"Nóng" dâng sao giải hạn đầu năm

ANTĐ - Do năm nay bị sao Kế Đô  chiếu, nên ngay từ trước Tết Nguyên đán, chị Trần Thị Trúc ở chung cư Sông Đà, quận Thanh Xuân, Hà Nội, đã đôn đáo tìm nơi dâng sao giải hạn. Tuy vậy, qua hơn 1 tuần tìm hiểu, chị Trúc vẫn băn khoăn về giá cả, chất lượng của dịch vụ này…

"Nóng" dâng sao giải hạn đầu năm ảnh 1

Mỗi nơi một giá

Theo quan niệm dân gian, sao Thái Bạch được cho là “quét sạch cửa nhà”, người bị sao Thái Bạch chiếu không chỉ mất tiền của, làm ăn khó khăn mà sức khỏe cũng bị ảnh hưởng. Ngoài sao này, sao La Hầu, Kế Đô cũng được coi là những sao “xấu”: Sao La Hầu khiến người ta hay bị vu oan, thị phi, sao Kế Đô mang vận hạn họa vô đơn chí, gây đau khổ buồn rầu, hao tài tốn của... Do vậy, những năm gần đây, tập tục dâng sao giải hạn đã trở nên phổ biến ở Hà Nội và nhiều địa phương vào đầu năm mới.

Chị Trần Thị Trúc tâm sự, có hạn thì phải giải. Do phụ nữ bị sao Kế Đô chiếu sẽ gian nan lận đận, làm ăn gặp nhiều trở ngại, nếu lỡ có chuyện xảy ra thì ân hận cả đời nên năm nay chị phải tìm nơi giải hạn, mong cầu bình an, tai qua nạn khỏi. Vì do vậy, sau khi tham khảo thông tin trên mạng và qua người thân, chị Trúc đã đến tổ đình P.K - ngôi đình có tiếng ở quận Đống Đa, Hà Nội với đại lễ cầu an hàng năm thu hút hàng nghìn người tham gia để đăng ký dâng sao giải hạn, cầu an.

Tổng số tiền chị Trúc phải nộp là 200.000 đồng (100.000 đồng tiền cúng sao giải hạn và 100.000 tiền cầu bình an). Đến ngày cúng sao giải hạn, chị Trúc chỉ cần có mặt để dự lễ, các công việc khác do “nhà tổ chức” thực hiện. “Tiếng lành đồn xa, mỗi năm số lượng người đăng ký dâng sao, giải hạn tại đình này ngày càng tăng. Tuy vậy điều khiến tôi thắc mắc là số tiền giải hạn ở mỗi nơi mỗi khác nên không biết chất lượng có khác nhau không” - chị Trúc băn khoăn.

Không chỉ đình P.K mà chùa Q.S và nhiều chùa khác trên địa bàn Hà Nội cũng thực hiện việc cúng sao giải hạn. Song khác với đình P.K, mức phí ở chùa Q.S được thu theo sớ với 500.000 đồng/sớ, mỗi sớ không giới hạn số lượng người nên nhiều gia đình đã tìm đến đây để giải hạn cho cả nhà. Bà Nguyễn Thị Ngân (ở ngõ 160 đường Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy) chia sẻ, việc dâng sao, giải hạn đầu năm không phải mê tín dị đoan mà là việc khiến bà cảm thấy an tâm và nhẹ nhõm hơn nên năm nào bà cũng làm cho các thành viên trong gia đình.

Họa hay phúc đều từ bản thân mà ra

Để phục vụ người đến đăng ký giải sao, các chùa thường bố trí nhiều bàn đón tiếp để ghi tên tuổi các thân chủ, các sân chùa thường treo một tờ giấy khổ lớn, trên đó ghi năm sinh và ứng với các sao chiếu mệnh của năm nay để nhân dân tiện theo dõi. Vì số lượng người đăng ký dâng sao giải hạn rất đông nên các chùa thường tổ chức lễ cúng sao làm nhiều đợt. Ngoài việc đăng ký cúng sao giải hạn tại các chùa, một số gia đình có điều kiện còn mời “thầy” về cúng sao giải hạn tại nhà. Lợi dụng sự “tín” của gia chủ, không ít “thầy” đã “chặt chém” vô tội vạ khiến chủ nhà tốn kém không ít tiền của.

Về tục cúng sao giải hạn đầu năm, Tiến sỹ Trịnh Hòa Bình - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho rằng, mong muốn bình an, may mắn, công việc thuận lợi, suôn sẻ là nguyện vọng chính đáng của mỗi người. Đó cũng chính là lý do họ thực hiện những lễ nghi để bày tỏ tấm lòng với đức Phật, Thánh, mặc dù cúng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật mà chỉ là tín ngưỡng dân gian. Theo quan niệm dân gian, mỗi người đều có một sao chiếu mệnh và sao này thay đổi qua các năm.

Khi bị sao “hạn” chiếu, tâm lý mỗi người luôn cảm thấy bất an nên họ thường tìm cách để giải hạn vào đầu năm để yên tâm hơn và có thêm quyết tâm, nghị lực khi thực hiện các công việc khó khăn trong năm mới. Tuy vậy, trên thực tế, chưa ai kiểm chứng được điều này. Việc một số cá nhân quá tin tưởng vào dâng sao giải hạn, tiêu tốn không ít tiền của để mời “thầy” làm lễ, chen lấn xô đẩy đi hết đền kia miếu nọ cầu khấn lại là sự biểu hiện của sự thái quá. 

Có thể thấy, việc biết sao “xấu” hay sao “tốt” chiếu sẽ khiến mỗi cá nhân có những ứng xử, việc làm phù hợp cho cuộc sống của bản thân. Song, theo giáo lý nhà Phật, không có ngôi sao nào mang phúc hay mang tai họa, cũng không có “quả” nào bỗng dưng từ trên trời rơi xuống, mà họa hay phúc đều là do bản thân con người tạo ra.

Ngay cả khi được sao “tốt” chiếu, nếu người không cẩn thận thì vẫn có thể gặp họa và ngược lại. Do vậy, mỗi gia đình không nên tiêu tốn quá nhiều thời gian và tiền bạc vào việc cúng sao giải hạn, vừa  lãng phí không cần thiết vừa chuốc bực vào người ngay trong những ngày đầu năm mới.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn - Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo: Tâm linh đang bị lạm dụng

Hàng năm, cứ vào mùa xuân, người Việt thường lên chùa cúng “dâng sao giải hạn”. Đấy là thói quen lâu ngày thành tục lệ. Đấy cũng là một hỗn hợp các thực hành và hành vi tôn giáo khác nhau được tích tụ từ thuật chiêm tinh, bói quẻ cho đến thuật phù thủy, thờ thần linh...

Chùa Việt từ thế kỷ 16 trở đi đã phải đảm nhiệm thêm cái hỗn hợp này. Nó nhằm thoả mãn nhu cầu được bảo hộ của người nông dân, thị dân, thương nhân, quý tộc… Nó xuất phát từ quan niệm tối cổ là mỗi người sinh ra đều có một ngôi sao chiếu mệnh, một linh hồn vĩnh cửu nếu hài hòa với vũ trụ, tự nhiên. Một đặc điểm của đời sống tâm linh Việt là dù đã tiếp nhận các tôn giáo ngoại nhập, song sự thờ cúng từ thời thượng cổ vẫn được lưu giữ, chỉ thay đổi hình thức mà thôi.

Một cách tóm tắt như vậy để quay lại chuyện cúng “dâng sao giải hạn” ở chùa. Phật giáo vốn là một tôn giáo không tạo dựng hệ thống thần linh theo kiểu nhất thần hay đa thần. Thế nhưng, để duy trì sự tồn tại, Phật giáo có những nhượng bộ nhất định với các tập tục của cư dân bản địa nơi du nhập, mặc dù khuyến cáo sự thờ cúng như vậy là không chính xác và không có hiệu quả.

Phật giáo cho rằng, sự thành bại, hạnh phúc hay bất hạnh… đều do con người, từ ý thức đến hành vi tạo ra. Anh làm việc thiện ngày hôm nay thì anh đón nhận được thiện quả ở ngày mai. Không thể có ai thay thế con người để đem lại cuộc sống tốt lành ngoài nỗ lực của chính con người.

Vì thế, nếu hôm nay ta nhìn thấy chùa cúng “dâng sao giải hạn” cũng là một cách để thỏa mãn nhu cầu tâm linh của người dân khát khao có sự che chở của các vị Phật, Bồ tát… Tuy nhiên, thực tế đang có sự lạm dụng ở nhiều chùa, thậm chí đến mức thái quá. Sự việc một số chùa ra giá cúng sao xấu tùy theo mệnh, theo tử vi đã xảy ra.

Cũng không tránh được tâm lý đám đông đồn thổi chùa này, chùa kia thiêng, khiến một số chùa trở nên quá tải và dẫn đến lạm dụng như đã nói. Nhu cầu tâm linh là một nhu cầu có thật của người dân Việt hiện tại, nhưng cần lên tiếng phê phán sự lạm dụng đến mức đi quá xa như một số chùa đang làm.

         

Vân quế (Ghi)