Nói ngọng - có “thuốc” nhưng khó chữa

ANTĐ - Việc nói ngọng không chỉ khiến “khổ chủ” xấu hổ, kém tự tin trong giao tiếp mà còn mang lại những tai hại không nhỏ. Dù các phương tiện truyền thông, các nhà sư phạm đã tốn không ít công sức tìm ra giải pháp để khắc phục tình trạng này, nhưng hiện tại việc nói ngọng vẫn tràn ngập ở nhiều vùng, nhiều nơi, trong nhiều trường học…
Minh họa: Lê Phương


“Truyền thống ba đời”… nói ngọng

“Tôi nói ngọng từ bé. Cả nhà tôi ai cũng nói ngọng. Nơi tôi sinh sống mọi người chỉ phát âm được chữ n. Tất cả các thầy cô giáo dạy chúng tôi suốt 5 năm tiểu học đều “ngọng” như thế. Trong nhà, ngoài xóm mọi người đều vậy nên lớp trẻ chúng tôi lớn lên 100%... ngọng. Ra ngoài, công việc phải giao tiếp nhiều mới thấy “ngọng” mang lại nhiều điều phiền toái, đôi khi làm người khác không hiểu hoặc hiểu sai ý mình muốn nói, thiếu tự tin trong giao tiếp. Nhưng may mắn là khi tôi học đại học thì gặp được cô giáo không có tật nói ngọng nên cô đã sửa cho tôi…”, anh Nguyễn Xuân Thắng, ở huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ.

Trong ngôn ngữ học, “nói ngọng” chính là việc phát âm sai: Sai phụ âm đầu như l-n, s-x, ch-tr; sai vần: ưc-ưt, inh-in; sai 4 phụ âm cuối: m-n, t-c, p-t-c...  Ở miền Bắc, chủ yếu phát âm sai phụ âm đầu, miền Trung sai thanh điệu, miền Nam sai phụ âm cuối, thanh điệu (hỏi ngã) và đặc biệt sai v-r. Có những vùng do thổ nhưỡng, thói quen lâu đời mà cả làng, cả vùng nói ngọng, trong đó phải kể đến ngọng phụ âm “l, n”. Hiện tượng này xảy ra khá phổ biến ở nhiều huyện của Hà Nội như Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, các huyện của Hà Tây cũ. Tìm hiểu ra thì được biết, có không ít cô giáo mầm non là người địa phương. Ban đầu, các cô chỉ tốt nghiệp lớp 9, sau đó, theo yêu cầu của ngành, các cô được đi học bổ sung để nâng cao trình độ nhưng không thay đổi được cách nói và phát âm.

Câu chuyện về một nữ sinh người Thái Bình mở đầu buổi bảo vệ luận văn của mình đã được “lưu truyền” trong khoa Ngôn ngữ, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn nhiều năm nay cũng bởi thói quen nói ngọng cố hữu: “... Sau đây em xin trình bày bản tóm tắt nội dung khóa “nuận” đề tài: “Nàm thế lào để tiếng Việt không bị pha tạp”. Cả Hội đồng chấm khóa luận tốt nghiệp cho tới sinh viên và những khách mời phía dưới hội trường ngày hôm đó đã chết lặng trước khi bật ra những tiếng cười không nén nổi. Ngay phút “mở màn” chật vật ấy, cô sinh viên sắp ra trường cứ lắp bắp, đánh vật trong cái mớ hỗn độn “l”, “n”.

Trong thời kỳ hội nhập quốc tế thì việc sử dụng ngoại ngữ dần trở nên phổ biến. Khi học và nói các ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, tiếng Pháp, nếu phát âm không chuẩn sẽ sai cơ bản, người nghe không thể hiểu đúng bản chất nội dung cuộc trao đổi. Thật trớ trêu cho những ai đem theo cả lỗi phát âm của mình vào học ngoại ngữ. Xuân Phương, quê ở Nam Định vừa nhận tấm bằng cử nhân lớp tiếng Anh của Viện Đại học Mở Hà Nội. Nộp hồ sơ xin vào vị trí phiên dịch cho một công ty liên doanh của Nhật, Phương hy vọng mình sẽ trúng tuyển. Tuy nhiên, người phỏng vấn đã lắc đầu nói không khi Phương cất giọng: “Ai lau dát ai gui bi ơ gut im pờ noi ờ” (Tôi biết tôi sẽ trở thành một nhân viên tốt).

Nói ngọng sẽ dẫn đến “viết ngọng”

Theo Thạc sỹ Nguyễn Xuân Quang - giảng viên ngôn ngữ học, bản chất của nói ngọng là hiện tượng phát âm không đúng so với chuẩn chính tả. Học sinh nói ngọng chủ yếu do thói quen từ địa phương và bị ảnh hưởng từ giáo viên. Nếu giáo viên nói ngọng thì nguy cơ hàng loạt thế hệ học sinh nói ngọng và “viết ngọng” sẽ rất cao.

Được biết, để khắc phục tình trạng này, Sở GD&ĐT Hà Nội đã triển khai kế hoạch “Luyện phát âm, viết đúng hai phụ âm đầu: l - n” đối với một số huyện ngoại thành nhằm luyện phát âm, viết đúng hai phụ âm này đối với giáo viên khối tiểu học. Sửa tật nói ngọng tuy khó nhưng nếu chú ý là có thể sửa được, điều quan trọng là người nói ngọng phải được tách ra khỏi môi trường họ đang sống, bởi khi ở trong môi trường tiếp xúc với những người cùng bị nói ngọng họ không thể phát hiện được ngôn ngữ của mình đang bị lệch chuẩn.

Trên một khía cạnh nào đó, nói ngọng khá nguy hiểm vì khi ngữ âm bị biến đổi sẽ làm chính tả dần biến đổi theo, dẫn đến hiện tượng ngôn ngữ viết cũng sẽ bị “ngọng”, sai chính tả. Đáng buồn là khá nhiều bậc cha mẹ không nhận thức được một cách đầy đủ về điều này, thường xuyên phát âm tùy tiện nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ ngay từ lúc các em tập phát âm. Đến khi đi học, các cô giáo mầm non chỉ chú ý dạy các em vui chơi, múa hát, chưa chú trọng uốn nắn ngôn ngữ nên việc nói ngọng của các em ngày càng nghiêm trọng. Khi còn nhỏ, các em chưa có năng lực phản biện để so sánh đúng sai nên tin tuyệt đối vào người thầy. Do đó, trên thực tế dù cô giáo phát âm sai nhưng các em vẫn nhất nhất nghe lời. Trong khi đó, tật nói ngọng càng lớn càng khó sửa.

Cũng theo ông Quang, điều đáng nói là việc nói ngọng không chỉ xảy ra trong các trường học mà nó còn tồn tại ngay tại những cơ quan công quyền như tòa án, viện kiểm sát. Tương lai của không ít bạn trẻ đã bị ảnh hưởng do… nói ngọng. Nhiều bạn đã đánh mất cơ hội tốt nhất của mình ngay ở vòng phỏng vấn xin việc. Để thế hệ tương lai không bị nói ngọng, đội ngũ giáo viên cần chuẩn xác trong ngôn ngữ nói và viết. Bên cạnh đó, mỗi người phải thường xuyên luyện tập phát âm cho chuẩn xác, phải đặt ra mục tiêu sửa tật nói ngọng. Trước đây, khi tuyển vào trường sư phạm, ngoài việc đạt điểm về văn hóa, các trường sư phạm còn phải qua một vòng sơ tuyển về chữ viết, giọng nói và hình thức. Chữ viết phải chân phương, dễ đọc, không sai chính tả. Giọng nói phải chuẩn, không ngọng, hạn chế thổ ngữ…

Để làm được điều này, các cơ quan quản lý giáo dục cần rà soát lại các tiêu chuẩn trên với các giáo viên đang giảng dạy để họ tự nhận ra khiếm khuyết và rèn luyện. Bên cạnh đó, khi bổ nhiệm cán bộ, bầu cán bộ dân cử vào các vị trí lãnh đạo cũng cần phải chú trọng đến việc người đó phát âm có chuẩn hay không. Rèn luyện cho mình phát âm chuẩn chính là việc làm thiết thực giữ gìn vốn văn hóa của dân tộc và sự trong sáng của tiếng Việt. Vì tương lai của chính bản thân mình, mỗi cá nhân, đặc biệt là các thầy cô giáo hãy tự rèn luyện bản thân để phát âm đúng chuẩn, đừng vì cái sai nhỏ mà ảnh hưởng đến sự nghiệp, cuộc sống sau này…