Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng:

“Nóng” vấn đề thủy điện và giá xăng dầu

ANTĐ - Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. Đây là lĩnh vực thu hút sự quan tâm lớn của nhiều ĐBQH và cử tri cả nước. Do đó, nghị trường nhanh chóng “nóng” lên với hàng loạt câu hỏi rất sâu, sát và có phần hóc búa được các ĐBQH dồn dập gửi đến Bộ trưởng này. 

Giá xăng dầu được điều hành theo cơ chế thị trường, không có chuyện điều chỉnh giá xăng

trước thềm phiên chất vấn... Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng

Đã có giải pháp cho hàng tồn kho

Từ cách đặt vấn đề hàng tồn kho lớn có phần do khâu dự báo kém của cơ quan chức năng, việc quy hoạch không tốt,… ĐBQH Trương Minh Hoàng (đoàn  Cà Mau) đề nghị Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng làm rõ trách nhiệm của Bộ Công Thương đến đâu và Bộ sẽ có giải pháp đột phá nào để giải quyết vấn đề hàng tồn kho trong thời gian tới.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, thời gian qua, việc thực hiện nhóm giải pháp để giải quyết hàng tồn kho đã bắt đầu có tác dụng, lượng hàng tồn kho có chuyển biến giảm dần. Với các mặt hàng còn đang tồn kho nhiều như vật liệu xây dựng, sắt thép, phân bón và than đá, hiện Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành, doanh nghiệp đưa ra hướng xử lý. Cụ thể, giảm thuế xuất khẩu than từ 20% xuống 10% để phấn đấu tới cuối năm nay, dự kiến đưa mức tồn kho than về mức 15%. Để giải quyết hàng tồn kho của ngành thép (hiện khoảng 190.000 tấn), Bộ Công Thương phối hợp Bộ Tài chính tiếp tục cấp giấy phép tự động với ngành xây dựng để khống chế thép nhập khẩu, điều chỉnh thuế với thép nhập khẩu. Với hàng tồn kho vật liệu xây dựng, các Bộ, ngành đang tăng cường đẩy nhanh dự án đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho bất động sản. Còn với phân bón, khi bà con nông dân bước vào vụ đông xuân, lượng tiêu thụ sẽ cao hơn nên không quá lo lắng về lượng hàng đang tồn kho.

Giảm giá được là giảm ngay

Công tác quản lý, điều hành ngành xăng dầu nhận được sự quan tâm rất lớn của các ĐBQH. Đặc biệt, cách đặt vấn đề của ĐBQH Đỗ Văn Đương (đoàn TP  Hồ Chí Minh) đã tạo ra nhiều thú vị. Cập nhật tình hình giá xăng dầu giảm 500 đồng/lít vào tối 11-11, ngay trước thời điểm diễn ra phiên chất vấn của Bộ trưởng Công Thương, ĐB này bày tỏ: Liệu đây có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi trong thời gian diễn ra kỳ họp trước của Quốc hội, giá xăng dầu cũng giảm sau đó thì tăng vùn vụt?

Tuy có chút bất ngờ với cách đặt vấn đề này song Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã trả lời, đây hoàn toàn chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. “Giá xăng dầu được điều hành theo cơ chế thị trường. Với trách nhiệm chính trị cũng như điều hành, tôi tin không có chuyện Bộ trưởng Tài chính với Bộ trưởng Công Thương “linh hoạt” điều chỉnh giá xăng trước thềm phiên chất vấn” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định. Ngoài ra, Bộ trưởng Công Thương cũng trả lời nhiều câu hỏi về tình trạng chất lượng xăng dầu kém, bẩn, bị pha chế; tình trạng tạm nhập - tái xuất dầu thiếu minh bạch… Tuy không đưa ra lời hứa song Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bày tỏ tin tưởng với sự phối hợp chặt chẽ và nỗ lực của các cơ quan chức năng, sau một năm nữa hiện tượng gian lận thương mại, chất lượng xăng dầu yếu kém sẽ được cải thiện.

Được phân công trả lời thêm về vấn đề điều hành giá xăng dầu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ tiếp tục nhấn mạnh không có chuyện “linh hoạt” trong điều chỉnh giá xăng dầu vào thời điểm này như ý kiến ĐBQH nêu. Theo Bộ trưởng Tài chính, từ đầu năm đến nay giá xăng dầu đã tăng, giảm 12 lần, trong đó có 6 lần giảm và 6 lần tăng, có tới 3 lần giảm giá diễn ra trước và trong kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên đây là việc điều hành khách quan, minh bạch, với phương châm “giảm giá được là giảm ngay”.

Kỳ họp trước của Quốc hội, giá xăng dầu cũng giảm sau đó thì tăng, lần này cũng vậy (giá xăng dầu giảm 500đồng/lít vào tối 11-11), liệu có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên? ĐBQH Đỗ Văn Đương

Khó kiểm soát hàng lậu

Việc hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng độc hại nhập lậu qua biên giới, tràn vào nội địa, gây hoang mang lo lắng cho người tiêu dùng đã được các ĐBQH nêu ra để chất vấn người đứng đầu ngành công thương. ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) đặt vấn đề ở khía cạnh hàng lậu tràn ngập khiến người sản xuất trong nước không cạnh tranh được, làm ăn thua lỗ, trong khi người tiêu dùng không biết ăn gì, dùng gì để đảm bảo an toàn. Cũng với mối quan tâm trên, ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hà (đoàn Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng Công Thương trả lời trên khía cạnh các giải pháp phòng, chống sẽ được triển khai.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận trách nhiệm chính trong quản lý hàng giả, hàng nhái là của ngành công thương và lực lượng quản lý thị trường phải đi đầu. Theo ông, dù có nhiều cố gắng song việc quản lý lĩnh vực này hiện vẫn còn nhiều bất cập, các giải pháp đưa ra chưa đem đến hiệu quả. Nguyên nhân chính là do hầu hết hàng nhập lậu tràn qua biên giới theo các con đường tiểu ngạch, các lối mở dọc theo chiều dài biên giới đất nước nên không kiểm soát hết được. Còn “nếu hàng hóa đưa qua đường chính ngạch, nơi có đầy đủ các lực lượng quản lý chất lượng, biên phòng, chất lượng chắc chắn sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn” - Bộ trưởng cam kết. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng kêu gọi người tiêu dùng có thái độ trách nhiệm hơn, kiên quyết nói không với các hàng hóa kém chất lượng để góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh này. Tuy nhiên, phần trả lời này của Bộ trưởng Công Thương không làm hài lòng người chất vấn, bởi theo ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hà thì quá khó để người dân có thể trở thành người tiêu dùng thông thái. 

Sẽ rà soát lại các dự án thủy điện

Tình hình đời sống người dân khu vực triển khai các dự án thủy điện còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực này còn cao… cũng là nội dung được nhiều ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương. Trả lời  các câu hỏi, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, đối với người dân phải di dời nhường đất cho các dự án thủy điện thì cần có cơ chế đặc thù về giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Cũng theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, vấn đề giải quyết việc làm cho người thuộc diện di dân, tái định cư khu vực xây dựng thủy điện cũng đã được thực hiện linh hoạt thông qua nhiều chính sách, đảm bảo người dân có việc làm phù hợp với trình độ dân trí, khả năng tiếp cận công việc… Dù vậy, do đời sống của đa phần người dân ở các vùng này còn nhiều khó khăn, nhiều vấn đề bức xúc nên tới đây, “Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát lại các chương trình tái định cư để phát hiện sai sót, chấn chỉnh, uốn nắn, đảm bảo giải quyết nhu cầu chính đáng của người dân” - Bộ trưởng nêu giải pháp...

Trả lời chất vấn của ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) về vấn đề thương hiệu của hạt gạo Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa nhận, tuy là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo song giá của gạo Việt Nam thấp hơn nhiều lần giá chung của các nước trong khu vực và thế giới. Bộ trưởng cũng hứa sẽ phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Thương hiệu quốc gia để trong thời gian tới từng bước một có lộ trình sớm đưa gạo Việt Nam có thương hiệu trên thế giới”.

Tin cùng chuyên mục