Nông sản, trái cây đưa về Hà Nội: Lái xe phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo ông Nguyễn Minh Hùng- Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội, để hỗ trợ các địa phương đang có dịch tiêu thụ nông sản, trái cây, cần có các giải pháp để đảm bảo các phương tiện vận chuyển hàng hóa về Hà Nội phải có chứng nhận phòng chống dịch.

Ngày 27/5/2021, Tổng cục QLTT tổ chức cuộc họp đột xuất theo hình thức trực tuyến với 63 điểm cầu trong lực lượng để bàn về các giải pháp tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân vùng dịch.

Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) cho biết, nhiệm vụ trên nằm ngoài chức năng, nhiệm vụ của lực lượng QLTT nhưng được Chính phủ, Bộ Công Thương trực tiếp giao nên toàn lực lượng cần nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, tự giác, tích cực hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ các mặt hàng nông sản theo mùa vụ tại thị trường nội địa.

Nói về việc sẽ hỗ trợ các địa phương đang có dịch tiêu thụ nông sản, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết, ngoài việc phương tiện vận chuyển hàng hóa về Hà Nội, lái xe cần chứng minh âm tính với Covid-19 để nhân dân Thủ đô và các cửa hàng kinh doanh an tâm kinh doanh, tiêu thụ.

“Năm 2020, Hà Nội đã hỗ trợ tiêu thụ 43.000 tấn hàng hóa cho các địa phương và 1.500 tấn củ cải cho địa bàn Long Biên, Hà Nội”- lãnh đạo Cục QLTT Hà Nội cho hay.

Ông Trương Văn Ba- Cục trưởng Cục QLTT TP HCM cho biết, các đội QLTT địa bàn sẽ tích cực phối hợp với các phòng, ban, UBND các phường, xã tuyên truyền vận động các Ban quản lý siêu thị, chợ và tiểu thương tích cực hưởng ứng thu mua nông sản mùa vụ để kinh doanh, chung tay giải quyết khó khăn của bà con nông dân.

Theo đại diện của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Cục đã làm việc với các đơn vị quảng bá sản phẩm trên các sàn giao dịch TMĐT lớn như Shoppee, Lazada để đưa nông sản như trái vải, xoài hay thanh long bán trên các sàn giao dịch hay phối hợp với Viettel post để hỗ trợ bà con nông dân vận chuyển hàng hóa, livestream bán hàng…

Thực tế cho thấy, gần đây, nhiều sàn TMĐT tại Việt Nam đã xây dựng gian hàng Việt, bán đặc sản trái cây cho bà con nông dân như: vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), vải thiều Bắc Giang, hành tím Sóc Trăng…

Ghi nhận những nỗ lực tiêu thụ nông sản nêu trên song ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT nhấn mạnh: “Làm thế nào đừng để lực lượng QLTT liên tục nhận thông tin trên đường dây nóng của Tổng cục về việc quả vải bán trên các sàn giao dịch TMĐT kém chất lượng”.

Bên cạnh đó, ông Trần Hữu Linh cũng lưu ý hàng nông sản được vận chuyển trên Viettelpost cũng cần được lưu tâm bởi cùng 1 lúc xe của đơn vị này sẽ vận chuyển nhiều mặt hàng hóa khác nhau chứ không riêng nông sản.

"Nhiều khi chỉ vì một mặt hàng vận chuyển chung trên xe vi phạm sẽ dẫn đến tình trạng ách tắc nông sản, như thế sẽ không đảm bảo được chất lượng"- Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT nhấn mạnh.

Trước đó, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị khẩn yêu cầu các đơn vị trực thuộc, các Sở Công Thương địa phương, hiệp hội doanh nghiệp và ngành hàng có giải pháp giúp nông dân các tỉnh có dịch như: Bắc Giang, Hải Dương… tiêu thụ nông sản đang đến vụ thu hoạch, tránh tình trạng ùn tắc hoặc buộc phải vứt bỏ do người mua lo ngại dịch bệnh.

Ngày 27/5, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã ban hành công văn số 334/XNK-XXHH đề nghị các Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực tạo điều kiện thuận lợi nhất khi cấp C/O cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu.

Cụ thể, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị ưu tiên cấp C/O trong thời gian sớm nhất đối với nông sản xuất khẩu, đặc biệt là nông sản tại các địa phương đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh như Bắc Giang, Hải Dương và các mặt hàng đang vào vụ, có thời gian thu hoạch ngắn như vải.

Các Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Hà Nội, Hải Dương, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Lào Cai căn cứ tình hình thực tế, xem xét bố trí làm thêm giờ, kể cả làm việc vào Thứ Bảy, Chủ nhật và ngày nghỉ để xử lý hồ sơ cấp C/O.

Bên cạnh đó, Cục Xuất nhập khẩu cũng yêu cầu các Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu ở khu vực biên giới phía Bắc theo dõi sát tình hình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới, báo cáo Cục ngay khi có dấu hiệu nông sản xuất khẩu ùn tắc ở cửa khẩu.