Đại hội cổ đông Công ty cổ phần bóng đá (VPF) còn 2 ngày:

"Nóng" chuyện nhân sự

ANTĐ - Ngày 14-12 tới, hàng loạt vấn đề như định hướng phát triển, dự thảo quy chế hoạt động mùa giải mới… sẽ được thông qua tại Đại hội cổ đông Công ty VPF. Nhưng điều được quan tâm nhất lại là việc ai sẽ trúng cử vào các vị trí chủ chốt trong bộ máy VPF.

Nhân sự VPF sẽ là chủ đề được quan tâm nhất tại Đại hội cổ đông VPF tới

Có vẻ như càng gần ngày tiến hành Đại hội cổ đông, chuyện nhân sự VPF càng trở nên phức tạp. Một trong những mục tiêu quan trọng của VPF khi ra đời là điều hành các giải đấu quốc nội và giúp BĐVN phát triển. Bởi vậy, việc “chọn mặt, gửi vàng” cho các vị trí chủ chốt được đặc biệt quan tâm. Theo dự đoán của giới phân tích, ông Lê Hùng Dũng và Nguyễn Đức Kiên gần như chắc chắn sẽ là Chủ tịch và Phó chủ tịch Hội đồng quản trị. Trong khi chiếc ghế Tổng giám đốc điều hành (CEO) được cho là sẽ do Phó Chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn nắm giữ. Xét về kinh nghiệm, độ am hiểu về bóng đá, ông Viễn nhận được sự tán thành từ đa số các CLB.

Thế nhưng, trong thời điểm Đại hội cổ đông cận kề, sự xuất hiện của “người cũ” Trần Duy Ly khiến kế hoạch nhân sự VPF ít nhiều thay đổi. Đáng nói hơn, chính ông Viễn mời người tiền nhiệm tham gia vào VPF, nhiều người bảo ông Viễn “tự làm khó mình”, bởi với kinh nghiệm cùng uy tín sau nhiều năm quản lý bóng đá, ông Ly được khá nhiều CLB ủng hộ cho vị trí CEO - vị trí mà trước đây ông Viễn gần như nắm chắc. Nhưng trong bối cảnh VPF đang rất cần người có kinh nghiệm lại chưa thể chọn được CEO “ngoại” ưng ý, thì động thái kia của ông Viễn âu cũng là vì sự phát triển của VPF và tạo sự công bằng cho tất cả. Bản thân Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cũng khẳng định: “Việc đề cử anh Viễn vào vị trí trên mới chỉ dừng ở ý định của vài lãnh đạo đội bóng, trong khi quyết định cuối cùng chỉ được đưa ra sau Đại hội cổ đông VPF vào ngày 14-12. VPF vẫn rộng cửa cho tất cả”.

Không thể phủ nhận, việc có thêm một vài nhân vật được giới thiệu, tiến cử sẽ giúp VPF có thêm nhiều lựa chọn, tránh bỏ sót nhân tài. Song công bằng mà nói, VPF không có nhiều sự lựa chọn khi những cái tên “sáng giá” chỉ đếm trên đầu ngón tay, và toàn là “người quen cũ”. Nhiều người lo ngại sự xáo trộn lại cận thời điểm VPF chuẩn bị chính thức đi vào hoạt động khiến bộ máy điều hành thêm rối. Tuy nhiên, theo ông Viễn: “Lúc này không phải là thời điểm để tranh cãi mà cần chọn những người có kinh nghiệm, đã từng có quá trình làm việc cùng nhau sớm đưa hoạt động của VPF vào quy củ”. Phó Chủ tịch VFF cũng phản bác những ý kiến nói nếu chọn ông và ông Trần Duy Ly điều hành VPF sẽ là cách chọn người theo kiểu “bình mới rượu cũ”. Theo ông Viễn, bộ máy điều hành trên ban giám đốc của VPF còn có HĐQT vạch ra phương hướng phát triển cho công ty, dưới còn có các phòng chức năng lo các mảng điều hành, tổ chức thi đấu cũng như kinh doanh, tiếp thị - tài trợ. Thêm nữa, ngay từ khi thai nghén mô hình VPF, việc cơ cấu cổ đông đều dựa trên cơ sở công bằng cho các bên, nghĩa vụ kèm quyền lợi. Và bất cứ ai, tại bất cứ vị trí nào cũng có thể bị sa thải nếu không hoàn thành nhiệm vụ.