Nord Stream 2: Điều kiện đủ để gắn kết Nga-Đức

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nord Stream 2 chỉ là điều kiện đủ để gắn kết Nga-Đức, còn điều kiện cần chính là sự hợp tác mật thiết giữa các chính quyền ở Moscow và Berlin trong vài chục năm qua.

Các chính quyền ở Đức đều ủng hộ quan hệ với Nga

Nhà sử học Katja Hoyer trong một bài báo trên tờ Spectator đã nhận định chính sách sai lầm của giới lãnh đạo Đức đã khiến đất nước rơi vào bế tắc trong việc giải quyết xung đột ở Ukraine và quan hệ với Nga.

Theo chuyên gia này, mặc dù chính quyền Berlin lên tiếng ủng hộ Kiev, nhưng bất cứ chính quyền nào lên nắm quyền ở nước này cũng buộc phải để ý đến thái độ của Moscow trong các vấn đề an ninh.

Theo bà Hoyer nhận xét, trong hai thập niên vừa qua, Đức đã tự mình lâm vào tình thế “không thể hành động gì ở Đông Âu” nếu không tham khảo ý kiến trước với Nga.

Chuyên gia lịch sử nhấn mạnh rằng, Thủ tướng Đức Angela Merkel trước đây đã cấm cung cấp vũ khí NATO cho Ukraine và chính phủ mới do ông Olaf Scholz thuộc đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đứng đầu dường như cũng không có ý định xem xét lại quyết định này.

Bà nhắc lại rằng, trước đây cựu Thủ tướng Gerhard Schroeder, nhà lãnh đạo gần nhất của đảng SPD, cũng chính là “người ủng hộ kiên trung” cho quan hệ hợp tác mật thiết giữa Đức và Nga.

Do đó, mặc dù chưa rõ liệu ông Scholz có mạnh tay hơn người tiền nhiệm hay không, nhưng chắc chắn một điều là ông sẽ hào hứng tiếp tục chính sách của ông Schroeder, mà chính bà Merkel thời đó là Phó Thủ tướng.

Nhà sử học nhấn mạnh rằng, ngay cả Đảng Xanh, lực lượng có chân trong liên minh chính phủ mới và có quan điểm chống đối Nga, cũng không thể thay đổi được tình hình, vì truyền thống thống nhất về chính trị mang tính chất hòa bình chủ nghĩa không cho phép họ chấp thuận việc bán vũ khí cho Ukraine.

“Dòng chảy phương Bắc-2” (Nord Stream 2) đến được giai đoạn này là thành quả của sự hợp tác mật thiết giữa bộ đôi lãnh đạo Nga-Đức Vladimir Putin và Angela Merkel
“Dòng chảy phương Bắc-2” (Nord Stream 2) đến được giai đoạn này là thành quả của sự hợp tác mật thiết giữa bộ đôi lãnh đạo Nga-Đức Vladimir Putin và Angela Merkel

Ngoài ra, bảo vệ môi trường vẫn là ưu tiên hàng đầu của đảng này, nên do chủ trương từ bỏ các nhà máy điện hạt nhân và sử dụng nguồn năng lượng than mà Đức sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga, trong khi Nga đang “thống trị” thị trường khí đốt châu Âu.

Với nhận xét trên, có thể nhận định là mối quan hệ bền chặt Nga-Đức đã có truyền thống lâu dài chứ không phải chỉ trong giai đoạn này, nó được củng cố bởi điều kiện cần là sự gắn bó chính trị. Và mối quan hệ này đã được củng cố bởi điều kiện đủ là kho khí đốt dồi đào giá rẻ của Nga.

Những nguyên nhân khiến Đức thích khí đường ống của Nga

Các công ty lớn của Nga như Rosneft, Lukoil, Gazprom và Surgusneftegaz chiếm vị trí hàng đầu trên thế giới về sản xuất và xuất khẩu dầu, khí đốt và than đá. Ngoài ra, tầm ảnh hưởng của Moscow đối với Berlin đang dần tăng lên do tuyến đường ống “Dòng chảy phương Bắc-2” (Nord Stream 2) sắp được đưa vào vận hành.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay 90% nhu cầu khí đốt của Đức là do nhập khẩu, gồm hoàn toàn thông qua các đường ống dẫn khí đốt, chủ yếu từ ba quốc gia: Nga, Na Uy và Hà Lan, nhưng chủ yếu là từ Nga với thị phần nắm giữ lên tới 55% lượng khí đốt nhập khẩu của Đức.

Trong vài năm gần đây Hà Lan buộc phải cắt giảm sản lượng khai thác mỏ khí đốt quan trọng nhất của họ do nguy cơ địa chấn, thậm chí có thể sẽ sớm chấm dứt việc khai thác.

Trong khi đó, việc cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ, Qatar hoặc Australia mặc dù có thể trở thành nguồn nhiên liệu xanh thay thế, nhưng Đức không có cảng riêng và hệ thống lưu trữ, tái chế để tiếp nhận LNG.

Việc phải xây dựng thêm hạ tầng LNG sẽ khiến giá khí đốt LNG vốn đã đắt sẽ trở nên cực kỳ tốn kém đối với Đức, khiến Berlin toàn tâm toàn ý hoàn tất dự án Nord Stream 2 với Moscow.

Ngoài ra, không có bất cứ nhà cung cấp LNG nào có thể ký hợp đồng dài hạn với Đức (để giảm giá thành so với hợp đồng giao ngay theo thị trường), do nước này đang triển khai kế hoạch chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Do đó, Đức chỉ muốn mua khí đường ống.

Tổng hợp những yếu tố này sẽ khiến Đức trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào Gazprom, đây chính là một trong những yếu tố khẳng định rằng “Dòng chảy phương Bắc-2” của Nga chắc chắn sẽ được khơi dòng và trở thành nhân tố chủ chốt khiến Berlin ngày càng “không thể rời xa” Moscow.