Nông sản Việt rộng đường “xuất ngoại”, giá cao ngất ngưởng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông lâm sản của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm nay đã tăng đến 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy cơ hội rộng mở cho nhóm hàng này ở thị trường nước ngoài.
Rau quả, nông sản Việt Nam rộng đường "xuất ngoại"

Rau quả, nông sản Việt Nam rộng đường "xuất ngoại"

Tháng 7 năm nay, gừng đông lạnh của Việt Nam được xuất khẩu sang Australia, được bán với giá cao nhất khoảng 221.000 đồng/kg.

Mặt hàng này không chỉ được bán tại các siêu thị, cửa hàng mà còn được bán qua hình thức trực tuyến. Dù là mặt hàng xuất khẩu không mấy “tiếng tăm” nhưng kim ngạch xuất khẩu gừng 4 tháng đầu năm nay tăng trưởng 1.350%, vượt kim ngạch xuất khẩu một vài loại trái cây tươi, đạt hơn 348.000 USD.

Dự kiến cả năm nay, xuất khẩu gừng đông lạnh sang Australia có thể mang lại giá trị 100 tỷ đồng.

Giữa tháng 8-2021, doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục xuất khẩu gạo đặc sản của Việt Nam vào thị trường này. Sang tháng 9, một số loại nước trái cây của Việt Nam cũng “gây bão” tại thị trường Australia khi số lượng hàng xuất khẩu tại thị trường này “cháy hàng” chỉ trong thời gian ngắn.

Mới đây, sau hơn 2 năm xúc tiến thị trường và chuẩn hóa chất lượng hàng xuất khẩu, dừa sáp Trà Vinh lần đầu tiên vào được thị trường Australia. Với giá bán lẻ từ 30 đến 35 AUD/1 quả (khoảng 600.000 đồng/quả) dừa sáp Trà Vinh được đánh giá là mặt hàng có giá trị cao.

Như vậy, chỉ trong 1 thời gian ngắn, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp tại cả Việt Nam và Australia nhưng nông sản Việt Nam vẫn chen chân được vào thị trường khó tính này. Xuất khẩu nông sản vào thị trường này ngày càng tăng.

Không chỉ tại Australia, Thương vụ Việt Nam tại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen cũng thông tin về cơ hội xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường này. Thương vụ cho biết, năm 2020, Anh nhập khẩu hơn 5,7 triệu tấn rau quả trị giá gần 6,4 tỷ Bảng (khoảng 9 tỷ USD).

Trong đó, rau quả từ Việt Nam đạt trị giá gần 11,6 triệu USD, chiếm thị phần 0,18%. Nhập khẩu trái cây trong cùng thời gian trên đạt 3,6 triệu tấn với giá trị 3,9 tỷ Bảng (khoảng 5,4 tỷ USD).

Bên cạnh đó, thị trường Nhật Bản cũng mới cấp chứng nhận chỉ giới địa lý cho quả thanh long của Việt Nam.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhóm hàng xuất khẩu nhóm nông sản, lâm sản đạt 19,2 tỷ USD, tăng 15,1%, cao gấp nhiều lần tổng kim ngạch xuất khẩu cả cả nước.

Dù cơ hội cho nông sản Việt ở thị trường nước ngoài rất lớn song thực tế cho thấy, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Vì vậy, việc nhiều loại trái cây được “đi Tây” không chỉ góp phần nâng cao giá trị của mặt hàng xuất khẩu, mà còn có ý nghĩa trong việc giảm bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, giảm bớt nguy cơ “được mùa, mất giá”.

Các chuyên gia cho rằng, dù “đặt chân” được vào thị trường khó tính nhưng đa số nông sản Việt Nam vẫn được bán tại các siêu thị nhỏ, chưa vào được các siêu thị lớn nơi khách hàng tiềm năng hơn.

Chẳng hạn như thị trường Anh, Thương vụ cho biết, hiện một số trái cây đặc sản như: nhãn, vải, thanh long, bưởi, chôm chôm đã có mặt tại một số siêu thị nhỏ tại London của người Việt nhưng chưa thâm nhập được vào các siêu thị lớn.

“Để có thể tiếp cận thị trường cao cấp này, doanh nghiệp Việt Nam trước hết phải thực hành sản xuất theo Global GAP, đáp ứng các tiêu chuẩn HCCP của Viện tiêu chuẩn Anh (British Standard Institution) và áp dụng các quy chuẩn quản trị quốc tế như: ISO, SA...

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam phải có khả năng đảm bảo nguồn cung ổn định cả về số lượng và chất lượng mới có thể cạnh tranh được với các nhà cung cấp đến từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Nam Phi, Costa Rica và Ấn Độ”- đại diện Thương vụ cho hay.

Ngoài ra, cũng tương tự như xuất khẩu nông sản vào các thị trường khác, doanh nghiệp Việt Nam còn phải có chiến lược tiếp cận thị trường phù hợp để quảng bá sản phẩm và xây dựng lòng tin với các bạn hàng tiềm năng. Doanh nghiệp xuất khẩu cũng phải làm chủ được công nghệ bảo quản và vận chuyển rau quả, trái cây để giảm chi phí vận chuyển và đảm bảo sản phẩm vẫn còn tươi ngon.

Tại cuộc tọa đàm “Đẩy mạnh xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Liên minh Châu Âu” vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nêu 3 trở ngại lớn nhất đối với nông sản Việt Nam khi vươn ra thế giới, là: biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển trong xu thế tiêu dùng, trong đó thế giới đang mạnh mẽ chuyển sang sản xuất và tiêu dùng xanh.

Do vậy, theo ông Lê Minh Hoan, chiến lược thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam sang EU cần được xây dựng tổng thể và toàn diện, tiến tới định vị thương hiệu mới của nông nghiệp Việt Nam là minh bạch, trách nhiệm và bền vững.