Nông sản Trung Quốc tập kết ở Bắc Ninh: Thua trên sân nhà

ANTĐ - Nhập tận gốc với giá rẻ, nông sản Trung Quốc có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành và dễ dàng đánh bật nông sản trong nước, chiếm lĩnh thị trường. Vì thế, dù Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp, với nhiều lợi thế cũng bị thua ngay trên sân nhà.

Nông sản Trung Quốc sẽ được vận chuyển đi khắp cả nước
từ trạm trung chuyển Hòa Đình (Bắc Ninh)

Giáp mặt đầu nậu

Chúng tôi đến đại lý N.S, cách cổng chợ Hòa Đình (phường Võ Cường, TP Bắc Ninh) khoảng 50m để tìm hiểu. Bà Ng. chủ đại lý, một người đàn bà vạm vỡ, trạc 45 tuổi, đôi mắt sắc cho biết, vợ chồng bà làm nghề kinh doanh nông sản hàng chục năm nay và là một trong những đầu nậu lớn nhất ở chợ Hòa Đình. Bà cung cấp đủ các mặt hàng nông sản, nhưng nhiều nhất là hành tây và hành khô. Khi biết chúng tôi vừa từ đại lý P.P ra, bà Ng. khẳng định: “Nhà chị lấy tận gốc bên Trung Quốc, sẽ bán giá rẻ hơn nhà bên ấy 10%. Ngoài ra, sẽ nhờ xe, vận chuyển về tận nơi”.  Sau một hồi nói chuyện, bà Ng. không ngần ngại chia sẻ, chợ Hòa Đình chỉ là điểm trung chuyển, tập kết hàng nông sản nhập lậu. Mọi giao dịch với đối tác người Trung Quốc chỉ diễn ra trên điện thoại. Phía bạn sẵn sàng tạo điều kiện cho các thương lái thực hiện giao dịch với phương châm “bán càng nhiều càng tốt”. 

Giới buôn nông sản luôn phải chấp nhận một quy luật, đó là định giá bán từng mặt hàng vào ngày đầu tháng. Theo đó, hai bên căn cứ vào kế hoạch kinh doanh, tình hình thị trường của mỗi nước để thương lượng giá. Mức giá sau khi được thống nhất, sẽ là giá chung cho mặt hàng đó trong một tháng. Dù giá trong nước có lên xuống, mức giá đó cũng không thay đổi. 

Trước khi lấy hàng, đầu nậu gọi sang Trung Quốc để báo số lượng. Nhận được đơn hàng, phía đối tác Trung Quốc vận chuyển, tập kết ở chợ Pò Chài (thị tứ Bằng Tường, Trung Quốc). Đầu nậu phải đi từ tối hôm trước, cân và kiểm tra. Đúng số lượng, chất lượng đã cam kết, đầu nậu cho cửu vạn bốc hàng qua đường tiểu ngạch. Hàng hóa được đầu nậu tập kết tại khu vực biên giới huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) và tìm cách đưa về Bắc Ninh. Để qua mặt cơ quan chức năng, đầu nậu chỉ cho xe chở hàng chạy vào ban đêm. Nếu đầu nậu thuê xe vận chuyển, giá là 500.000 đồng/tấn trên đoạn đường từ biên giới Lạng Sơn về đến Bắc Ninh. Nếu bị bắt, nhà xe phải chịu trách nhiệm. Mỗi chuyến xe chở vài chục tấn hàng, nên đầu nậu thường cử người nhà, hoặc những người thân tín đi nhận hàng. 

Lãi khủng từ buôn nông sản Trung Quốc

Một đầu nậu tên Toàn cho biết, hiện mức giá bán nông sản Trung Quốc ở Việt Nam cao là do chi phí qua nhiều khâu trung gian. Thực tế, giá các đầu nậu mua tại Pò Chài chỉ bằng từ 20% đến 30% so với giá thị trường trong nước. Ví dụ, khoai tây nhập tại Pò Chài giá 2.600 đồng/kg; hành tây giá 1.5000 đồng/kg; rau cải 3.000 đồng/kg; cà chua 2.000 đồng/kg… tất cả các mặt hàng này đều mua “xô”, có nghĩa là cả loại tốt, loại xấu. Về đến Bắc Ninh, đầu nậu sẽ tổ chức phân làm 2-3 loại tùy từng mặt hàng, sau đó bán với các mức giá khác nhau. Đến tay người tiêu dùng, giá bán đã tăng gấp đôi, gấp ba nhưng vẫn rẻ hơn hàng trong nước rất nhiều. Ví như khoai tây Đà Lạt giá lẻ là 22.000 đồng/kg, nhưng khoai tây Trung Quốc chỉ 12.000 đồng đến 15.000 đồng. Trừ hết chi phí, mỗi tấn hàng đầu nậu lãi từ 500.000 đồng. Trung bình hai ngày đi một chuyến, mỗi xe chở từ 30 tấn đến 50 tấn, đầu nậu lãi khoảng 20 triệu đồng. “Vì lợi nhuận lớn, nên số đầu nậu tại chợ Hòa Đình tham gia “đánh” hàng nông sản ngày càng đông”, Toàn cho biết. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các đầu nậu đều xây dựng một hệ thống chân rết, phân phối hàng rộng khắp cả nước. Mỗi ngày, từ chợ Hòa Đình, có hàng trăm chuyến xe chở nông sản đi các nơi tiêu thụ. Vì thế, cũng không có gì ngạc nhiên khi tại Bắc Ninh, mỗi ngày có hàng trăm xe tải với biển số của các tỉnh Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh đến “đánh” hàng. “Tỉnh, thành nào chúng tôi cũng phải làm luật. Một số chuyến hàng chở khoai tây, gừng bị bắt như vừa rồi là điều không may”, bà Ng. quả quyết. 

Theo ông Nguyễn Gia Cảnh, chuyên viên Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Bắc Ninh, bằng mắt thường, người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là nông sản Trung Quốc, đâu là nông sản trong nước. Muốn kiểm tra, phải có máy móc phân tích. Nhưng việc lấy mẫu rất ít khi thực hiện ở địa phương, vì chi phí lớn. Bởi vậy, chỉ khi nào cấp trên chỉ đạo thì các cơ quan quản lý cấp dưới mới có kế hoạch kiểm tra. 

Phân chia lãnh thổ để hoạt động

Các đầu nậu cũng phân chia lãnh thổ, lĩnh vực kinh doanh tránh chồng chéo. Trước đây, khi chưa phân chia, các đầu nậu cạnh tranh quyết liệt để có nguồn hàng, thậm chí còn tổ chức đánh dằn mặt, cướp hàng ngay trên biên giới, nâng giá mua nông sản… Sau nhiều cuộc họp, các đầu nậu thấy nếu không thay đổi phương thức kinh doanh thì người được hưởng lợi là phía Trung Quốc. Vì thế, các đầu nậu thống nhất, phân chia lĩnh vực. Theo đó, mỗi đầu nậu chỉ chuyên từ một đến hai mặt hàng.