Nơm nớp lo an toàn công trình mùa bão

ANTĐ - Liên tiếp các sự cố đổ tháp truyền hình, cột phát sóng hay vỡ hồ thủy lợi, đập thủy điện nhỏ... khiến người dân sống gần các công trình này luôn trong tình trạng mất ăn mất ngủ mỗi khi mưa bão ập đến. 

Tháp truyền hình Nam Định bị bão quật đổ cuối tháng 10-2012 

Kiểm định lại các công trình 

Khi cơn bão số 10 tràn vào miền Trung, một loạt sự cố công trình nghiêm trọng đã được ghi nhận như vỡ hồ thủy lợi tại Thanh Hóa khiến hàng nghìn hộ dân ngập trong lũ; sập cột phát sóng của Đài tiếng nói Việt Nam tại Quảng Bình làm chết 2 người. Ngày 7-10, trả lời về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, số lượng các công trình kết cấu dạng tháp của cả nước lên tới hàng trăm. Hầu hết các công trình đều có độ cao trên dưới 100m và nằm trong khu vực dân cư. Tại những đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, có tới 4-5 công trình kết cấu dạng tháp cao trên 100m. Do đó, nguy cơ gây mất an toàn của các công trình này rất cao nếu chất lượng xây dựng không đảm bảo và một khi sự cố xảy ra, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Năm 2012, một sự cố tương tự đã từng được ghi nhận khi tháp truyền hình Nam Định bị đổ. Kiểm tra sau sự cố đã chỉ ra, công trình được thiết kế, lắp dựng không đạt chuẩn, thiết kế tải trọng gió thấp hơn so với tải trọng gió tự nhiên Ông Lê Quang Hùng - Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, đây là những ví dụ cụ thể cảnh báo về sự mất an toàn của các công trình dạng này.

Ông Lê Quang Hùng cho biết, sau sự cố sập tháp truyền hình Nam Định, Bộ Xây dựng đã yêu cầu tất cả các đơn vị liên quan và UBND các tỉnh, thành phố báo cáo về danh mục và tình trạng kết cấu công trình dạng tháp đang quản lý. Các đơn vị cũng đã có báo cáo nhưng chưa đầy đủ. Đã vậy, các báo cáo chủ yếu mang tính thống kê, khẳng định hiện nay công trình vẫn đang đứng vững. Thực tế, khi bão số 10 đổ bộ, cột phát sóng của Đài tiếng nói Việt Nam tại Quảng Bình đã bị đổ. Để chấn chỉnh, sớm khắc phục vấn đề này, ông Lê Quang Hùng cho biết, dự kiến, Bộ Xây dựng sẽ chỉ đạo tính toán, kiểm định lại các công trình tháp cao trên 100m. “Phải tính toán lại kết cấu, chất lượng công trình, công tác bảo trì và kiểm tra lại tải trọng treo trên tháp... Sẽ có một đơn vị tư vấn độc lập thực hiện việc kiểm tra, dưới sự chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước khi tổ chức kiểm định”- ông Lê Quang Hùng nhấn mạnh.

Hồ đập chưa an toàn

Thống kê của Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay, cả nước có hơn 6.500 hồ chứa thủy điện, thủy lợi với tổng dung tích trữ nước khoảng 11 tỷ m3 nước. Đa số đều đang vận hành an toàn. Song, Bộ Xây dựng cũng thẳng thắn nhìn nhận, một số hồ thủy điện, thủy lợi quy mô nhỏ đang có nhiều vấn đề, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Thực tế, một loạt sự cố đã xảy ra trong quá trình thi công xây dựng hoặc trong giai đoạn vận hành thử.

Điển hình là thủy điện Đăk Rông 3( Quảng Trị) bị vỡ tường chắn bê tông; thủy điện Đăm Bol - Đạ terl (Lâm Đồng) bị vỡ đường ống áp lực; thủy điện  Ia Krel 2 vỡ đập khi bắt đầu tích nước... Trong đợt mưa bão vừa qua, tại Thanh Hóa, mưa lớn đã làm 3 hồ chứa nước (hồ Đồng Đáng, hồ Thung Cối và hồ Cây Trầu - huyện Tĩnh Gia) bị vỡ và hư hỏng. Lượng nước tích trữ trong 3 hồ này có tổng dung tích gần 1 triệu m3 đổ ập xuống làm hơn 1.000 hộ dân bị ngập sâu trong nước...

Ông Lê Quang Hùng cho biết, các hồ chứa nhỏ thông thường được giao cho hợp tác xã quản lý. Song, các hợp tác xã này thường thiếu cán bộ có chuyên môn về thủy lợi nên công tác quản lý kỹ thuật còn khó khăn. Các công trình chưa được duy tu bảo dưỡng tốt, khả năng tích nước phòng chống lũ yếu. Thêm vào đó, nhiều hồ đập được xây dựng trước năm 2000 và đang xuống cấp rất nhanh. Nếu không được kiểm soát về chất lượng công trình, những “quả bom” nước này có thể đe dọa an toàn tính mạng, tài sản của hàng nghìn người dân.

Bộ Xây dựng cho biết, sẽ kiến nghị Chính phủ sửa đổi quy định vai trò quản lý Nhà nước trong công tác quản lý an toàn đập. Đặc biệt, địa phương, bộ, ngành cần siết chặt kiểm soát các chủ đầu tư trong việc thực hiện các quy định quản lý an toàn đập, đặc biệt đối với doanh nghiệp tư nhân. Phải xử phạt thật nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm cũng như có chính sách khuyến khích nghiên cứu nâng cao chất lượng thiết kế, thi công, quan trắc, đánh giá an toàn đập và tăng cường độ chính xác dự báo thời tiết trung - dài hạn để chủ động xả lũ cho công trình, tránh trường hợp lũ kép, khiến người dân bị thiệt hại nặng nề.