Nỗi lo khi Pakistan mở cửa cho tư nhân bán vaccine Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tháng trước, Pakistan trở thành một trong số ít quốc gia cho phép khu vực tư nhân nhập khẩu và bán vaccine Covid-19. Nhưng giới phê bình cho rằng, điều này sẽ làm gia tăng bất bình đẳng vì chỉ có lợi cho người giàu.
Vaccine Sputnik V Covid-19 được chuyển đến Karachi, Pakistan

Vaccine Sputnik V Covid-19 được chuyển đến Karachi, Pakistan

Làn sóng Covid-19 thứ ba

Pakistan đang ở trong tình thế ngặt nghèo: Số ca nhiễm Covid-19 đang gia tăng trong làn sóng thứ ba, các giường bệnh đông kín bệnh nhân và chương trình tiêm chủng của Chính phủ đang tiến triển chậm do việc giao hàng bị chậm và nguồn cung hạn chế.

Trong khi đó, tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo bắt đầu từ ngày 13-4. Cuối tháng ăn chay này, lễ hội Eid al-Fitr diễn ra sẽ là dịp để người Hồi giáo cùng gia đình và bạn bè tụ tập ăn mừng. Đây là một trong những ngày lễ lớn nhất của tín đồ đạo Hồi và nó cũng ẩn chứa nguy cơ lớn về lây nhiễm Covid-19.

Vào khoảng thời gian này năm ngoái, các quốc gia trên khắp thế giới đang trải qua những đợt dịch tàn khốc đầu tiên và tháng lễ Ramadan ở nhiều nơi diễn ra trong lệnh phong tỏa nghiêm ngặt. Nhưng lần này, các nhà thờ Hồi giáo Pakistan sẽ được phép mở cửa và thực hiện quy định phòng dịch. Tuần trước, Chính phủ cảnh báo rằng nếu đợt bùng phát trở nên tồi tệ hơn trong tháng Ramadan và các ca bệnh gia tăng, Chính phủ có thể sửa đổi và thắt chặt các hạn chế một lần nữa.

Trong bối cảnh đó, vào tuần đầu tiên của tháng 4-2021, lần đầu tiên vaccine Covid-19 tư nhân của Pakistan ra mắt, và mặt hàng chủ yếu là vaccine Sputnik V của Nga. Đám đông đổ xô đến các trung tâm tiêm chủng và xếp hàng hàng giờ để được tiêm. Một số trung tâm đã bán hết vaccine chỉ trong vài ngày. Một số trung tâm cho phép đăng ký trực tuyến song website của họ cũng bị nghẽn vì quá nhiều người đăng ký.

Pakistan mới chỉ chấp thuận 3 loại vaccine để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, gồm vaccine của Trung Quốc, Sputnik V của Nga và vaccine Oxford-AstraZeneca. Truyền thông nước này trích dẫn nguồn tin từ Bộ Y tế cho biết, Chính phủ Pakistan đã nhận được 2,56 triệu liều vaccine, tất cả đều từ Trung Quốc. Khoảng 1 triệu người đã được tiêm các mũi này kể từ tháng 2-2021, chủ yếu ở các nhóm ưu tiên như nhân viên y tế và những người trên 50 tuổi. Con số này có nghĩa, một tỷ lệ rất lớn trong số 238 triệu người dân Pakistan phải chờ đợi tới lượt được tiêm.

Ý kiến trái chiều về vaccine tư nhân

Khi vaccine tư nhân được mở ra cho tất cả mọi người, nhiều người hy vọng có được một suất từ các trung tâm tiêm chủng tư nhân. Anushka Jatoi, 35 tuổi, người đã tiêm vaccine cho gia đình tại một bệnh viện tư ở thành phố Karachi, cho biết: “Thật tốt khi nó được tư nhân cung cấp. Tôi không biết bao giờ mới tới lượt mình nếu chờ vaccine của Chính phủ”.

Cấp phép cho tư nhân tham gia kinh doanh vì chương trình vaccine đang diễn ra tương đối chậm, nhà chức trách Pakistan cũng đề ra một số quy tắc, bao gồm cấm bán vaccine trên thị trường bán lẻ; các viện và phòng khám tư nhân chỉ có thể quản lý vaccine tại cơ sở của họ và dưới sự giám sát của các chuyên gia y tế.

Một số người cho rằng, việc Nhà nước và khu vực tư nhân cùng chia sẻ gánh nặng về vaccine sẽ khiến nhiều người nhanh được tiêm hơn và đưa nền kinh tế đi đúng hướng. Tuy nhiên, quyết định này đã tạo ra một cuộc tranh luận xung quanh đạo đức của việc thương mại hóa vaccine trong đại dịch.

Theo Cơ quan Quản lý Thuốc Pakistan (DRAP), vaccine Sputnik hiện có giá 12.000 rupee Pakistan (80 USD) cho 2 liều. Giá này cao gấp 4 lần giá thị trường quốc tế, tức là dưới 20 USD cho 2 liều và nó chiếm khoảng 30% thu nhập hàng tháng của một hộ gia đình trung bình theo Cục Thống kê Pakistan.

Ngoài vấn đề giá cả, tư nhân hóa thị trường vaccine cũng làm dấy lên những lo ngại về khả năng tiếp cận và bất bình đẳng xã hội. Hầu hết các giao dịch tư nhân là ở các thành phố lớn, chẳng hạn như Karachi và Islamabad. Người dân nông thôn khó có thể tiếp cận.

Tiến sĩ Tipu Sultan, cựu lãnh đạo Hiệp hội Y khoa Pakistan cho biết: “Việc bán loại vaccine này là phi đạo đức và quá tồi đối với cộng đồng. Chỉ có rất ít người có tiền mới mua nổi. Phần lớn người dân không thể mua được”.

Vài quốc gia trên thế giới cho phép thương mại hóa vaccine

- Ấn Độ đã cho phép một số cơ sở tư nhân phân phối vaccine, còn giá cả được Chính phủ quy định.

- Đầu tháng 4-2021, Colombia cho phép nhập khẩu tư nhân, nhưng bắt buộc phải miễn phí cho người tiêu dùng.

- Indonesia đã khởi động một chương trình tiêm chủng tư nhân, chủ yếu các công ty mua vaccine của Nhà nước cho nhân viên của họ.

- Kenya cũng cho phép tư nhân bán vaccine một thời gian nhưng đã dừng hôm 2-4 vì lo ngại vaccine giả có thể xâm nhập.