Nỗi lo từ dòng tiền “nóng” đang đổ vào thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mặc dù dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp nhưng dường như thị trường chứng khoán không bị ảnh hưởng, thậm chí còn thăng hoa hơn. Nhiều chuyên gia tỏ ra lạc quan nhưng cũng có người thận trọng.

Vượt đỉnh 1.300 điểm

Phiên giao dịch ngày hôm nay, VN-Index đã chính thức vượt mốc 1.300 điểm và chốt phiên tại 1.308,58 điểm (tăng 10,6 điểm, tương đương 0,82%), VN30-Index đạt 1.444 điểm; HNX-Index đạt 301,59 điểm; UPCoM-Index đạt 82,9 điểm.

Dòng tiền dường như đang rất hưng phấn khi thị trường liên tục thiết lập các đỉnh cao mới về chỉ số.

Đáng nói, dòng tiền mạnh mẽ này chủ yếu đến từ nhà đầu tư trong nước. Theo thống kê của Trung tâm Lưu ký chứng khoán, liên tục từ đầu năm tới nay, lượng tài khoản chứng khoán mở mới đạt mức trên dưới 100.000 tài khoản mỗi tháng.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, lượng tài khoản chứng khoán mở mới đạt trên 410.000 tài khoản, cao hơn tổng lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020. Tổng số tài khoản chứng khoán tính đến hết tháng 4/2020 đạt hơn 3,14 triệu, trong đó tới trên 3,09 triệu tài khoản là của nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Trong khi đó, từ đầu năm đến giữa tháng 5/2021, khối ngoại đã bán ròng gần 21 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn chứng khoán, tức là bán ròng nhiều hơn cả năm 2020, vốn là năm kỷ lục bán ròng của khối ngoại.

Theo chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu, sở dĩ dòng tiền F0 đổ vào TTCK ngày càng mạnh là do thị trường đang có rất nhiều yếu tố hỗ trợ như: lãi suất ngân hàng thấp; dòng tiền thiếu kênh đầu tư do hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, các kênh đầu tư khác tiềm ẩn rủi ro…

Dòng tiền mới khổng lồ đã giúp thị trường duy trì thanh khoản ở mức cao bất chấp dịch bệnh diễn biến phức tạp. Theo ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán VPS, tâm lý nhà đầu tư đã không còn chịu tác động tiêu cực từ thông tin dịch bệnh, thậm chí còn có xu hướng mua bắt đáy mạnh mỗi khi thị trườngđiều chỉnh.

“Trong bối cảnh Chính phủ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, lãi suất thấp như hiện nay, chưa có kênh nào hấp dẫn hơn chứng khoán” – ông Khánh nói.

Thị trường chứng khoán sôi động đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư mới

Thị trường chứng khoán sôi động đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư mới

Dù thị trường liên tục tăng nhưng ông Lê Đức Khánh cho rằng hiện nay so với mặt bằng chung của các nước, giá cổ phiếu của Việt Nam vẫn chưa cao, đà tăng chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu của doanh nghiệp tốt. Do đó, ông cho rằng thị trường chưa đến mức “bong bóng”.

Nỗi lo từ dòng tiền nóng

Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư của Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng cho rằng dù thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng nhưng đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, thiếu tính bền vững.

Trong đó, có một số dấu hiệu bất ổn mà vị chuyên gia chỉ ra, đó là: Hành động của các nhà đầu tư lớn và nhà đầu tư nhỏ đang có sự khác nhau. Trong khi các nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tổ chức có xu hướng bán ròng, lực mua của các quỹ ETF cũng có dấu hiệu chững lại thì nhà đầu tư cá nhân trong nước lại rất tích cực mua vào.

Dấu hiệu thứ hai là thanh khoản thị trường đã có phần chững lại, theo đó giá trị giao dịch vẫn đạt xấp xỉ 1 tỷ USD nhưng khối lượng giao dịch lại đang có xu hướng giảm. Sở dĩ khối lượng giao dịch giảm nhưng giá trị giao dịch vẫn cao là do mặt bằng giá cổ phiếu đang cao hơn trước rất nhiều.

Dấu hiệu thứ ba, theo vị chuyên gia, là thị trường đang có sự phân hóa cực mạnh, dòng tiền vào thị trường lớn nhưng lại chỉ tập trung vào một số nhóm cổ phiếu như tài chính, ngân hàng, thép... Trong khi đó, hàng loạt bluechip như VNM, SAB, VIC, CTD hay TDH... vốn là những cổ phiếu hàng đầu thị trường trước đây thì nay đã giảm giá suốt từ đầu năm.

Đặc biệt, những rủi ro của thị trường đang đến từ dòng tiền “nóng” nhưng mang tính đầu cơ cao. “Hiện nay nhiều nhóm cổ phiếu đang tăng mạnh, ai cũng sợ mình là người bỏ lỡ chuyến tàu, sợ mình là người vào tiền cuối cùng, nên đổ xô mua. Tuy nhiên, nếu dòng tiền hỗ trợ sản xuất, kinh doanh thì thị trường sẽ tăng bền vững, còn dòng tiền chỉ lo đầu cơ, lướt sóng kiếm lời thì thị trường sẽ rủi ro” – ông Phan Dũng Khánh nhận định.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng dòng tiền dòng tiền của các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước đang chủ yếu đổ vào thị trường thứ cấp, tức là thị trường đầu cơ mua đi bán lại, chứ không đổ vào thị trường sơ cấp, tức là tiền không vào túi của các doanh nghiệp phát hành. Đây là một rủi ro lớn của thị trường.

Tương tự, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia cho rằng việc nhà đầu tư F0 thiếu kiến thức, tâm lý “bầy đàn” và một số lạm dụng đòn bẩy tài chính để lướt sóng sẽ mang lại nhiều rủi ro.

“Khi thị trường giảm thì, những nhà đầu tư này có thể rút vốn hàng loạt, gây nên sự hoảng loạn” – TS Cấn Văn Lực nói.

Theo chuyên gia Phan Dũng Khánh, hiện nay, lạm phát đang tăng mạnh trên toàn cầu, giá cả hàng hóa leo thang… Trong bối cảnh đó, một số quốc gia đã bắt đầu thắt chặt hơn chính sách tiền tệ.

“Như vậy, nhiều khả năng thời gian tới dòng tiền rẻ trên thế giới sẽ bị hạn chế. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thị trường tài chính nói chung, trong đó có thị trường chứng khoán” – ông Khánh nói.

Cùng với đó, thời gian gần đây dòng tiền trên thế giới có xu hướng điều chỉnh, một phần đã được rút ra khỏi các kênh đầu tư rủi ro và trở lại các kênh “trú ẩn an toàn”. Theo đó, giá vàng bắt đầu tăng trở lại, trong khi thị trường chứng khoán hay tiền số lại có xu hướng giảm. Đây cũng là một trong những dấu hiệu cảnh báo đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Do đó, vị chuyên gia cho rằng, có thể thị trường sẽ lên nữa nhưng khả năng bền vững là không chắc chắn.