“Nóng” nhất vẫn là đất

ANTĐ - Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận, góp ý và thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII. Trước đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ Tài nguyên – Môi trường đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo luật này. Ý kiến của các đại biểu đã tập trung phân tích những vấn đề còn khác nhau như quyền của người sử dụng đất, vấn đề thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giá đất…

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai nhấn mạnh, dự thảo Luật đã tăng cường vận hành các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường, hạn chế các trường hợp được Nhà nước giao đất, cơ bản chuyển sang thuê đất, định giá đất trên cơ sở phù hợp với cơ chế thị trường. Đồng thời tiến tới xóa bỏ bao cấp trong quản lý, sử dụng đất; khắc phục tình trạng “xin -  cho” trong quản lý và sử dụng đất. Các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, cần làm rõ hơn và hoàn thiện mối quan hệ giữa chủ sở hữu và đại diện chủ sở hữu. Về quyền của Nhà nước đối với đất đai, cần bổ sung quy định riêng cho đất do Nhà nước quản lý. Có chế tài thật nghiêm xử lý những người dùng đất của Nhà nước trái mục đích.

Đại biểu Quốc hội một số địa phương kiến nghị, cơ chế thu hồi đất cần cụ thể hóa hơn trưng dụng đất có thời hạn. Quy định về thu hồi đất do vi phạm pháp luật cần rõ hơn chứ không chung chung như dự thảo. Cùng với hạn mức giao đất, thời gian giao đất như dự thảo bảo đảm cho người dân yên tâm sản xuất, làm ăn lớn. Song về phân cấp, phân quyền, thẩm quyền thu hồi đất, một số đại biểu cho rằng, các dự án hàng năm phải trình HĐND là không cần thiết, rườm rà, không khả thi. Thu hồi đất là vấn đề “nóng”, phức tạp dẫn đến tình trạng khiếu kiện, vì vậy dự thảo luật lần này quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất, căn cứ, thẩm quyền thu hồi; trách nhiệm tổ chức thực hiện thu hồi đất, trách nhiệm quản lý quỹ đất sau thu hồi, thủ tục thu hồi. Qua tổng hợp từ các hội nghị, hội thảo, lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai, vấn đề nổi cộm nhất, được quan tâm nhiều nhất vẫn là bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Trong đó, nhiều ý kiến tập trung vào nguồn gốc đất được bồi thường, các chính sách hỗ trợ, bố trí tái định cư nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống lâu dài cho người có đất bị thu hồi… 

Để khắc phục những vướng mắc về giá đất, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đưa ra hai phương án để Quốc hội quyết định. Dự cảm, Luật này sẽ là luật “nóng” trong những bộ luật sẽ được kỳ họp Quốc hội thông qua. Cử tri và nhân dân kỳ vọng, việc sửa đổi luật phải giải quyết được những vướng mắc, bức xúc hiện nay, nhất là trong thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giá đất.