Nông sản mới chỉ xuất khẩu đến biên giới

ANTĐ - Ngày 5-8 vừa qua, tại TP Quy Nhơn, Công ty CP Thủy sản Bình Định và Công ty Kato Hitoshi ở thành phố Osaka, Nhật Bản đã ký kết hợp đồng xuất khẩu cá ngừ đại dương. Đây là hợp đồng xuất khẩu cá ngừ đại dương đầu tiên thực hiện theo mô hình thí điểm khai thác, thu mua, xuất khẩu cá ngừ đại dương sang Nhật Bản. 
Nông sản mới chỉ xuất khẩu đến biên giới ảnh 1
Xuất khẩu rau, củ, quả vẫn còn bị động

Kết quả bán đấu giá lô cá ngừ đầu tiên tại Nhật Bản (9 con) cho thấy, giá bán từ 50.000-420.000 đồng/kg. Trong khi đó, nếu đánh bắt theo kiểu truyền thống trước đây và bán tại thị trường trong nước, giá cá ngừ  chỉ được 80.000 đồng/kg. Điều này không những mang lại niềm vui cho ngư dân, mà còn là tín hiệu lạc quan cho thị trường xuất khẩu cá ngừ, trong bối cảnh đang có xu hướng sụt giảm nhẹ so với năm 2013. 

Nếu như thủy sản Việt Nam đã có những bước đi khá bài bản trong xuất khẩu với giá trị luôn có mức lũy tiến từng năm thì xuất khẩu nông sản tươi (rau, củ, quả) hiện còn khá bất cập và manh mún, được chăng hay chớ, đặc biệt nhiều sản phẩm đang phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Cũng bởi vậy, tình trạng thương lái nước ngoài ép giá nông sản Việt Nam thường xuyên xảy ra. Giá những nông sản chủ yếu xuất qua Trung Quốc cũng thất thường. Thêm vào đó, khâu chế biến, bảo quản nông sản Việt Nam hiện rất yếu kém.

Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn: “Muốn đảm bảo được thị trường, trước hết phải nắm vững được kết cấu của thị trường. Tức là phải hiểu rõ sức mua và kênh tiêu thụ của thị trường: Ai, chuỗi giá trị nào sẽ là người tiêu thụ sản phẩm của mình. Vì đối với thị trường Trung Quốc, chúng ta chỉ biết bán đến biên giới, sau đó qua trung gian ở đâu chúng ta không biết. Một thị trường như vậy thì nay tốt nhưng ngày mai ra sao chúng ta không định lượng được”.

Còn theo lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật, để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, các doanh nghiệp cần thay đổi cách tiếp cận, duy trì và phát triển những thị trường truyền thống thông qua việc nâng cao chất lượng và giá trị các mặt hàng nông sản mà Việt Nam có lợi thế xuất khẩu. Mặt khác, tăng cường đầu tư cho công nghệ chế biến sau thu hoạch các mặt hàng nông sản.