Nông nghiệp cam kết giảm 50% phát thải khí nhà kính

ANTĐ -Trong bối cảnh khí hậu toàn cầu đang nóng dần lên do hiệu ứng khí nhà kính dẫn tới biến đổi khí hậu, các doanh nghiệp nông thực phẩm hàng đầu thế giới cùng thảo luận giải pháp ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu tại COP21 nhằm tăng 50% lương thực và giảm 50% khí thải nông nghiệp vào năm 2030.

Trong phiên thảo luận về nông nghiệp thuộc khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP21 diễn ra tại Paris tuần vừa qua, các tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực nông thực phẩm đã bày tỏ mong muốn giải quyết các thách thức trong việc đảm bảo nguồn cung lương thực cho dân số thế giới đang tăng nhanh chóng, đồng thời giảm lượng khí thải nông nghiệp gây hiệu ứng nhà kính.  

Các tập đoàn hàng đầu thế giới: Pepsico, Monsanto, Olam và Kellogg đã chủ trì phiên thảo luận “Nông nghiệp thích ứng một cách thông minh với khí hậu (CSA)” với mục tiêu tăng 50% lượng lương thực toàn cầu, tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu cho cộng đồng nông thôn đồng thời giảm 50% khí thải nhà kính đến năm 2030.

Cây trồng biến đổi gen được cho là vừa đảm bảo năng suất vừa giảm phát thải khí nhà kính

Hugh Grant, Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Monsanto chia sẻ: “Nông nghiệp và nông dân đóng vai trò quan trọng nhằm triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu một cách khác biệt. Bằng cách áp dụng công nghệ và tập quán canh tác tiên tiến như hạn chế cày xới đất trước khi gieo trồng, nông dân khắp thế giới đã chung tay làm nên những bước tiến quan trọng trong nỗ lực giảm thiểu khí thải nhà kính và hạn chế sử dụng tài nguyên. Nhờ đó, cộng đồng nông nghiệp toàn cầu có thể tận dụng nguồn lực để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời vẫn đáp ứng nhu cầu lương thực ngày càng tăng".

Dựa trên đề xuất sáng kiến hợp tác công nghệ nhằm giảm phát thải Carbon  của Hội đồng Doanh nghiệp vì phát triển bền vững toàn cầu (WBCSD), hội thảo “Nông Nghiệp thích ứng một cách thông minh với khí hậu” tập trung thảo luận 3 vấn đề chính: năng suất, khả năng chống chịu và giảm khí thải. 

 “Hiện nay, cứ 8 người trên thế giới thì có 1 người  phải chịu tình trạng đói kinh niên và hơn 1 tỉ người trên toàn cầu bị suy dinh dưỡng. Đảm bảo đủ lương thực để đáp ứng nhu cầu của dân số thế giới với hơn 9 tỉ người đến năm 2050, chúng ta cần phải tăng ít nhất 50% lượng lượng thực hiện có. Những tác động của biến đổi khí hậu đã làm cho thách thức này càng khó khăn hơn. Điều quan trọng là, cộng đồng nông nghiệp toàn cầu cần đoàn kết và cùng nhau nhân rộng các sáng kiến giúp nâng cao khả năng thích nghi của hệ thống nông nghiệp toàn cầu và hỗ trợ những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất do biến đổi khí hậu”, ông Peter Bakker, Chủ tịch kiêm CEO WBCSD cho biết.