Nông dân thiệt hại nặng vì băng tuyết

ANTĐ - Trong ngày 25-1, băng tuyết và giá rét vẫn bao trùm khắp các tỉnh Bắc bộ, nhiều nơi nền nhiệt vẫn dưới 0 độ C, kèm theo tuyết rơi. Trên địa bàn Hà Nội, nền nhiệt đã nhích lên so với 1 ngày trước đó, kèm theo nắng nhẹ. Đặc biệt, mặc dù giá rét kỷ lục nhưng giá thực phẩm, rau xanh trên địa bàn những ngày qua khá ổn định.

Nông dân thiệt hại nặng vì băng tuyết ảnh 1

Người dân các tỉnh miền núi tập trung chống rét cho gia súc

Người dân gồng mình chống chọi tuyết

Lào Cai hiện vẫn là địa phương có nhiều khu vực bị băng tuyết phủ trắng, các huyện vùng cao như Mường Khương, Sa Pa, Bát Xát, Si Ma Cai trong ngày 25-1 tuyết vẫn rơi và rét buốt. Quốc lộ 4D từ Km 89 đến Km 92 từ Lào Cai đi Lai Châu bị đóng băng mặt đường với chiều dày trung bình 3-5cm, trời nhiều mây mù, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Sở GTVT, Công an các tỉnh Lào Cai, Lai Châu phải phối hợp tổ chức phân luồng, hướng dẫn và triển khai các biện pháp đảm bảo giao thông qua khu vực. 

Trong khi đó, người dân các huyện vùng cao đang phải đối mặt, chống chọi với băng tuyết kỷ lục này. Nhiều diện tích hoa màu, thảo quả, dược liệu bị vùi lấp trong tuyết và dự báo sẽ không còn khả năng cứu vãn. Để bảo vệ đàn gia súc, nhiều gia đình nông dân ở các xã vùng cao như Tả Phìn, Hầu Thào, Trung Chải, Bản Khoang, Tả Giàng Phình… đã sơ tán đàn trâu, bò, ngựa xuống vùng thấp tránh rét. Địa điểm quen thuộc vẫn là hai xã Tòng Sành và Cốc San của huyện Bát Xát. Cách thị trấn Sa Pa gần 20km, hai xã này hiện đã có hơn 1.000 đại gia súc của người dân Sa Pa đưa về tránh rét.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở NN&PTNT Lào Cai cho biết, đến chiều tối 25-1, trên địa bàn tỉnh có 194 con gia súc bị chết rét, chủ yếu là bê, nghé non và trâu đã già. Ngoài ra, khoảng 1.000 ha rau màu của 57 xã thuộc 7 huyện, thành phố bị thiệt hại, trong đó 600 ha rau, 120 ha hoa và hơn 300 ha cây dược liệu. Đặc biệt, khoảng 2.000 ha cây thảo quả của người dân bị tuyết vùi lấp, nguy cơ mất trắng rất cao, cùng với đó khoảng 151.000 ha rừng bị tuyết phủ trắng, sau khi tuyết tan thường có hiện tượng cháy lá và đây là nguyên nhân gây ra các vụ cháy rừng lớn hàng năm trên địa bàn tỉnh.

“Trong đợt rét hại kèm băng tuyết lần này, toàn tỉnh Lào Cai chỉ trừ 2 huyện Bảo Thắng và Bảo Yên do ở vùng thấp nên không bị băng tuyết bao phủ, vì thế thiệt hại cũng không đáng kể. Tổng thiệt hại ước tính đến thời điểm này của tỉnh Lào Cai khoảng 30 tỷ đồng”, ông Nguyễn Anh Tuấn thông tin. 

Nông dân thiệt hại nặng vì băng tuyết ảnh 2

Gần 2.000 ha thảo quả của Lào Cai bị tuyết phủ

Phòng chống rét cho gia súc, cây trồng

Trong ngày 25-1 và những ngày tới, Sở NN&PTNT Lào Cai tiếp tục đôn đốc người dân thực hiện các biện pháp phòng chống rét cho gia súc và cây trồng, trong đó tăng cường thức ăn thô cho gia súc, che chắn chuồng trại…  Tại tỉnh Sơn La, ông Lại Văn Minh - Chánh Văn phòng BCH Phòng chống thiên tai cho biết, nhiệt độ đo được trên địa bàn tỉnh trong ngày 25-1 phổ biến từ 1 - 8 độ C, riêng Mộc Châu từ -1 đến -3 độ C. Rét hại, băng giá đã gây thiệt hại lớn cho sản xuất và đời sống nhân dân.

Thống kê đến chiều qua, toàn tỉnh có 89 con gia súc bị chết rét. Ngoài ra có 9 xã thuộc các huyện Bắc Yên, Phù Yên và Thuận Châu phải ngừng cấp điện do mưa, tuyết rơi, đóng băng nên nhiều đoạn đường dây 35 KV bị đứt, gãy và đóng băng dày làm bát sứ bị tắt nối. Còn trên địa bàn tỉnh Yên Bái, toàn tỉnh đã có 36 con trâu, bò, dê bị chết rét, tập trung chủ yếu tại các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu và Lục Yên. Ngoài ra, Quốc lộ 32 từ Ngã ba Kim đi đỉnh đèo Khau Phạ, huyện Mù Cang Chải bị tuyết bao phủ dày 5cm, ảnh hưởng tới giao thông.

BCH Phòng chống thiên tai các huyện và các cơ quan chuyên môn vẫn tiếp tục xuống cơ sở vận động, hướng dẫn người dân che chắn chuồng trại, đảm bảo chống rét cho gia súc. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh có hơn 400 gia súc bị chết rét, trong đó chủ yếu là dê (gần 400 con), rải rác ở các xã Đồng Tâm, Vô Ngại và Đồng Văn (huyện Bình Liêu).

Trước tình hình rét đậm, rét hại còn kéo dài hết tháng 1-2016, đe dọa chăn nuôi và sản xuất gieo trồng lương thực, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) vừa yêu cầu các địa phương chủ động điều tiết mùa vụ, theo dõi thời tiết để xuống giống, không để xảy ra lúa chết, cây trồng thiệt hại. Đối với gia súc gia cầm, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đề nghị các địa phương cần cử các đoàn công tác đi hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống đói rét cho vật nuôi. Chủ động dự trữ thức ăn tinh, thức ăn thô khô như  rơm, rạ, cỏ khô và bảo quản các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu, bò. Địa phương nào để trâu, bò chết rét do không thực hiện các yêu cầu về chống rét cho gia súc sẽ không được hỗ trợ thiệt hại.

Hôm nay có mưa phùn nhỏ, rét buốt hơn

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, nền nhiệt hầu hết các tỉnh Bắc bộ trong ngày 25-1 đã tăng từ 3-5 độ C so với 1 ngày trước đó, nhưng một số điểm nhiệt độ quan trắc được vẫn cho giá trị dưới 0 độ C, như đèo Pha Đin (Điện Biên) vào lúc 13h cùng ngày là -1,9 độ C, Sa Pa (Lào Cai) -2,5 độ C, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) -1,1 độ C. Nhiệt độ trên địa bàn Hà Nội đo tại Hà Đông là 11,2 độ C. Đặc biệt, do đợt không khí lạnh lần này có cường độ mạnh nên đã tràn sâu xuống các tỉnh Bắc Trung bộ như Nghệ An, Hà Tĩnh.

Nhiều điểm vùng cao của hai tỉnh này cũng đã xuất hiện băng tuyết. Nền nhiệt ở Vinh vào lúc 13h ngày 25-1 chỉ còn 8,4 độ C, Hà Tĩnh là 7 độ C. 
“Đêm 25-1, các tỉnh Bắc bộ sẽ đón một đợt không khí lạnh tăng cường có cường độ yếu. Do vậy, ngày 26-1 sẽ có mưa nhỏ ở các tỉnh phía Bắc, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Nhiệt độ trong hôm nay sẽ duy trì ở mức 8-10 độ C, nhưng do có mưa phùn nhỏ nên người dân cảm thấy rét buốt hơn. Tại một số điểm vùng cao, nền nhiệt tiếp tục duy trì dưới 0 độ C, băng tuyết vẫn tồn tại”, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia thông tin.

Tin cùng chuyên mục