Nỗi khiếp sợ của sinh viên châu Phi ở Ấn Độ

ANTD.VN - Kể từ khi một lượng lớn thanh niên châu Phi đến Ấn Độ du học, các vụ tấn công mang tính chất phân biệt chủng tộc đã gia tăng. Điều này phản ánh một sự thật, đó là sự chấp nhận của xã hội Ấn Độ về định kiến này.

Nỗi khiếp sợ của sinh viên châu Phi ở Ấn Độ ảnh 1Du học sinh người Nigeria Endurance Amalawa cùng vết thương sau vụ bị hành hung ở Greater Noida

Ngày 24-3, Manish Khari, một học sinh trung học ở Greater Noida, ngoại ô New Delhi, Ấn Độ đã không về nhà sau khi đi dạo buổi tối. Một số người hàng xóm của Khari cho biết có thấy em cùng với 5 sinh viên Nigeria sống trong khu vực.

Một đám đông giận dữ xông vào căn hộ của các sinh viên Nigeria nhưng không tìm được cậu bé mất tích. Gia đình và người dân địa phương cáo buộc các sinh viên này đã sát hại Khari. Cảnh sát đã bắt giữ 5 sinh viên Nigeria nhưng họ không có bằng chứng. Khari sau đó trở về trong tình trạng yếu mệt rồi tử vong ngay sau đó, có vẻ như bị sốc thuốc.

Sống trong sự phân biệt đối xử

Hai ngày sau lễ cầu nguyện cho cậu bé Khari, hai anh em sinh viên người Nigeria đang theo học tại Greater Noida là Endurance và Precious Amalawa trên đường đi ăn tối về đã bị đánh đập thậm tệ rồi ném vào một thùng rác.

Trước đó, hồi tháng 5-2016, Olivier Kitanda, một giáo viên tiếng Pháp người Congo đã bị 3 thanh niên hành hung đến chết trên đường phố Nam Delhi sau cuộc tranh cãi về thuê xe kéo.

Đó là bức tranh đầy mâu thuẫn của Greater Noida - khu vực được coi là hình mẫu của một Ấn Độ mới, khắp nơi là các khu nhà cao tầng, văn phòng công ty, trường đại học tư nhân và trung tâm mua sắm. Tuy nhiên, đằng sau vẻ hiện đại đó lại vẫn tồn tại những thành kiến nguy hiểm.

“Ấn Độ hiện có khoảng hơn 11.000 sinh viên châu Phi đang theo học, trong đó một nửa là người Nigeria và Sudan”.

Bộ Phát triển nguồn nhân lực Ấn Độ

Người châu Phi ở Ấn Độ sống với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc mỗi ngày. Họ bị chế  giễu, thường xuyên bị đẩy ra khỏi các câu lạc bộ hay bị tính giá cắt cổ nếu sử dụng các phương tiện vận tải công cộng. Những người đàn ông châu Phi ở đây ngầm được hiểu là chuyên buôn bán ma túy còn phụ nữ bị coi là gái mại dâm.

Theo Bộ Phát triển nguồn nhân lực Ấn Độ, quốc gia này hiện có 11.442 sinh viên châu Phi đang theo học, trong đó một nửa là người Nigeria và Sudan. Phần lớn sinh viên này theo học ở những trường đại học tư nhân mới mở sau những đợt tuyển sinh rầm rộ tại châu Phi.

Khi thuê nhà sống quanh các khu trường học, các sinh viên châu Phi bị tính giá cao hơn. Thành kiến chủng tộc còn làm cho họ luôn bị chủ nhà và hàng xóm nghi kỵ, mâu thuẫn căng thẳng tăng cao và dẫn tới bạo lực.

Khó xóa bỏ định kiến

 Nhiều cuộc tấn công mang tính phân biệt chủng tộc vào người ngoại quốc châu Phi đã phủ nhận mối quan hệ tốt đẹp, lâu đời giữa người châu Phi và người Ấn Độ. Ấn Độ từng ủng hộ lớn cho các cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc - thực dân tại châu Phi. Di sản Ấn Độ đã phát triển khắp châu Phi, sinh viên và học giả từ châu Phi thường xuyên đến thăm và sống ở Ấn Độ. Tuy nhiên, mọi chuyện giờ đã thay đổi. 

Sau vụ tấn công anh em nhà Amalawa, các nhà ngoại giao châu Phi ở Ấn Độ mô tả cuộc tấn công là “chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và ngoại đạo”. Tuy nhiên, bà Sushma Swaraj, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ đã đáp lại, gọi đó là trường hợp “không may”.

Bà Swaraj khẳng định rằng không thể coi đó là vụ việc có tính phân biệt chủng tộc cho đến khi cuộc điều tra của cảnh sát hoàn tất. Một năm trước, sau khi cái chết của giáo viên người Congo Kitanda, bà Swaraj cũng đã phủ nhận khía cạnh chủng tộc trong vụ giết người này.

Trên Twitter, nữ Ngoại trưởng Ấn Độ viết: “Tôi muốn đảm bảo với các sinh viên châu Phi ở Ấn Độ rằng đây là một sự kiện đáng tiếc và đau đớn liên quan đến những kẻ phạm tội người địa phương”.

Thường thì các hành vi bạo lực và phân biệt đối xử với người châu Phi được giải thích bằng việc đổ lỗi cho những hành vi vi phạm pháp luật mà người châu Phi gây ra ở Ấn Độ. Như Vinod Singh, một giáo viên ở Greater Noida có con trai bị bắt vì tham gia vụ hành hung hai sinh viên Amalawa nói về những người châu Phi sống trong khu phố của mình: “Ai là nhà cung cấp ma túy? Mọi người đều biết người Nigeria họ làm những gì. Họ lang thang say rượu vào lúc 2 giờ sáng. Họ chuyển trường khi thi trượt. Có người thị thực đã hết hạn. Trong số đó, chỉ có một số ít là người tốt”.