Nông sản Việt Nam: Nguy cơ bị cấm cửa

ANTĐ - Sản xuất manh mún, thủ công cùng với ý thức về ATTP của nông dân yếu kém, điều này đang khiến nông sản xuất khẩu Việt Nam liên tiếp gặp khó khăn trên thị trường thế giới.

Không cải thiện ATTP, rau quả Việt Nam sẽ rớt hạng. Ảnh: Internet

Đầu tháng 2-2012, EU đã cảnh báo nhiều lô hàng rau, quả tươi của Việt Nam vi phạm các quy định về ATTP và kiểm dịch thực vật. Do vậy, phía EU đã đưa ra giới hạn, từ 15-2-2012, nếu EU phát hiện thêm 5 trường hợp vi phạm nữa thì rau quả Việt Nam sẽ bị cấm cửa. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã có cảnh báo khẩn tới các tỉnh, thành. Bộ trưởng Cao Đức Phát nhìn nhận, nếu EU cấm cửa, không những rau, quả Việt Nam không xuất được sang EU mà uy tín nông sản Việt Nam trên trường quốc tế cũng bị ảnh hưởng.

Tại cuộc họp giữa Bộ NN&PTNT với tham tán Việt Nam tại các quốc gia lãnh thổ, nhiều chuyên gia đã cảnh báo, trong thời gian tới, hàng hóa nông sản Việt Nam xuất khẩu đi nhiều thị trường sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Điển hình, từ năm 2012, Mỹ sẽ thực hiện quy trình kiểm tra hết sức ngặt nghèo đối với các sản phẩm hàng hóa của tất cả các nước khi xuất khẩu vào thị trường này, bao gồm nông sản, đồ ăn, đồ uống. Tháng 11-2011 vừa qua, thanh long - một mặt hàng nông sản có lượng xuất khẩu khá lớn của Việt Nam đã bị Mỹ cấm thông quan vì cho là có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Tuy nhiên, theo đại diện Bộ NN&PTNT, cái khó là, Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ không quy định rõ giới hạn tỷ lệ bao nhiêu. Từ trước tới nay, Mỹ không có quy định này... Sự việc này đã khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam chọn giải pháp ngừng xuất khẩu thanh long.

Cũng trong năm 2011 (cụ thể là từ tháng 7 đến tháng 11) khoảng 600 tấn mật ong của Việt Nam đã bị Cơ quan Dược phẩm Mỹ trả lại. Lý do mà nước này đưa ra là mật ong bị nhiễm thuốc trừ nấm có tên là Carbenzamin. Theo đánh giá của giới chuyên gia, mặc dù dư lượng chất này ở mật ong xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với quy định của CODEX và Liên minh châu Âu (EU) song Mỹ vẫn cấm.

Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, hiện, rau quả Việt Nam đang được xuất khẩu đi 55 thị trường, EU là 1 trong 10 thị trường xuất khẩu rau quả lớn của Việt Nam. Năm 2011, xuất khẩu rau quả mang về 628 triệu USD. “Để đảm bảo ATTP trên rau quả tươi thì khâu sản xuất phải đảm bảo, trong đó cần thiết phải nhân rộng sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, áp dụng tiêu chuẩn GAP. Song, muốn làm được, thì trực tiếp các địa phương phải vào cuộc, vì đây mới là nơi sản xuất rau quả, và phải làm lâu dài, không thể một sớm một chiều”.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, hiện pháp luật Việt Nam mới chỉ quy định yêu cầu kiểm dịch đối với hàng hóa nhập khẩu có nguồn gốc thực vật mà chưa bắt buộc kiểm dịch thực vật đối với các lô hàng rau quả xuất khẩu. Bởi vậy, việc kiểm dịch các lô hàng xuất khẩu nhiều khi hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự giác và ý thức của từng doanh nghiệp. Do đó, ông Hồng cho rằng, bên cạnh việc quy hoạch lại vùng trồng rau quả, áp dụng quy trình sản xuất an toàn, chúng ta phải khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý, bắt buộc các doanh nghiệp phải kiểm dịch thực vật và kiểm tra ATTP trước khi xuất đi các nước mới mong cải thiện được tình hình.