúc phải sang Bệnh viện Ung bướu Quảng Châu điều trị 3 đợt. Và bà vẫn trở lại sân khấu, đẹp và đầy sức hút, chinh phục khán giả tinh hoa, khi thể hiện bằng độc thoại kịch nói tùy bút “Cánh đồng cứu rỗi” của Vi Thùy Linh tối 11-12-2012, đêm Bay cùng ViLi tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Hoàng Cúc không kêu ca, hoảng hốt, bi quan, mà sống rất tích cực, bản lĩnh; đến các rạp, nhà hát nhiều hơn người đang làm nghề mà phần nhiều ít đọc, lười xem.

Hoàng Cúc - “bà hoàng” sân khấu kịch Hà Nội một thời, đã đóng nhiều phim nhựa, truyền hình, chụp ảnh lịch, vẫn tỏa ra sức quyến rũ người đối thoại bởi ánh sáng tâm hồn, sự hiểu biết sâu sắc và mới mẻ về cuộc sống, nghệ thuật. 

- Thưa NSND Hoàng Cúc, dư âm Liên hoan kịch Lưu Quang Vũ chưa hết, tôi lại nhớ đến Hoàng Cúc của Tôi và chúng ta.

- Vở diễn đánh dấu những mốc son tự hào. Năm 1985, đạo diễn Hoàng Quân Tạo dựng vở này dự thi Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại TP Hồ Chí Minh. Kịch Hà Nội thắng lợi rôm rả, Huy chương Vàng cho vở và các diễn viên chính. Đoàn Kịch Hà Nội diễn một ngày 3 suất, mấy tháng ròng ở Sài Gòn và phương Nam, gây tiếng vang lớn. Vai cô công nhân Thanh dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực, là “chứng chỉ” vào nghề của tôi - HCV đầu tiên trong sự nghiệp. 

- Và sau này chị còn tham gia các vở nào từ kịch bản Lưu Quang Vũ?

- Năm 1987 là “Khoảnh khắc và vô tận”, tiếp là “Tôi và chúng ta”. Sau đó là “Quyền được hưởng hạnh phúc” đều do đạo diễn Hoàng Quân Tạo dựng.

- Sau 25 năm Lưu Quang Vũ ra đi, bao người vẫn tiếc ông! Còn chị?

- Mất Lưu Quang Vũ, nghệ sĩ sân khấu tiếc thương. Nhà hát tôi là đơn vị nghệ thuật dựng và dựng lại thành công các vở của Lưu Quang Vũ như cách trân trọng một tài năng hiếm có, Nhà hát Kịch Hà Nội cũng chỉ là một bờ nhánh vỗ về trong sóng biển ấy. Ông là tác giả khiến người ta phải biết ơn và khát khao.

- Và rất đông khán giả đã ước ao, giá còn Lưu Quang Vũ đến giờ, giá lúc này có ai được một nửa Lưu Quang Vũ xuất hiện, sẽ cứu vãn được tình trạng sân khấu suy giảm khán giả hiện nay?

- Tỉnh táo đi khi đặt câu hỏi thế này! Hãy tách ra: tác giả, đạo diễn, nhà quản lý. Hãy nhìn công đoạn sản xuất mỗi vở và coi như hàng hoá. Tôi đã xem sân khấu tư nhân Hoàng Thái Thanh (của nghệ sĩ Ái Như Thành Hội) hồi tháng 4 và kịch IDECAF (Công ty của Thành Lộc) tháng 9 này tại TP Hồ Chí Minh, cập nhật cách làm sân khấu trong ấy. Dân văn nghệ ngoài Bắc hay chê kịch Sài Gòn, lối chê ấy là bảo thủ, quá tự tin và có thể ngộ nhận. Nhìn vào sân khấu phía Nam, chứng kiến, tìm hiểu đi, kịch Bắc phải học nhiều Thành Lộc diễn suất nào cũng hết vé.

- Chị có thể cắt nghĩa rõ hơn: sức hút của kịch Lưu Quang Vũ đợt Liên hoan mới đây, có thể là “chìa khóa” giải quyết tình trạng bế tắc?

- Bất cứ một vở diễn nào, khi động chạm đến cơm áo gạo tiền, tâm tư tình cảm của con người với các mối quan hệ phức tạp của đời sống chính trị, xã hội liên quan đến quyền lợi của khán giả, họ sẽ kéo đến xem. “Tôi và chúng ta”, “Ông không phải bố tôi” ăn khách đến giờ vì nó phản ánh trực diện đến đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân. Họ có những mất mát, vật lộn, ức chế cần được giải tỏa. Sân khấu phía Bắc mấy năm qua không cập thời, không có những vở phản ánh thời đương đại. Nó quá “no đủ”, do hầu hết được bao cấp. Vậy thì phải cạnh tranh. Cần coi những vở diễn là hàng hóa. Cần thiết thực, trực diện, mạnh mẽ hơn.

- Còn chị, người đã có 30 năm làm sân khấu, chị chờ vai diễn nào?

- Tôi đã xong sứ mệnh, quyền và nghĩa vụ của một nghệ sĩ thực thụ. Chờ vai? Cuộc đời tôi không nói từ “chờ đợi”.

- Chị bằng lòng với mình chứ?

- Tôi bằng lòng với những gì đã làm. Cuộc sống bộn bề một tỉ thứ việc, phức tạp hơn nhiều vai diễn trên sân khấu. Về hưu, tôi muốn dành thời gian chủ yếu cho con, cháu. Niềm hạnh phúc với gia đình, bạn tốt thật quý giá. Đấy là thứ hạnh phúc văn minh tự nguyện chứ không phải ép, bủa vây nhau bằng thâm niên, trách nhiệm. Thành ngữ dạy: “Khôn không đến trẻ, khỏe không đến già”. Các con tôi còn non nớt, tôi phải chỉ dạy. Rồi khi tôi già yếu, các con sẽ làm hộ phần tôi.Tôi chỉ muốn làm tròn vai mẹ, vai bà nội.

- Chị “gác kiếm” thật ư? Vậy vai diễn thế nào kéo chị trở lại được sân khấu?

- Tất nhiên, nếu có vai thật hay của phim kịch, tôi sẽ nhận lời. Sức khỏe yếu đi, lực bất tòng tâm thì ham hố làm gì.

- Con của chị có ảnh hưởng gen nghệ thuật của mẹ không?

- Con trai tôi Hoàng Linh (Mầm) mới 1 tháng rưỡi, tôi đã ôm nó đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, nơi Mầm ra đời, để đóng phim. Mẹ diễn, các cô y tá trông nom hộ, xong vài cảnh lại vào cho con bú. Mầm 3 tuổi đã tự biết xúc cơm ăn. Tôi hướng cho con đọc nhiều sách và đầu tư cho Mầm du học Bắc Kinh, đại học Ngôn ngữ và Báo chí truyền hình, học 7 năm, nhận 2 bằng khá, giỏi.

- Bị bệnh hiểm nghèo, chị vẫn lạc quan, chị bản lĩnh thế ư?

- Ai chả sợ chết nhưng ai mà chẳng phải chết, vậy sợ và không sợ bằng không. Tôi phải sống khoa học, ăn kiêng để giữ sức chống chọi bệnh tật. Trước kia, tôi đến trung tâm tập Aerobic, giờ thì đêm nghe băng giảng kinh hoặc ngồi thiền trước lúc ngủ, sáng tập yoga một tiếng. Tôi tự đọc sách, tra google, tìm hiểu về các cách chữa bệnh cho mình và con cháu. Còn tập luyện, tôi tin huấn luyện viên. Tôi mời thầy về dạy yoga đấy. Ăn thanh đạm, sạch hơn, giữ gìn môi trường thiên nhiên, sống hiền hòa. Chúng ta cần yêu thương đồng  loại của mình hơn, hãy yêu thương như yêu lần đầu và biết tha thứ. Đừng tham ác, nặng lòng tranh giành, đố kị.

- Và chị tự lái Mercedes đi làm từ thiện?

- Làm nhiều năm, âm thầm rủ bạn bè và các con tham gia. Tôi tín ngưỡng Phật giáo, tôi tin vào luật nhân - quả.

- Vì đọc nhiều, xem nhiều mà chị có sự hiểu biết về những ý tưởng sống hay sâu sắc?

- Đời thường cũng cần sống hiểu biết, huống hồ nghệ sĩ. Tôi chăm đi xem nghệ thuật, vì đó là cách thanh lọc tâm hồn, cho chúng ta đẹp hơn, tử tế hơn. Đọc nhiều, biết suy nghĩ, người ta sẽ thấy cần sống chậm. Thu nạp, phân giải, giải mã thông tin, cuộc sống là thế. Cần đọc sách 1 tiếng/ngày. Đó là con người văn minh. 

 - Nhưng cuộc sống hiện tại nhiều mối lo và người ta rất bận rộn.

- Đừng nói bận! Tổng thống các nước lớn còn không kêu bận, vẫn có thời gian câu cá, lái trực thăng, lái xe, chơi bài thư giãn, dân thường sao cứ hay kêu. Muốn có thời gian đọc sách, đến rạp ư? Bớt “buôn dưa lê”. Những viên chức, nhân viên văn phòng nhiệm sở tán gẫu, chơi games, facebook liên miên, sao lại kêu bận? Người ta ì trệ, kiến thức kém do lười, ỉ lại, béo vì ăn nhiều rồi lại dùng đồ giảm béo nhanh, đó không phải cách sống tốt.

- Nhiều diễn viên, ca sĩ đang có “mốt” mỹ viện. Chị nghĩ sao về cách làm đẹp này? Chị có sợ nếp nhăn?

- Tôi chẳng bao giờ phủ nhận mỹ viện nó làm người ta thỏa mãn bản thân họ. Chỉ đáng ngại cho ai không có tiền, có việc, không quá cần hình thức mà cứ cố chạy đua. Phở Hà Nội khi vào Sài Gòn, có thêm húng, mùi tàu, giá sống, vì nóng nên người ta thường trực đá, cafe đá. Cuộc sống phải chấp nhận biến đổi, thích nghi. Nhà văn tìm chữ nghĩa, tìm sự thật, cái đẹp. Các diễn viên, ca sĩ, MC xuất hiện thì cần hình ảnh đẹp. Nhà văn, nghệ sĩ sáng tạo có nhiều nếp nhăn, đấy là vẻ đẹp của sự trải nghiệm. Nhưng nghề lên hình, lên sân, biểu diễn, cần hình thức đập vào mắt gây thiện cảm ngay, do vậy cần đẹp. Tuy nhiên không nên lạm dụng quá đà. Tôi thì cho rằng con người không chỉ xóa thời gian, 50 - 60 tuổi mà cứ muốn mặt trơn lừ, bóng loáng, mịn căng, là quá đáng với quy luật sinh học.

- Ở Việt Nam, thói thường phổ thông, đàn ông hay “sợ” phụ nữ thông minh. Chị thấy thế nào?

- Tôi rất sợ bị khen “lành hiền”. Các cụ bảo: “Biết thì thưa thớt, không biết thì dựa cột mà nghe”. Tôi không thích là kẻ “dựa cột” và chơi với ai chuyên “dựa cột”. Làm người ngoan đần chán lắm. Ở  cùng , hay chơi với người chậm tư duy, thiếu nhạy cảm, mình sẽ bị bực tức và gọi là “dở người”. 

- Chị đang đọc cuốn gì vậy?

- “Tâm thuật trong đối nhân xử thế” (510 trang) của Mã Ngân Xuân - Viên Lệ Bình (TQ). Có nhiều câu hay, chí lý. Tôi cho rằng không chỉ nhà văn - nghề được xếp hàng đầu từ thời cổ đại và các nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm mới là người sáng tạo cuộc sống; những con người bình thường với công việc nhỏ bé mà có ích, cũng góp phần. Trái đất sẽ bớt nguy cơ khi người ta sống thân thiện nhau, thân thiện môi trường và làm tốt công việc của mình bằng sự yêu thương.

- Chị yêu văn học và phân tích, phê bình văn chương sắc sảo. Có khi nào chị muốn là nhà văn? Tôi tin rằng chị sẽ là một nhà văn nổi tiếng nếu theo ngành này.

- Vì khả năng văn học mà tôi được tin tưởng chuyên tìm kiếm, đặt hàng kịch bản cho Nhà hát. Một số vở do anh em Nguyễn Quang Lập - Nguyễn Quang Vinh viết, là do tôi kể chuyện, gợi ý.  Năm 1990, tôi suýt vào trường viết văn Nguyễn Du, lại vướng 3 vai chính. Tôi thích viết kịch bản và truyện ngắn, song chưa có thời gian tập trung.

- Nuôi chim là niềm vui nhỏ của chị?

- Tôi nuôi chim cu để nhớ hồi nhỏ, từ thị xã Hưng Yên, tôi đi ra những cánh đồng sau mùa gặt. Chim cu gáy hiền lành hay mót lúa trên đồng. Đại gia đình tôi không phải nông dân, nhưng tôi yêu những cánh đồng.