Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM-45:

“Nóng” vấn đề Biển Đông

ANTĐ - Sau phiên khai mạc sáng 9-7 ở Phnom Penh (Campuchia), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 45 với sự tham dự của các đoàn đại biểu đến từ 10 nước thành viên đã tập trung thảo luận các nội dung ưu tiên quan trọng của ASEAN và khu vực. Đúng như dự đoán, Biển Đông trở thành vấn đề “nóng” tại hội nghị.

Các đại biểu dự Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại phiên họp toàn thể sáng 9-7

Một số vấn đề nổi bật được các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN thảo luận tại phiên họp toàn thể ngày hôm qua là: Thúc đẩy xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015; Hợp tác giữa ASEAN với các đối tác trong khuôn khổ Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân; phương hướng hợp tác phát triển ASEAN đến năm 2015 - một ASEAN không có ma túy.

Đáng chú ý, về vấn đề Biển Đông, nhiều bộ trưởng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây trên Biển Đông. Theo đó, các bộ trưởng nhấn mạnh giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và không sử dụng vũ lực, tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển 1982 của LHQ và tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); các nước cần tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, phù hợp với Công ước Luật Biển của LHQ (UNCLOS) 1982. Các bộ trưởng đánh giá cao việc ASEAN đã cơ bản hoàn tất tài liệu quan điểm về các thành tố chính của Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), để từ đó khởi động tham vấn ASEAN - Trung Quốc về COC.

Trước những diễn biến phức tạp xảy ra gần đây trên Biển Đông, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh phát biểu: “Lập trường của Chính phủ Việt Nam là phản đối việc Trung Quốc phê chuẩn thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và mời thầu quốc tế 9 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo UNCLOS 1982”. Theo Bộ trưởng, các vụ việc này vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định của UNCLOS 1982 và trái với tinh thần DOC, gây phương hại đến hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở khu vực. Bộ trưởng đồng thời nhấn mạnh: “ASEAN cần thể hiện vai trò chủ đạo, trách nhiệm và tinh thần xây dựng trong xử lý các vấn đề là lợi ích chung của khu vực; tạo môi trường cho các bên liên quan giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp”. 

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân phát biểu trước các phóng viên: “Khi điều kiện chín muồi, Trung Quốc sẵn sàng bàn thảo với các quốc gia ASEAN về xây dựng Bộ quy tắc ứng xử COC. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng COC không phải nhằm mục đích giải quyết tranh chấp mà chỉ là xây dựng lòng tin và hợp tác sâu rộng hơn”. 

Các chuyên gia về khu vực Đông Nam Á đều nhận định rằng, thời điểm này được coi là “phép thử” đối với quan hệ ASEAN - Trung Quốc, nhất là khi vấn đề tranh chấp trên Biển Đông đang căng thẳng. Manila thúc giục các nước trong khu vực đoàn kết để thuyết phục Trung Quốc chấp nhận thực hiện COC nhưng Bắc Kinh vẫn thích cách tiếp cận song phương.

Trong một diễn biến khác, đến cuối tuần qua, vẫn còn 3 tàu của Trung Quốc neo đậu ở bãi cạn Scarborough, khu vực tranh chấp với Philippines mà Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham. Theo nguồn tin từ hãng Philstar của Philippines, mặc dù các tàu cá Trung Quốc đã rút hết khỏi khu vực này nhưng không loại trừ khả năng sẽ còn quay trở lại.

Những nỗ lực làm giảm căng thẳng giữa Trung Quốc và một số thành viên ASEAN về vấn đề chủ quyền trên Biển Đông dự kiến sẽ còn “làm nóng” Diễn đàn an ninh khu vực ARF diễn ra sau đó, cũng tại Phnom Penh trong tuần này. Diễn đàn quy tụ đại biểu 10 nước ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Australia và nhiều nước khác.