Nỗi lòng khó nói của nữ công nhân hái dâu ở Tây Ban Nha

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Theo điều tra của Al Jazeera, các ông chủ nông trại thường xuyên quấy rối tình dục và bóc lột những công nhân hái trái dâu để xuất khẩu sang các siêu thị châu Âu. Lực lượng lao động thời vụ yếu thế này hầu như không dám phản kháng và tố cáo.
Những người hái dâu với thị thực lao động tạm thời ở Tây Ban Nha có ít cơ hội để trình báo về các hành vi quấy rối và lạm dụng

Những người hái dâu với thị thực lao động tạm thời ở Tây Ban Nha có ít cơ hội để trình báo về các hành vi quấy rối và lạm dụng

Một ngày tháng 5-2021, giữa vụ dâu tây ở tỉnh Huelva - vùng sản xuất loại trái cây màu đỏ lớn nhất Tây Ban Nha và châu Âu, Jadida, một phụ nữ Morocco phải nói với đồng nghiệp là đi mua hàng tạp hóa để tránh sự nghi ngờ. Một lao động nhập cư làm nghề hái dâu ở đây ra ngoài tiếp xúc với phóng viên là điều không hề dễ dàng.

Jadida kể, người giám sát công việc ngày đầu cô đến rất niềm nở. Nhưng vào ngày thứ hai, anh ta bảo cô vào phòng. Cô từ chối, nhưng người đàn ông gọi điện thoại liên tục cho cô. Cuối cùng, anh ta gặp Jadida ở cánh đồng và cố tình gây áp lực ép cô phải quan hệ tình dục với anh ta. Jadida hiểu, liên tục từ chối người này sẽ dẫn đến hậu quả là có thể bị sa thải và về nước. “Anh ta nói với các ông chủ khác rằng tôi lười biếng và không làm được việc. Anh ta khiến tôi gặp rắc rối và đổ vấy tội lên đầu tôi”, Jadida kể. “Chừng nào ra khỏi đây, tôi chỉ mong anh ta bị bắt”.

Đó chỉ là một trong số hàng nghìn phụ nữ, trong số đó có nhiều người Morocco và Romania, mỗi năm lại đến Huelva từ 3-6 tháng để thu hoạch dâu tây, quả mâm xôi và việt quất.

Al Jazeera, phối hợp với hãng truyền thông điều tra Đan Mạch Danwatch, đã phỏng vấn 16 nữ công nhân các nông trại tại đây. Tất cả đều có hợp đồng với 7 nhà sản xuất dâu tây lớn nhất bán cho các siêu thị nổi tiếng ở Anh, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Đức và Thụy Điển. Hầu hết các công nhân kể lại rằng, họ bị sỉ nhục hàng ngày, từ chuyện bị phạt chỉ vì đi vệ sinh, không được bảo vệ chống lại dịch bệnh Covid-19 đến bị quấy rối tình dục và cưỡng bức.

Theo thỏa thuận song phương, chỉ riêng trong năm 2019, đã có gần 20.000 phụ nữ Morocco đi xuất khẩu lao động, làm nghề hái dâu ở Tây Ban Nha. Nhưng người lao động sẽ mất cơ hội việc làm nếu họ bỏ nơi làm việc vì bất kỳ lý do gì.

Tình hình còn tồi tệ hơn đối với những người lao động nhập cư không có giấy tờ. Họ không thể nộp cáo buộc lạm dụng vì chỉ cần báo cảnh sát, họ có thể bị trục xuất. “Nếu một người đàn ông thích một nữ nhân viên, anh ta sẽ quấy rối”, Hadiya, một người Morocco không giấy tờ chia sẻ. Thị thực lao động của Hadiya hết hạn 2 năm trước, nhưng cô không muốn về nước mà trốn ở lại. Kể từ đó, những ông chủ trang trại liên tục ép cô phải “chiều” họ. Khi điều đó xảy ra, “đã đến lúc tìm một nơi làm việc khác”, cô nói.

Theo bà Angels Escrivà, Giáo sư tại Đại học Huelva, tham gia mạng lưới Mujeres 24h hỗ trợ phụ nữ lao động nhập cư, ngành công nghiệp dâu tây Tây Ban Nha ban đầu tuyển nam giới Maroc. Nhưng các lao động này được cho là cứng đầu, thậm chí còn gây bạo loạn vào năm 2000. Tuy nhiên, sử dụng nữ công nhân nông trại lại nảy sinh vấn đề lạm dụng tình dục.

Năm 2018, 10 phụ nữ Morocco đã đệ đơn kiện nhà sản xuất dâu tây Tây Ban Nha Doñaña 1998 với cáo buộc bị hành hung, quấy rối tình dục, hãm hiếp và buôn người. Cùng năm đó, 4 phụ nữ khác đã kiện một nhà xuất khẩu dâu tây giấu tên vì tội quấy rối tình dục và bóc lột sức lao động. Tòa án cấp tỉnh ở Huelva đã bác cả 2 đơn kiện này, luật sư của các công nhân nhập cư đều kháng cáo. Đáp lại những cáo buộc lạm dụng tình dục tại các trang trại, Bộ trưởng Lao động Tây Ban Nha Yolanda Díaz nói rằng, những nơi sử dụng công nhân nhập cư này sẽ bị thanh tra.